Ngày 2.5 Công ty dầu khí TQ (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của VN theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển. Việc triển khai giàn khoan diễn ra dưới sự đảm bảo của các tàu hải quân và dân sự của TQ. Cần phải nói rằng, lần này sự đặt cược lớn hơn nhiều lần bình thường. Ở đây không phải là những tàu đánh cá nhỏ, thường thấy trong những vụ việc thông thường, mà là một hành động lớn có tính toán. Tham gia vào sự kiện này là những nhóm tàu lớn, mà bản thân giàn khoan dài 136 mét cũng cho thấy quy mô của nó.
Vì vậy có thể gọi đây là sự tấn công mới của TQ vào biển Đông? Mục đích của TQ là gì? Chúng ta có thể xem xét đến bối cảnh tình hình thế giới hiện nay: cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Obama và những vấn đề an ninh trong nội địa TQ.
Tình hình tại Ukraine có thể tạo cho TQ cảm giác rằng chính sách của các cường quốc lại một lần nữa đang là mốt. Có lẽ không có thảm họa nào xảy ra đối với Nga sau khi sáp nhập Crimea, điều này có nghĩa việc Mỹ và EU đề cập về bảo vệ quyền của các quốc gia nhỏ vẫn chỉ là lời nói.
Chuyến thăm của Mỹ tại Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines nhằm củng cố lòng tin của các đồng minh châu Á của Washington và cam kết rằng nước Mỹ sẵn sàng bảo vệ họ. Tokyo cũng nhận được sự khẳng định rằng Hiệp ước liên minh với Mỹ áp dụng cho cả đảo tranh chấp Senkaku.
Có cảm giác rằng Bắc Kinh đang thăm dò tình hình, khi thử xem giới hạn chịu đựng của các nước trong khu vực và Mỹ. Đây là phép thử đối với hệ thống an ninh khu vực mà chủ yếu dựa vào hệ thống đồng minh của Mỹ và các quy chế đa phương của ASEAN. Mỗi lần khi các bên không có hành động đáp trả tập thể thì TQ sẽ có được thói quen có thể hành xử như vậy. Một vấn đề khác là khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của TQ có thể chịu thiệt hại nặng nề vì việc này.
Tại Nga tin tức về cuộc đụng độ ở biển Đông diễn ra gần như khó nhận thấy. Đến ngày 5.5.2014, hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin ngắn, còn các báo chí nổi tiếng khác thì không đưa tin. Có thể hiểu rằng, khi cuộc nội chiến Ukraine đang ở sát sườn, thì ít ai ấn tượng trước việc tàu chấp pháp VN bị tấn công bằng vòi rồng. Quan điểm trung lập của Nga về vấn đề biển Đông có thể dễ hiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp này quyền lợi của Nga là rất rõ ràng nếu như các công ty của Nga sẽ phải quyết định hợp tác với VN hay TQ để đàm phán khai thác dầu trong khu vực. Hoạt động của các công ty Nga cũng phần nào đó phụ thuộc vào các vấn đề trong quan hệ Việt - Trung mà với cả 2 nước này Nga đều là đối tác chiến lược.
Tiến sĩ Anton Svetov (Chuyên viên nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga)
A.H (lược dịch)
No comments:
Post a Comment