Dịch sởi bùng phát, nhiều điểm tiêm chủng quá tải bệnh nhân đi tiêm phòng - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đó là diễn biến mới nhất sau nhiều ngày liên tục, tại Hà Nội, nhu cầu tiêm phòng sởi tăng đột biến, gấp 5 - 7 lần so với bình thường trong năm 2013. Trong khi đó, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã triển khai các điểm tiêm miễn phí vắc xin sởi đến tận xã, phường. Tại thời điểm này, thay vì chỉ tiêm theo lịch trong 10 ngày đầu tháng, trạm y tế tại các xã phường đã triển khai tiêm vắc xin sởi hằng ngày. Tuổi tiêm vắc xin sởi cho các trẻ cũng tăng lên: từ 9 tháng đến 6 tuổi (thay vì đến 2 tuổi).
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết vắc xin sởi tiêm miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ cho các cháu.
TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), cho hay hằng năm TCMR vẫn cung cấp khoảng 3,4 triệu liều vắc xin sởi (tiêm hai mũi cho các trẻ 9 tháng và 18 tháng). Số vắc xin này đã được tăng cường thêm hơn 1 triệu liều nữa (đạt 4,5 triệu liều) để đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng được tiêm sởi đến 2 tuổi trong chiến dịch tiêm vét triển khai từ tháng 3 vừa qua. “Theo đề xuất của Chương trình TCMR đã tăng cường thêm khoảng 20.000 liều cho Hà Nội. Hiện tại, chương trình vẫn dự trù vắc xin đáp ứng cho cả đối tượng trẻ tiêm vét sởi đến 24 tháng tuổi. Nếu Hà Nội có nhu cầu tăng đột biến do tiêm đến tận 6 tuổi thì sẽ phải cân nhắc thêm về khả năng cung ứng vắc xin sởi", ông Hiển nói.
Vi rút sởi có độc lực mạnh hơn ?
Sau 4 tháng có dịch sởi, với hơn 100 ca mắc sởi tử vong, ngày 22.4 Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi với y tế của 23 tỉnh thành phía bắc.
Các chuyên gia điều trị lo ngại về độc lực của vi rút sởi đã biến đổi trong vụ dịch này với các biểu hiện viêm phổi diễn biến cấp tính, đặc biệt có ca bệnh tử vong do suy đa tạng là các biến chứng hiếm thấy ở bệnh nhân mắc sởi. “Các ca tai biến nặng tử vong là trẻ bình thường, không có bệnh mạn tính, cũng không bị nhiễm chéo trong bệnh viện. Điều này cho thấy vi rút sởi trong vụ dịch này rất lạ, nó làm suy giảm miễn dịch của trẻ ghê gớm, kéo dài. Có trẻ bị sởi viêm phổi phải thở máy đã khỏi, được ra viện nhưng 2-4 tuần sau lại phải vào viện và lại phải thở máy rất nguy kịch, thậm chí tử vong”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai, lo ngại.
Đặc biệt, nhiều ca nhiễm chéo trong BV trên bệnh nền làm tăng nguy cơ tử vong. Các chuyên gia cũng khuyến cáo về nhiều trường hợp các ca mắc sởi ở người lớn bị biến chứng nặng: viêm phổi, viêm não, nguy hiểm tính mạng.
Minh bạch thông tin cũng được coi là yếu tố quyết định cho phòng chống dịch. PGS Phạm Nhật An, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, khẳng định: “BV không giấu giếm thông tin, ngay từ đầu vụ dịch, các ca bệnh chúng tôi đều báo lên Bộ Y tế. Còn việc xử lý thông tin, công bố bệnh, dịch là do cơ quan quản lý. Nhưng tôi cho rằng, cần thông tin đầy đủ về dịch bệnh để người dân được biết. Dịch bệnh bùng phát là do người dân lo lắng về tai biến sau tiêm nên e ngại, giảm sút số trẻ tiêm vắc xin. Vì vậy cần thông tin rõ ràng về nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng để người dân hiểu, yên tâm cho trẻ đi tiêm đầy đủ”.
Liên Châu
No comments:
Post a Comment