19/04/2014 15:03 (GMT + 7)
TTO - Giải thích cho hành động này, tài xế xe cấp cứu Đỗ Văn Mười cho rằng: “Do người nhà bệnh nhân mà tôi đang chở đi cấp cứu trên xe không đồng ý để xe hỗ trợ cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn”.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Sơn Bình
Trong ngày xảy ra tại nạn thảm khốc trên cao tốc Trung Lương (16-4), xe cứu thương mang BKS 63M-00016 của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang do ông Mười điều khiển chở một bệnh nhân bị bỏng lên TP.HCM cấp cứu. Khi xe này đi tới khu vực tai nạn, người dân bên đường đã chặn lại và đề nghị hỗ trợ đưa những người bị thương đi cấp cứu. Xe dừng lại, thế nhưng tài xế không cứu người bị nạn mà lại cho xe vọt đi.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trước đó, bà Nguyễn Thị Nguyên (51 tuổi, ngụ xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), người đầu tiên đến hiện trường vụ tai nạn trên, kể lại vụ việc: Khi tai nạn xảy ra, cảnh sát giao thông cùng người dân đã dùng xà beng, búa, cuốc… để nạy cửa xe bị nạn, đỡ những người bị thương ra ngoài để bên vệ đường.
Ngay lúc đó bà Nguyên và mọi người lần lượt thấy có hai chiếc xe cứu thương đang chạy từ hướng Tiền Giang về TP.HCM nên cố gắng vẫy tay yêu cầu xe hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu. Các xe cứu thương lần lượt chạy chậm lại, có xe đã dừng để quan sát rồi sau đó vọt đi luôn. Khi ấy bà Nguyên và mọi người rất bức xúc trước thái độ vô cảm của những người trên xe.
Trả lời về việc thấy người bị nạn mà không cứu giúp của tài xế Mười, ngày 19-4 ông Ngô Văn Tỷ - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - cho biết đúng vào thời điểm tai nạn vừa xảy ra, ông Mười, tài xế của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cùng điều dưỡng Nguyễn Văn Ngọc chở một cháu bé bị bỏng đi TP.HCM để cấp cứu. Thế nhưng xe đã không hỗ trợ để đưa những người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông đi cấp cứu như người dân yêu cầu.
Khi biết vụ việc, ông Tỷ đã chỉ đạo tài xế Mười làm bản tường trình. Ông Tỷ nói: “Theo bản tường trình vụ việc, tài xế Mười đã cho xe dừng lại và thuyết phục người nhà bệnh nhân cho chở thêm một, hai người đi cấp cứu nhưng họ nhất quyết không cho nên ông Mười đành phải cho xe đi tiếp”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tài xế Mười kể: "Hôm đó chúng tôi chở cháu bé khoảng 3 tuổi bị bỏng nặng từ cổ xuống chân do ngã vào nồi cháo lên TP.HCM cấp cứu. Đi cùng cháu bé có ba người phụ nữ. Lúc ngang qua điểm xảy ra tai nạn, tôi lập tức nhấn phanh, dừng xe và nói với ba người phụ nữ trên xe là cho chở thêm vài người đang bị nạn đi cấp cứu. Lúc này người dân địa phương cũng đứng quanh xe rất đông, yêu cầu mở cửa xe để đưa những người bị nạn lên nhưng ba người phụ nữ nhất quyết không cho. Họ tỏ ra hung hăng, lớn tiếng chỉ vào cháu bé đang khóc thét và cho rằng nếu đưa những người kia lên sẽ làm con họ bị nhiễm trùng.
Chạy xe cấp cứu đã được gần 10 năm, hễ thấy người bị nạn là tôi cho lên xe chứ đằng nào mình cũng chở, đâu mất mát gì. Hơn nữa trách nhiệm của mình là phải chở, phải cứu người. Thậm chí người ta quá giang mình cũng còn cho đi nữa là. Tôi cũng đâu sợ gì, thuyết phục rằng cho chở thêm một người cũng không sao, nhưng lúc đó ba người phụ nữ trên xe làm rất dữ, nhất quyết không chịu. Đến mức ấy thì tất cả mấy người dân đứng gần cửa xe cấp cứu thấy vậy cũng tản ra cho chúng tôi chạy tiếp. Thực tình tôi cũng không biết làm gì hơn”, ông Mười nói.
Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã có văn bản nhắc nhở tài xế, điều dưỡng và những cán bộ trong đơn vị rút kinh nghiệm về vụ việc. “Quan điểm của chúng tôi cứu người là trên hết. Chúng tôi đã nhắc nhở anh em sẽ quyết liệt hơn với người nhà bệnh nhân trong những trường hợp tương tự như vừa rồi”, ông Tỷ nói thêm.
Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết theo quy định của Luật giao thông thì bất kỳ xe cộ nào trên đường cũng phải dừng lại hỗ trợ cứu người gặp nạn trong điều kiện có thể. Do chưa có quy định cụ thể về việc xe cấp cứu phải giải quyết như thế nào trong trường hợp thấy người gặp nạn trên đường nên lãnh đạo này chỉ nêu quan điểm cá nhân rằng chỉ có thể xử lý đối với xe cấp cứu không chở ai mà làm ngơ trước tai nạn, còn xe đang chở người cần cứu mà dừng lại kéo dài thời gian (hay bị tác động gì đó) khiến người đang cấp cứu trên xe nguy hiểm đến tính mạng thì ai chịu trách nhiệm. Tùy trường hợp mà tài xế xe cấp cứu có nhiều cách hỗ trợ như điện thoại liên hệ với xe cấp cứu khác nhanh chóng đến hiện trường…
SƠN LÂM - SƠN BÌNH
No comments:
Post a Comment