Saturday, May 10, 2014

Bắt kiểm sát viên và thượng tá công an vì gây oan án

HÀ NỘI  (NV) .- Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Tối cao của CSVN vừa ra lệnh tạm giam hai cá nhân liên quan tới vụ làm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị hàm oan.

 
Ông Nguyễn Thanh Chấn được thân nhân, hàng xóm đón sau khi được phóng thích vì đã bị kết án oan. (Hình: Internet)

Một trong hai là ông Đặng Thế Vinh, Kiểm sát viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nay là Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Giang. Người còn lại là ông Trần Nhật Luật, một trong các Điều tra viên của vụ án vừa kể và nay là Thượng tá, Phó Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cả hai bị khởi tố vì “cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Năm ngoái, oan án đổ lên đầu ông Nguyễn Thanh Chấn từng làm rúng động dư luận tại Việt Nam.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội. Chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.

Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm ngoái, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo.

Trong 10 năm đó, tất cả những điều tra viên tham gia tra tấn, ép ông nhận tội giết người đều được thăng thưởng và trở thành lãnh đạo công an huyện hoặc công an tỉnh. Các kiểm sát viên và thẩm phán trong vụ án này cũng được thăng thưởng như vậy.

Từ khi ông Chấn được giải oan tới nay, tất cả vẫn “bình an vô sự”. Còn ông Chấn thì vẫn chưa được bồi thường. Nay, vụ bắt giữ một kiểm sát viên và một điều tra viên liên quan tới việc ông Chấn bị kết án oan có thể xem như một hình thức an dân.

Tuy nhiên, sau trường hợp của ông Chấn, báo chí Việt Nam nêu ra khoảng 20 vụ án có những dấu hiệu rất rõ ràng là bị hàm oan song tất cả những đề nghị tái thẩm đều chưa có hồi đáp. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp ông Hàn Đức Long, cũng ở Bắc Giang. Tuy có dấu hiệu bị hàm oan nhưng chưa được giải oan và không biết lúc nào sẽ bị tử hình.

Hồi năm 2005, vì không tìm ra thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái, Công an Bắc Giang kêu gọi dân chúng “tố giác tội phạm”. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Hàn Đức Long, gửi đơn tố giác ông Long là thủ phạm gây ra vụ án.

Đây là lý do khiến Công an Bắc Giang bắt ông Long. Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại Tòa, ông Long kêu oan và giống như ông Chấn, ông Long tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông đành nhận tội với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa.

Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội, những cơ quan này cũng không thèm xem xét.

Chẳng hạn, sau phiên sơ thẩm, khi ông Long bị phạt tử hình, hai mẹ con đã tố giác ông Long là thủ phạm xin rút lại cáo giác. Hoặc có bảy người xác định, vào thời điểm bé gái năm tuổi bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với họ.

Hội đồng xét xử của hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất phạt ông Long tử hình. Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Tối cao tuyên hủy hai bản án này và ra lệnh điều tra, xét xử lại. Tuy nhiên hội đồng xét xử của hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai vẫn “nhất trí” về chuyện ông Long có tội và vẫn phạt ông Long tử hình. Ông Long nay đang chờ ngày bị thi hành án tử hình.

Văn phòng của một luật sư tên là Ngô Ngọc Trai đã tìm nhiều cách để vận động xem lại vụ án, minh oan cho ông Long nhưng không thành công. Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có văn bản đề nghị xem lại vụ án mà không có ai them ngó ngàng.

Mãi đến gần đây, khi oan án liên quan đến ông Nguyễn  Thanh Chấn khiến công chúng phẫn nộ cao độ. Một vài văn phòng luật sư và tổ chức luật sư lại tiếp tục nêu ra đề nghị liên quan đến vụ án Hàn Đức Long, vốn đã từng bị hệ thống tư pháp Việt Nam vứt vào sọt rác. Đề nghị này được báo giới và công chúng ủng hộ mạnh mẽ

Hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái, Văn phòng Chủ tịch Nhà nước Việt Nam loan báo đã chuyển đề nghị giám đốc thẩm vụ án Hàn Đức Long cho Chánh án Tòa Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Thông báo vừa kể được xem như một nỗ lực an dân vì án tử hình vẫn lơ lửng trên đầu ông Long.

Trước sự phẫn nộ của công chúng về hoạt động tồi tệ, xem thường tính mạng, nhân phẩm của hệ thống tư pháp, hồi hạ tuần tháng trước, Ủy ban  Thường vụ Quốc hội Việt Nam loan báo, kế hoạch “giám sát tối cao của Quốc hội Việt Nam trong năm 2015” sẽ là giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và giám sát việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Viên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói thêm rằng, việc lựa chọn hai mục tiêu này nhằm “chuẩn bị cho việc sửa đổi các đạo luật liên quan đến nhân quyền, quyền công dân, quyền tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới”.

Trước khi có “Hiến pháp mới”, luật pháp Việt Nam đã có hàng loạt qui định để bảo vệ “nhân quyền, quyền công dân, quyền tư pháp” nhưng tra tấn, ép nhận tội theo ý điều tra viên, truy tố, kết án bất chấp sự thật vẫn là vấn nạn nghiêm trọng tại Việt Nam.

Ngay cả khi đã có đầy đủ chứng cứ về việc dân lành bị kết án oan, chuyện minh oan, bồi thường và xử lý những viên chức tư pháp bao gồm cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán vẫn như trò đùa. Dân chúng vẫn chết liên tục trên đường vì bị công an đánh hay chết các nhà tạm giữ, trại tạm giam và rất hiếm khi có điều tra viên hoặc kiểm sát viên, thẩm phán nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment