Tuesday, April 22, 2014

Mầm hoạ khi rác thải y tế bệnh viện Bạch Mai "tung ra thị trường"

20:08 PM, 22-04-2014
(ĐSPL) - Nếu không tận mắt chứng kiến việc mua bán rác thải y tế trước cửa bệnh viện Bạch Mai, cũng như theo dõi đường đi, nước bước của nó thì ít ai tin rằng, hàng ngày những tấn rác thải y tế lại "hồn nhiên" được đưa ra ngoài cùng với bao mầm bệnh cho xã hội. Chúng tôi rùng mình nghĩ rằng, phải chăng một số đồ gia dụng từ nhựa mà chúng ta đang dùng hàng ngày cũng có nguồn gốc từ rác thải y tế của bệnh viện này?

Bài 1: Qua mặt bảo vệ và bán “rác độc” ngay cổng bệnh viện

Để hoàn thành được loạt bài điều tra này, chúng tôi đã rất vất vả để có những bức ảnh chân thực nhất về việc rác thải y tế từ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được công khai tuồn ra ngoài. Bởi hoạt động mua bán rác thải y tế không theo một chu trình thời gian nào cả.

Theo người dân sống quanh phố Phương Mai - con phố ngay sát bệnh viện Bạch Mai - nơi có nhiều người đến thu mua đồng nát thì một ngày, họ nhìn thấy từ 5 - 7 lần nhân viên bệnh viện mang rác thải y tế ra bán. Thậm chí, rác thải được bán vào buổi tối, ban đêm.

Thuê người nhà vào bệnh viện... mang rác

Để tìm ra đúng nơi thu mua rác thải y tế từ bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của một số người bạn. Phố Phương Mai có khá nhiều hàng thu mua sắt vụn, đồng nát và không phải cửa hàng nào cũng "chuyên" về thu mua rác thải y tế. Theo người dân sống ở đây thì, tình trạng nhân viên của bệnh viện Bạch Mai công khai mang rác thải y tế từ bệnh viện ra bán là việc làm thường xuyên. Gần hai năm nay, người ta thường thấy nhân viên mang "hàng" ra bán. "Hàng" ở đây chính là rác thải y tế gồm ống truyền, dây truyền, kim tiêm, găng tay y tế... Và, nếu không tận mắt chứng kiến việc mua bán thì ít ai có thể ngờ rằng, chính những rác thải y tế đầy bệnh tật ấy được mua bán công khai và rồi rất có thể, những "hàng" ấy lại được tái chế để làm đồ nhựa mà chúng ta dùng hàng ngày.
Mầm hoạ khi rác thải y tế bệnh viện Bạch Mai "tung ra thị trường" - Ảnh 1
Găng tay cao su cũng được mua bán công khai.

Bác Lê Hoà Vinh - một người dân sống trên phố Phương Mai chép miệng: "Không có quy luật cụ thể nào với những người tuồn rác thải y tế từ bệnh viện ra đâu cháu à! Vì phải phụ thuộc vào lượng rác mà họ thu gom được, có ngày họ mang ra bán bốn, năm lần, nhưng có khi hai hoặc ba ngày mới thấy đem ra bán/lần. Mỗi lần là một ni-lon lớn, trong đó gồm tất cả những rác thải y tế có thể bán được. Để tuồn được rác thải y tế ra ngoài, nhiều nhân viên vệ sinh, hộ lý đã phải lên một kế hoạch khá hoàn hảo, từ việc gom rác thải vào túi ni-lon, phân loại rác, để làm sao, lúc mang nó ra khỏi bệnh viện mà lực lượng bảo vệ không phát hiện ra. “Bác Vinh kể thêm: "Có người đưa rác thải y tế ra ngoài phải nhờ người nhà vào xách túi rác ra vì sợ lực lượng bảo vệ bệnh viện để ý. Tuy nhiên, những người chuyên tuồn rác ra ngoài thừa biết quy luật hoạt động của phòng bảo vệ nên họồ nhằm vào giờ trưa hoặc đầu giờ chiều, khi không bị để ý nhiều mới tuồn ra ngoài để bán".

Cửa hàng thu mua rác thải y tế là nằm trên một con ngõ nhỏ ở phố Phương Mai. Đó là một ngôi nhà khoảng 30m2 thu mua sắt, đồ điện cũ và một lượng lớn là rác y tế "được" tuồn từ bệnh viện Bạch Mai, viện Da liễu Trung ương ra. Theo dõi đến ngày thứ ba, chúng tôi nhìn thấy nhân viên y tế của bệnh viện Bạch Mai "thậm thụt" mang rác thải y tế ra cửa hàng đồng nát để bán. Điều đáng lưu ý là người mang bán rác thải y tế này có mặc áo đồng phục của bệnh viện Bạch Mai và túi đựng rác mang đi bán cũng là túi được sản xuất riêng dành cho bệnh viện Bạch Mai. Khi thấy người lạ quan sát, cô gái trẻ - người bán rác, tỏ ra cảnh giác. Tuy nhiên, khi được tôi giới thiệu là cũng có người nhà trong bệnh viện, ra tìm hiểu giá để lần sau giúp mang ra bán thì cả người bán và người mua khá yên tâm. Họ "bật mí" khá nhiều "bí mật" mà nhiều người không tưởng tượng được. Linh, người xách túi rác y tế từ bệnh viện ra bán cho tôi cho biết, hiện cô đang là y tá trong bệnh viện Bạch Mai. Một tuần, cô có vài lần mang rác ra ngoài bán. Để gom rác từ bệnh viện, cô và một số đồng nghiệp của mình đã rất khôn khéo, tránh để người trong bệnh viện để ý, phát hiện.

Theo Linh, bệnh viện Bạch Mai rất rộng và nhiều khoa điều trị, mỗi ngày lượng rác và rác thải của bệnh viện ước chừng khoảng năm đến bảy tấn. Vì thế, chuyện thỉnh thoảng "thu gom" được một số rác thải y tế như ống truyền, dây truyền, lọ đựng dịch, đựng thuốc nhựa hay găng tay y tế là... rất dễ. Bởi vậy, một số nhân viên y tế trong bệnh viện đã tự tạo thu nhập thêm bằng cách, mang rác y tế ra ngoài bán. Đưa được rác thải y tế ra ngoài, cần phải biết cách vượt qua vài vòng kiểm soát. Ngay bản thân Linh cũng đã vài lần nhờ người nhà vào bệnh viện xách túi rác mang ra ngoài bán, vì lực lượng bảo vệ ở đây đã "nhẵn mặt" cô và một số đồng nghiệp khác.

Linh thỏ thẻ với tôi: "Không riêng gì mình em mang rác y tế ra ngoài đâu chị ạ, một số nhân viên làm trong bệnh viện Bạch Mai cũng bán rác y tế kiểu này. Ban đầu, em cũng rất ngạc nhiên khi thấy một số chị lớn tuổi mang rác ra phố Phương Mai bán. Tuy nhiên, có một sự thật là số tiền bán rác thu được cũng không phải là nhỏ, vì hầu hết, nhựa từ rác y tế là những nhựa rất tốt, nên bán được giá khá cao...".

Mầm hoạ khi rác thải y tế bệnh viện Bạch Mai "tung ra thị trường" - Ảnh 2
Người mặc đồng phục của bệnh viện Bạch Mai đang bán rác thải y tế cho một cơ sở thu mua.

Bảo vệ cũng bán... rác y tế?

Linh kể rằng, để đưa rác ra ngoài phố Phương Mai bán, nhân viên trong bệnh viện có rất nhiều "độc chiêu" để tránh sự chú ý. Nhiều nhân viên y tế đã cho rác vào túi bóng đen nhưng không mang xuống cầu thang mà ném từ tầng hai, tầng ba xuống vườn hoa trong bệnh viện để giữa giờ trưa hay tối ra lấy, đem đi bán. Nhiều chủ cửa hàng thu mua phế liệu tỏ ra rất ưu ái cho người bán rác thải y tế.

Trở lại câu chuyện với bác Vinh, bác cho hay, người dân sống quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai rất bức xúc trước việc nhân viên, y tá của bệnh viện mang rác thải từ bệnh viện ra bán. Bản thân bác Vinh còn tận mắt chứng kiến rất nhiều người trong bệnh viện mang cả ống truyền, dây truyền đi bán và cả người bán và người mua đều dùng tay trần để tiếp xúc với những đồ này. Chủ một số hàng thu mua đồng nát quanh hồ Phương Mai cho biết, món lợi từ những loại rác thải y tế là khá lớn, vì thế có rất nhiều đại lý thu mua rác loại này ở Bắc Ninh, Hải Dương hay Triều Khúc (Hà Nội) đến thu mua với giá cao để sản xuất ra những đồ nhựa gia dụng.

Tôi bảo Linh: "Mang rác thải y tế đi bán, người ta tái chế làm đồ nhựa cho mình dùng, vậy là mình tự hại mình?". Linh thủng thẳng đáp: "Có mà chúng em đang "giúp" bệnh viện ấy chị ạ. Một ngày có mấy tấn rác thải y tế thải ra, chúng em mang đi bán thế này thì cũng là dọn đỡ cho bệnh viện thôi...".
Trong một tuần điều tra về tình trạng bán rác thải y tế từ bệnh viện Bạch Mai tuồn ra ngoài, chúng tôi còn được chứng kiến một việc rất "nhức mắt": Đó là có cả bảo vệ của bệnh viện mang rác thải y tế đi bán. Linh "bật mí" với chúng tôi: "Thật ra, việc đưa rác ra ngoài bán thế là sai. Vì thế, chúng em mới "thậm thụt". Bảo vệ mà bắt được, bọn em bị khiển trách hoặc bị phạt đấy. Tuy nhiên, có "ông bảo vệ" cũng tham, thu được của bọn em, sau đó lại mang đi bán đấy chị ạ. Nói chung là nhiều vấn đề lắm...".
Đến ngày thứ tư, khi đã nói chuyện quen với người thu mua rác thải tên Loan, tôi được chị tiết lộ sự thật khá sốc là từ sáu tháng nay, Loan còn thu mua được rất nhiều kim tiêm từ trong bệnh viện Bạch Mai tuồn ra. Người đưa kim tiêm ra bán cũng là người làm trong bệnh viện, mỗi tuần hai lần, người này mang khoảng một đến hai tạ kim tiêm ra bán và chỉ bán vào buổi tối. Tôi bảo Loan, khi nào người làm việc trong bệnh viện Bạch Mai ra  bán thì gọi điện cho tôi, để tôi bắt mối cho bà cô họ xa, nhưng Loan có vẻ đề phòng và cho biết, chỉ những người quen biết lâu và giữ được bí mật thì mới mua được kim tiêm từ bệnh viện tuồn ra. Và, những kim tiêm nguy hiểm ấy được mua với giá cao, quay vòng đi các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh để đúc xoong, nồi, muôi thìa... giá rẻ!?

Thu mua cả bao tay cao su dùng một lần!?

Chị Lê Phương Vy (phố Phương Mai, Hà Nội) cho biết: "Nhiều người lầm tưởng rằng, bao tay y tế dùng một lần xong là bỏ đi, nhưng có sống gần hàng thu mua rác thải y tế mới biết rằng, loại bao tay ấy cũng được mua lại với giá 6.000 đồng/kg. Người chuyên thu mua loại bao tay cao su này còn cho tôi biết, họ mua lại, làm sạch và lại... bán vào bệnh viện. Tôi không tin chuyện này, nhưng chính mắt tôi được nhìn thấy người từ bệnh viện Bạch Mai, mặc đồng phục nhân viên trong bệnh viện mang ra bán. Nếu chuyện này có thật thì quá nguy hiểm...".

Đón đọc kỳ 2:  Ám ảnh cửa hàng thu mua rác thải y tế còn… dính máu

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA LẠC THÀNH - PHẠM THIỆU

No comments:

Post a Comment