Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-04-22
2014-04-22
Gần 1000 công nhân công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam ngưng việc đòi yêu sách về tiền lương> Kết quả Cty.hứa ngày 1/4/2014 sẽ tăng lương cơ bản...News.go.vn
Tất cả các cuộc đình công của công nhân lao động ở Việt Nam đều là tự phát và về nguyên tắc là bất hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là tại sao giới công nhân không dựa vào công đoàn để tranh đấu quyền lợi cho mình một cách hợp pháp mà lại chuyển sang khuynh hướng bạo động, bạo loạn.
Bắt nguồn từ lương bổng, phúc lợi
Người lao động ở Việt Nam trên nguyên tắc được bảo vệ bởi bộ Luật Lao động 1994 và Luật Công đoàn năm 2012. Tuy vậy hơn 5.000 cuộc đình công, ngưng việc của công nhân lao động kể từ năm 1995 đến nay được mô tả là hoàn toàn tự phát và không có sự can dự của công đoàn cơ sở. Nếu cách đây chừng 5 năm các cuộc đình công thường diễn ra trong ôn hòa thì gần đây một số vụ đình công trở nên bạo động, thí dụ vụ bạo loạn ngày 9/1/2014 ở công trường xây dựng nhà máy sam Sung Thái Nguyên với sự tham dự của 4.000 công nhân. Hoặc gần đây nhất vụ đình công bạo động xảy ra ngày 3/4/2014 ở Công ty Wonderful Saigon Electric ở Bình Dương. Tất cả các vụ đình công đều bắt nguồn từ lương bổng, phúc lợi, chế độ làm việc mà công nhân lao động cho là bị bóc lột, áp bức.
TS Phạm Chí Dũng, một nhà hoạt động dân quyền từ TP.HCM nhận định:
Vừa rồi có cuộc đình công của công nhân ở Bình Dương tại một xí nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, căng thẳng lắm thậm chí cảnh sát phải xịt hơi cay, nhưng lại không thấy bóng dáng của Tổng liên đoàn lao động VN hay là công đoàn cơ sở các cấp ở đâuTS Phạm Chí Dũng
“Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức duy nhất được qui định giải quyết các vụ đình công lãn công và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng ở Việt Nam mỗi năm xảy ra gần 1.000 cuộc đình công lãn công, đặc biệt thường xảy ra ở khu vực phiá Nam và càng ngày càng đông với tính chất phức tạp càng cao.
Thí dụ như vừa rồi có cuộc đình công của công nhân ở Bình Dương tại một xí nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, căng thẳng lắm thậm chí cảnh sát phải xịt hơi cay, nhưng lại không thấy bóng dáng của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hay là công đoàn cơ sở các cấp ở đâu. Như vậy Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đóng vai trò gì, các công đoàn cơ sở của nhà nước đóng vai trò gì trong việc giải quyết vấn đề đình công và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Người ta thống kê và đánh giá là việc Tổng liên đoàn lao động và các công đoàn cơ sở giải quyết chấp nhận cho các cuộc đình công từ trước tới nay là con số không. Có nghĩa là công nhân tự phát đình công lãn công, chứ còn bất kỳ một đơn thư nào mà gởi cho các cấp chính quyền địa phương, công đoàn cơ sở và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đều không được chấp nhận...”
Trong khi đó TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội mô tả rõ rệt hơn về vai trò của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
“Tổ chức Công đoàn, mà thực sự là một bộ phận nối dài của Đảng Cộng sản như hiện nay, là hoàn toàn không bảo vệ lợi ích của người lao động.”
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ phân tích khía cạnh tại sao Tổ chức Công đoàn hợp pháp của Nhà nước chịu nhiều chê trách.
“Thực tế là ở Việt Nam tình trạng đình công trong những năm gần đây tăng lên rất nhiều, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ đình công nhưng hầu hết không được công đoàn dẫn dắt. Ở đây người ta có ý phê phán vai trò của công đoàn là chưa thực sự nắm được yệu cầu của công nhân và không tham gia giải quyết được những bức xúc, để đến mức công nhân phải đình công theo một cách tạm gọi là tự phát. Từ đó gây ra những rắc rối nhất định và thậm chí họ còn đặt vấn đề, phải chăng công đoàn ăn lương của các ông chủ, cho nên đứng về phía các ông chủ chứ không đứng về phía công nhân.”
Công nhân tự phát đình công dẫn tới bạo động, trong khi tổ chức công đoàn chính thức lại không can dự. Theo pháp luật Việt Nam người công nhân lao động rất khó đình công hợp pháp, một cuộc đình công phải qua bốn bước thủ tục bắt buộc và ít nhất phải mất từ 20 ngày tới một tháng để hoàn thành những thủ tục đó. Như lấy ý kiến đình công; ra quyết định đình công; lập biên bản yêu cầu; 5 ngày trước khi đình công phải trao quyết định đình công và danh mục đòi hỏi cho giới chủ.
Công đoàn có bảo vệ công nhân?
Việt nam tuyên xưng theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng công nhân lại cho là mình bị bóc lột từ giới chủ, đặc biệt ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Hiện nay đời sống công nhân khó khăn lắm rồi, so với năm 2013, thu nhập công nhân giảm trung bình 20% tính theo trượt giá. Trong khi đó chỉ số giá cả hàng hóa thực chất là tăng 50%-60%, không phải giống như chỉ số lạm phát nhà nước công bố. Còn nếu so với 2011-2012 thì tình hình còn tệ hơn nữa, mặt bằng thu nhập chung của công nhân bị giảm tương đối so với chỉ số trượt giá từ năm 2011 tới nay ước tính khoảng 40%. Như vậy thu nhập bị giảm đi tương đối trong giá cả lại tăng lên gần như tuyệt đối thì công nhân làm sao có thể sống nổi, họ phải đình công, họ phải đòi tăng lương thôi. Hơn nữa tình hình kinh tế bây giờ khó khăn thành thử một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, kể cả một số doanh nghiệp trong nước tìm cách tăng giờ làm giảm thu nhập theo một cách thô bạo thì làm sao công nhân có thể chấp nhận được.
Đó chính là vấn đề và lý do mà tôi nghĩ sắp tới sẽ xảy ra nhiều cuộc đình công nữa. Nhà nước bây giờ lại làm theo cách dùng cảnh sát để trấn áp thậm chí đàn áp đình công đánh công nhân trọng thương. Việc đó chỉ càng làm cho những bất ổn xã hội bùng nổ hơn và coi chừng nó dẫn tới những vấn đề đã xảy ra ở Campuchia, tức là 10.000 công nhân xuống đường đình công.”
Nhà nước bây giờ lại làm theo cách dùng cảnh sát để trấn áp thậm chí đàn áp đình công đánh công nhân trọng thương. Việc đó chỉ càng làm cho những bất ổn xã hội bùng nổ hơn ...TS Phạm Chí Dũng
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam việc ký kết thỏa ước lao động giữa doanh nghiệp và công nhân đã giúp giảm bớt các cuộc đình công đặc biệt trong ngành dệt may và da giầy. Tuy vậy ông Diệp Thành Kiệt nói là bảo đảm đời sống cho công nhân là một yêu cầu cần thiết để đình công không xảy ra. Theo lời ông, lương bổng ngành dệt may da giày hiện nay khá hơn nhiều ngành ngành nghề khác.
“Nếu hai vợ chồng cùng làm trong ngành dệt may hoặc da giày, với mức lương hai vợ chồng cùng lãnh 5 triệu và nuôi một đứa con, thì chúng tôi cho rằng tạm sống đáp ứng được nhu cầu cơ bản, nuôi được con nhưng nếu gặp đau bệnh thì ngoài tầm tay. Hai vợ chồng 10 triệu, có một con thì nhìn lên chắc chắn không bằng ai nhưng nhìn xuống thì còn hơn một số ngành nghề khác.”
Một khi quyền lợi của người lao động bảo bảo đảm được cuộc sống cho họ thì chẳng ai nghĩ đến chuyện đình công. Nếu người lao động được đại diện bởi các nghiệp đoàn do họ chọn lựa và bầu ra ban lãnh đạo thì giới chủ doanh nghiệp không dám vi phạm luật lệ. Trong hơn 5 ngàn cuộc đình công xảy ra ở Việt Nam, hầu hết các chủ doanh nghiệp đã nhượng bộ đòi hỏi của công nhân, điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp bóp chẹt người lao động. Trong tương lai, hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nếu muốn tồn tại thì sẽ phải cải tổ một cách triệt để và phải có bầu cử công khai minh bạch.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-strik-r-spontaneous-04222014055331.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-strik-r-spontaneous-04222014055331.html
No comments:
Post a Comment