Saturday, May 10, 2014

Không chịu từ chức vì...sợ "mất tất cả"

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt nam cho biết, trong ngày 3/5 ghi nhận một trường hợp tử vong có liên quan đến sởi, như vậy trên cả nước đã có 133 người tử vong có liên quan đến dịch sởi  lần này. Trước đó trên các báo viết, báo mạng bạn đọc cả nước nhao nhao khuyên bà Bộ trưởng Bộ y tế ‘’nên từ chức’’, thậm trí ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói "Người đứng đầu ngành y tế để dịch bệnh bùng phát do không có năng lực dập dịch kịp thời thì cũng phải nghĩ đến từ chức". Song bà Bộ trưởng thản nhiên tuyên bố ‘’Tôi không nghĩ đến việc  từ chức lúc này’’, vì ‘’đang là lúc tập trung để cứu sống các bé mắc sởi’’.
Chuyện này cũng dễ hiểu, bởi từ xưa đến nay ở Việt Nam việc cán bộ xin từ chức do không đảm đương được trọng trách hoặc mất uy tín với Đảng, với dân phải nói là cực kỳ hiếm hoặc gần như không có. Vậy cái gì đã khiến họ không giám từ chức? Xin thưa, nhiều cái lắm! Đã có người giải thích một cách rất rõ ràng và thẳng thắn rằng: Chức tước thường đi đôi với quyền lực; quyền lực thường gắn liền với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi…, từ chức có nghĩa là mất hết mọi thứ không còn gì cả. Thứ hai, hầu như tất cả những người nắm quyền cao, chức trọng là đảng viên, nên họ lấy cớ nhiệm vụ của họ là do Đảng giao, nếu tự từ chức thì mất đi ‘’tinh thần đảng viên’’, nên khi chưa bị cấp trên kỷ luật hay buộc phải từ chức thì họ vẫn cố bám cái chức để không bị mang tiếng là ‘’trốn tránh trách nhiệm’’ trước Đảng, trước nhân dân. Thế nhưng những người dân không được học cao, hiểu rộng là mấy họ lại nói huỵch toẹt rằng ‘’những lãnh đạo yếu, không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng không giám từ chức là không có lòng tự trọng, không hiểu rõ hai từ ‘’liêm sỉ’’ là gì’’.
Ngôi biệt thự có bể bơi đẹp và rộng như ở khách sạn 5 sao
Ảnh minh họa - 2 (Ngôi biệt thự có bể bơi đẹp và rộng như ở khách sạn 5 sao của ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên)- nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB lại có giá lên đến hàng trăm tỷ đồng)
Ngẫm cho kỹ thì họ nói vậy cũng chẳng sai chút nào, bởi đã từ lâu ở Việt Nam những sai phạm tày đình chỉ đến khi bị lộ, bị yêu cầu làm đơn từ chức như một cách cho giữ chút thể diện khi mất chức thì những kẻ tham lam sâu mọt mới bất đắc dĩ làm.
Trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo rất thành công trên con đường chính trị và luôn được người dân mến mộ, họ rất có lòng tự trọng sẵn sàng từ chức nếu xét thấy có lỗi với nhân dân. Điển hình gần đây nhất, việc Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won bất ngờ tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến gần 300 người tử vong hoặc mất tích đã làm cho rất nhiều người vừa ngạc nhiên, vừa thán phục. Thực ra, theo tôi sự việc chìm phà không nằm trong tầm kiểm soát của Thủ tướng, nhưng ông tự nhận đó là trách nhiệm của mình sẵn sàng hi sinh sự nghiệp chính trị để chứng tỏ rằng Chính phủ Hàn Quốc là một chính phủ có trách nhiệm về sự an sinh của người dân.
Thật đáng biểu dương!
Để kết thúc bài viết, tôi xin trích dẫn lời GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt nam, mới đây trả lời phỏng vấn VTC News xung quanh chủ đề này :’’Quyền lực ở Việt Nam thường đẻ ra rất nhiều lợi ích. Vì vậy, quan chức cũng chẳng dễ gì từ bỏ lợi ích của mình. Phải có một sức ép đủ lớn thì quan chức có khuyết điểm mới chịu từ chức. Nếu không có sức ép thì không ai từ chức’’.
AMA TRUNG –  xã Đăk Drông, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment