Saturday, April 19, 2014

“Sống mòn” vì… ô nhiễm ở ngay thủ đô


Giàu bằng những sản phẩm mạ, nhưng sức khỏe của dân làng cũng bị bào mòn bởi ô nhiễm. Câu chuyện tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là một trường hợp như thế.
Người dân kêu cứu...
80 năm sinh sống ở xã Liên Hiệp chưa bao giờ bà Quách Thị Lưu lại muốn rời bỏ khỏi nơi chốn nhau cắt rốn của mình như thời gian gần đây. 5 năm nay, khi nghề mạ kẽm ở Liên Châu phát triển, cuộc sống của gia đình bà và nhiều hộ dân trong làng đã được thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, với những gì đang xảy ra tại địa phương này, hiện không những bà mà nhiều hộ dân khác trong xã đang rất muốn chuyển đi nơi khác. “Không thể sống nổi ở đây nữa, ô nhiễm lắm rồi! Từ vài năm nay nhà máy kẽm xả nước ra làm chúng tôi không dùng nổi nước giếng ở đây, không khí lúc nào cũng ngột ngạt. Cháu tôi bị mọc hạch ở cổ, bây giờ đang phải nằm điều trị ở viện K kia kìa”, bà Lưu bức xúc.
“Sống mòn” vì… ô nhiễm ở ngay thủ đô  - Ảnh 1
 Các xưởng mạ kẽm được xây kiên cố cạnh khu dân cư (Ảnh: Báo Dân việt)
Hiện tại, sống quanh cụm công nghiệp Quan Tây xã Liên Hiệp có khoảng 300 hộ dân. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hầu hết mọi người ở khu vực này đều chung một bức xúc như gia đình bà Lưu.
“Mùi hóa chất không thể chịu nổi, chúng tôi thế nào cũng được nhưng còn trẻ con nữa…”, chị Nguyễn Thị Ngọc nói.
Không những mùi hóa chất làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bầu không khí của bà con xã Liên Hiệp, mà ngay cả việc canh tác, chăn nuôi ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn và hậu quả là nhiều hộ dân phải bỏ canh tác, đất nông nghiệp trong xã để hoang ngày càng nhiều.
Bài toán... chưa có lời giải
Điều đáng nói, hơn ai hết các chủ xưởng mạ kẽm biết rất rõ tác hại và hậu quả để lại cho gia đình, làng xóm nhưng rất khó để họ dừng sản xuất. “Làm mạ kẽm đúng là ô nhiễm môi trường thật, nhưng bây giờ mà dừng bọn tôi lấy đâu ra tiền mà nuôi con cái và chi tiêu sinh hoạt gia đình. Chưa kể bây giờ kinh tế khó khăn, nhà nào cũng vay ngân hàng, dừng làm tiền đâu mà trả lãi. Ngày xưa chúng tôi làm ở trong làng, mọi người đuổi bọn tôi đi nơi khác. Ở nơi mới, sau bao năm vất vả gây dựng chúng tôi mới tạm yên ổn, giờ mọi người mà bảo dừng chúng tôi sẽ không biết làm thế nào…”, anh Vũ Văn Tiến cho hay.
Liên quan tới những vấn đề trên, xã Liên Hiệp, UBND huyện Phúc Thọ cũng đã lên được phương án giải quyết, nhưng làm thế nào để cân bằng quyền lợi, sức khỏe của người dân và lợi ích của doanh nghiệp, của điểm công nghiệp làng nghề Quan Tây lại không hề đơn giản.
Phó chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nói: “Chúng tôi đang tính đến phương án sẽ quy hoạch chi tiết, xin thành phố hỗ trợ để làm khu công nghiệp riêng biệt cho các hộ làm kẽm ở Liên Hiệp. Trước mắt chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người dân chuyển đổi nghề, nhưng có nhiều hộ vẫn chưa đồng ý”.
Cuối tháng 9 vừa qua, lực lượng Cảnh sát môi trường công an Hà Nội đã lập biên bản vi phạm ô nhiễm môi trường đối với một số cơ sở mạ kẽm tại Liên Hiệp. Với người dân trong xã, dù có dừng hẳn được việc sản xuất mạ kẽm, nhưng quan trọng nhất làm thế nào có thể khắc phục được môi trường ở địa phương này để các thế hệ ở đây sống an toàn mới là điều họ quan tâm. Và đây có lẽ cũng là một câu hỏi chưa có lời giải ở nhiều làng nghề khác trong cả nước...
Linh Chi (Theo VTV News)

No comments:

Post a Comment