Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông đặt ra nguy cơ hiện hữu của các xung đột trong tương lai.
Trong bài đăng trên USnews, chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington cho rằng: Thời gian gần đây, thế giới tập trung sự chú ý vào các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Những tranh chấp này đặt ra nguy cơ hiện hữu của các xung đột trong tương lai. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai vùng biển này đã vượt xa ranh giới khu vực, do đó, đã đến lúc Mỹ phải đặt ra "giới hạn đỏ" đối với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Jeff M. Smith, vấn đề chủ quyền hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông bao gồm nhiều nội dung hơn chứ không chỉ đơn giản là tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nó cũng liên quan đến một loạt bất đồng giữa Mỹ vàTrung Quốc về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đặc biệt là quyền của quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động giám sát ở khu vực đó.
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc xuất phát từ cách hiểu khác nhau về UNCLOS. Theo giải thích của Bắc Kinh, Trung Quốc có quyền mở rộng chủ quyền trong vùng này, trong đó, có quyền từ chối hoạt động giám sát của quân đội Mỹ.
Mỹ và phần lớn các nước trên thế giới từ chối cách giải thích của Trung Quốc về UNCLOS và chỉ rõ rằng, Trung Quốc không thể coi vùng đặc quyền kinh tế như thể nó là chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Và nhiều học giả Mỹ đã triệt để vạch trần âm mưu này của Bắc Kinh.
Nếu Mỹ và Trung Quốc không tiến tới một tạm ước về bộ quy tắc ứng xử ở Tây Thái Bình Dương, khả năng leo thang và đối đầu là có thật. Trong quá khứ, Mỹ đã nỗ lực tạo ra một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc về các vấn đề ở khu vực này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán ngưng trệ do Trung Quốc liên tục đưa ra những yêu sách đối với Mỹ như phải ngừng bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan, chấm dứt hoạt động giám sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và bãi bỏ Luật Ủy quyền quốc phòng năm 2000, trong đó hạn chế hợp tác quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi các tầng lớp chính trị chuyên nghiệp Trung Quốc đang mở rộng mức độ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thì xu hướng này không tới được với quân Giải phóng Trung Quốc. Hàng ngũ quân đội Trung Quốc vẫn còn tồn tại những đầu óc âm mưu, hiếu chiến, muốn cô lập với thế giới phương Tây.
Điều đó thực sự đáng lo ngại bởi nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cả trong và ngoài quân đội luôn coi Mỹ là thủ phạm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và phá hoại an ninh của nước này. Họ còn sử dụng truyền thông và các trang web để tuyên truyền rằng Mỹ đang có chính sách đối ngoại khuyến khích các hành vi khiêu khích từ Nhật Bản, Philippines, Việt Nam.
Và giới lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng gia tăng hành vi xúi giục những kẻ dân tộc chủ nghĩa "to mồm" này, đẩy những lời lẽ phát ngôn hiếu chiến của họ lên một nấc thang cao hơn để phục vụ những động cơ, thủ đoạn của họ trong tương lai.
Khi Mỹ và các nước khác có vẻ "chùn bước" với chính sách này, như động thái của Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough, Trung Quốc lại tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu để thiết lập hiện trạng mới. Tuy nhiên, khi Mỹ quyết tâm đưa ra lập trường vững chắc, Bắc Kinh đã phải nhượng bộ.
Chuyên gia Jeff M. Smith cho rằng, Mỹ cũng cần làm mọi cách để ngăn chặn sự cố đối đầu xảy ra và tái khẳng định chính sách của Mỹ không chùn bước trước hành vi đe dọa của hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, Washington phải vạch ra "Giới hạn đỏ" về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc.
Mỹ có lẽ là nước duy nhất có khả năng vạch ra và thực thi "Giới hạn đỏ" với Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh trong khi bắt nạt các nước láng giềng, nhưng vẫn phải thừa nhận và tôn trọng sức mạnh của Mỹ". Hơn nữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phụ thuộc vào Mỹ là một bức tường lửa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
theo Báo điện tử Chính phủ | 28/05/2014 20:23
No comments:
Post a Comment