Saturday, April 19, 2014

50.000 tỷ: có làm sống lại những vùng đất chết?



50.000 tỷ: có làm sống lại những vùng đất chết?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

(PLO) - Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng “nếu được thực hiện đúng sẽ là cánh cửa đi đến lối thoát cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản” - nhiều người dự đoán.
Chương trình nhằm hiện thức hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng “bốn nhà” (chủ đầu tư – nhà thầu – nhà tổ chức cung ứng sản xuất VLXD – ngân hàng) không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. 
Tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng ngành xây dựng do Ngân hàng xây dựng Việt Nam tổ chức chiều qua (17/4), ông Nguyễn Viết Mạnh (Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang đôn đốc các ngân hàng thương mại thỏa thuận ký kết hợp đồng khung để thí điểm gói tín dụng liên kết “bốn nhà” và sẽ có đánh giá để xem xét ban hành văn bản qui phạm pháp luật để phát triển hoạt động tín dụng này.
Đánh giá về triển vọng của Chương trình, TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, Chương trình đã “vá được lỗ hổng” gây khủng hoảng cho lĩnh vực xây dựng và thị trường BĐS thời gian qua khi kết nối hai khâu hàng hóa (vật  liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) với tiền tệ, tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, kiểm soát được dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS và xây dựng, hoàn thành và giúp tiêu thụ các sản phẩm BĐS. 
TS.Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, mô hình liên kết “bốn nhà” này sẽ khắc phục tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công dẫn đến “ba nhà”: chủ đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng đều thành con nợ của ngân hàng và làm nợ xấu cứ thế tăng cao.
Ông Phan Thành Mai (Giám đốc Ngân hàng xây dựng Việt Nam) cho biết, điểm ưu việt của Chương trình là tất cả các bên tham gia cùng ký kết một hợp đồng, nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi sẽ tạo lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng/bất động sản, kiểm soát được dòng vốn an toàn, hiệu quả. 

No comments:

Post a Comment