Thứ Bảy, 19/04/2014 15:31 (GMT + 7)
“Có ngày bệnh nhi cấp cứu đông quá, chúng tôi còn không kịp ăn uống gì cả, luôn phải túc trực, hội chẩn, cấp cứu liên tục. Có y tá không chịu nổi cảnh đó đã phải lén chui vào phòng khóc…”.
Tám trẻ vào phòng thở máy, may ra chỉ sống được 2 - 3
“Chẳng ngày nào mà không có bé tử vong, hôm ít thì dăm ba cháu, nhiều lên tới cả chục. Nếu 8 đứa trẻ phải vào phòng cấp cứu thở máy thì may chỉ sống được 2-3 cháu. Ngay như đêm 17/4, rạng sáng ngày 18/4 đã có 3 bé tử vong” - một nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định. Con số trẻ tử vong trong ngày thực tế còn có thể cao hơn nữa, nhưng do khi nghe bác sỹ nói không thể cứu chữa được, người nhà đều lẳng lặng xin xuất viện, xách làn giỏ đưa con về.
Bé 9 tháng tuổi vào viện điều trị viêm phế quản thì nhiễm sởi, đã tử vong vào ngày 16/4. Ảnh : Nguyễn Khánh
Chị Nguyễn Thị Hoa, quê Thái Bình, mẹ bé trai 8 tháng tuổi từ lúc đưa con vào phòng cấp cứu luôn trong trạng thái đờ đẫn, hoảng sợ. Chị Hoa kể, con trai nhập viện đã 3 ngày, bác sỹ chẩn đoán biến chứng sởi thể nặng. Thời điểm hiện tại toàn thân đứa bé tím tái, lạnh ngắt, luôn trong trạng thái hôn mê. Nuốt vội thìa cơm trong dòng nước mắt, chị không khi nào ngưng hướng nhìn vào phòng cấp cứu. Mỗi lần có người bồng trẻ ra khỏi phòng là một lần người phụ nữ này lại hoảng hốt.
Đừng gần đó là người nhà của một bé trai 2 tháng tuổi (ngụ Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), nhập viện nhi 4 ngày trước trong tình trạng toàn thân tím tái, chân tay cứng, lạnh; đang điều trị trong khu cấp cứu sởi, không có dấu hiệu gì tiến triển. Người nhà cho biết: “Qua biểu hiện và các triệu chứng của cháu, gia đình đã khẳng định cháu bị sởi, yêu cầu các bác sỹ điều trị, nhưng họ yêu cầu phải đợi kết quả xét nghiệm. Bốn hôm rồi, hỏi chuyện thì họ gắt gỏng chưa có. Đến lúc có kết quả, chắc con cháu chúng tôi đã chết rồi”.
Tình trạng tương tự diễn ra tại Khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn sáng hôm qua. Bệnh nhi sởi chủ yếu là trẻ sơ sinh độ tuổi từ 1-6, thường chuyển từ tuyến cơ sở lên. Quá đông, bệnh nhi và người nhà phải tràn ra cả hành lang. Nhiều trường hợp đang phải cấp cứu tại phòng hồi sức tích cực, nhiều cháu phải dùng bình thở.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Thủy vừa mới cấp cứu một bệnh nhi biến chứng, phân trần ngay bên hành lang: “Chúng tôi luôn phải làm việc hết công suất, mỗi ngày khoa tiếp nhận gần trăm bệnh nhân đến khám chữa, trong đó bệnh nhi sởi chiếm tới hơn một nửa. Hầu như không ai được nghỉ trưa”.
Y tá chui vào phòng bất lực khóc
Những gì đang diễn ra tại hai cơ sở y tế trên cũng được lặp lại tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho hay, hiện khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhi sởi, trong đó 5 bệnh nhi nặng phải thở máy, những trường hợp khác diễn biến cũng rất bất thường, có thể phải thở máy bất cứ lúc nào. Để có đủ máy thở và bơm kim điện, khoa đã phải huy động tất cả máy của các khoa khác để hỗ trợ, nhiều phòng bệnh cũng được ưu tiên cho bệnh nhi sởi nằm, vậy mà có lúc vẫn phải ghép 3-4 bệnh nhi/giường.
Bác sĩ Dũng nói: “Có gì đó bất thường”. Theo ông Dũng, đã có nhiều lần dịch sởi xảy ra, nhưng chưa bao giờ ông lại thấy lòng mình bất an như lần dịch này. “Trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó bất thường ngay từ đầu vụ dịch, từ những bệnh nhi đầu tiên. Có ngày bệnh nhi cấp cứu đông quá, chúng tôi còn không kịp ăn uống gì cả, luôn phải túc trực bên bệnh nhi, hội chẩn, cấp cứu liên tục. Có y tá không chịu nổi cảnh đó đã phải lén chui vào phòng khóc” - BS Dũng nói.
Đâu đâu cũng thấy sự bất ổn. Số ca bệnh và tử vong vẫn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa tổ chức chiều qua (18/4) tại Hà Nội, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 18/4, trong 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi sởi, mới chỉ ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ngay từ những trường hợp mắc đầu tiên, Bộ đã chỉ đạo phải truyền thông và thông báo là có dịch và tìm biện pháp dập dịch. Làm gì để không còn cảnh trẻ chờ chết trong bệnh viện? Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng phải quay về vấn đề… tiêm chủng.
Phòng chống bệnh sởi như thế nào?
Theo PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, để phòng chống bệnh nói chung cần lưu ý mấy điểm sau:
- Thường xuyên nghe thông báo của ngành y tế về các bệnh dịch; - Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra; Khi dịch sởi đang diễn ra, cần lưu ý: - Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người. Mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, để tránh tình trạng mang vi khuẩn, virus trong môi trường về. - Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, để đưa đi khám.
Bệnh sởi đã có vắcxin phòng rất đặc hiệu. Vì vậy cần thực hiện tiêm phòng đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành Y tế.
|
Theo Nhóm PV (Baophapluat.vn)
No comments:
Post a Comment