Tuesday, April 22, 2014

Hà Tĩnh: Thảm cảnh gia đình trên sông nước không được cấp đất TĐC

Thứ hai, 21/4/2014 7:38 GMT+7
Gia đình anh không biết phải lênh đênh đến bao giờ?
TN-Gia đình anh Nguyễn Văn Lệ (khối Tuần Cầu, p. Trung Lương, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) hoàn cảnh hết sức thương tâm: 6 nhân khẩu chen chúc trên một chiếc thuyền dột nát, bản thân anh Lệ bị ung thư đang chờ chết, nhưng không được chính quyền cấp đất TĐC.
Thảm cảnh một gia đình

Hỏi đến hoàn cảnh gia đình hộ Nguyễn Văn Lệ (SN 1979), bà con lối xóm ai cũng ngậm ngùi: tội nghiệp quá. Khi chúng tôi đến “nhà” anh, phải đi dò dẫm trên một tấm ván nhỏ để bước lên con thuyền dột nát, rộng chừng vài m2, đồ đạc bề bộn, là nơi tá túc của hai vợ chồng và 4 đứa con. Đứa lớn nhất SN 2001, đứa bé nhất SN 2012. Bé nào cũng đen đúa, ăn mặc nhếch nhác, gầy còm.

Khi chúng tôi đến, anh Lệ vừa đi mổ ung thư dạ dày ở Hà Nội về, dạ dày bị cắt 4/5, người chỉ còn da bọc xương. Anh quá mệt và đau nhưng cũng cố gượng nói chuyện. Vợ chồng anh kết hôn năm 2000, nhà đất không có, phải dùng chiếc thuyền làm nơi cư ngụ. Mùa nắng thì neo tại bến, mùa mưa thì dong vào lạch tránh bão lũ. Anh Lệ không có nghề nghiệp ổn định, thỉnh thoảng đi làm thuê cho sà lan cát được ngày công một vài trăm nghìn. 

Chị Thuần vợ anh cũng đi làm thuê làm mướn, bán vài con ốc, mớ hến. Vì con đông, nhà hai bên nội ngoại đều nghèo, thu nhập thấp nên tằn tiện mãi mà hai vợ chồng cũng không thể tích góp được tiền mua đất, làm nhà.

Đầu năm 2013, anh Lệ thấy bụng thường xuyên đau, nhưng anh cố nhịn đi làm, sau đau quá, lại thường xuyên nôn ra máu nên phải đi khám. Bác sỹ nói bệnh này phải mổ gấp, nhưng tiên lượng cũng không khả quan. Thương chồng, chị Thuần chạy vạy vay mượn khắp anh em, bà con thương tình gom góp giúp đỡ một ít để đưa anh Lệ ra Hà Nội mổ. Chi phí mổ hết 60 triệu đồng, quá lớn đối với gia cảnh anh chị.


Anh Lệ vừa mổ u dạ dày về, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Bà Đậu Thị Thương, mẹ anh Lệ vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào: “Tui đang làm nhà dở dang, nhưng gặp cảnh con đau ốm rồi cũng không ngó ngàng chi đến nữa. Hoàn cảnh thằng Lệ quá thương tâm. Bây giờ chắc nó không sống được bao lâu nữa. Đàn con của nó biết nương tựa vào đâu?”.

Chị Thuần, người gầy trơ xương, hôm ra chăm chồng quá mệt và lo lắng nên bị ngất xỉu chưa lại sức, buồn bã nói: “Bây giờ em không biết tính sao, chỉ mong anh Lệ được bình phục. Anh ấy mà bỏ mẹ con em thì khổ lắm”. Chị Thuần cho biết thêm một hai hôm nữa là phải đưa anh Lệ ra Hà Nội chuyền hóa chất, chỉ sợ anh sức yếu quá. Hiện nay anh chỉ ăn được vài thìa bột, cháo. 

Trong thuyền, mấy đứa trẻ con anh Lệ vây quanh bố, nét mặt ngây thơ chưa biết nỗi đau giằng xé tâm can của người lớn. Bà con lối xóm quây quần đến hỏi thăm. Chị Thuần cho biết từ khi anh Lệ phát bệnh, đi mổ u đến nay chưa có bất cứ một cán bộ thôn, xã nào đến động viên thăm hỏi.

“Khi nào thu khoản gì, hay vận động đóng góp khoản nào thì họ thành lập đoàn đi đến từng nhà vận động. Còn bà con ngoài này bị đau ốm hoạn nạn thì hầu như không thấy cán bộ nào đến cả”, bà Đậu Thị Thương nói.

Sự vô cảm của chính quyền địa phương?

Khi chúng tôi đề cập đến hoàn cảnh anh Lệ, một cán bộ thôn còn nói: Thu nhập của hộ anh Lệ cũng không đến nỗi, nên không được xét hộ nghèo và hỏi lại PV: “Vậy theo anh nên quan tâm hộ này như thế nào?”.

Chúng tôi trao đổi là trước mắt cán bộ thôn nên đến thăm hỏi gia đình, rồi vận động bà con xung quanh xóm, xã ủng hộ anh Lệ, hoặc đề xuất lên phường, thị xem có nguồn quĩ nhân đạo nào không để hỗ trợ gia đình. Vị cán bộ này im lặng.


Căn “nhà” của hộ Nguyễn Văn Lệ lênh đênh trên sông nước với 6 nhân khẩu
Theo qui định của UBND phường Trung Lương tại kế hoạch ngày 8/8/2013, những đối tượng được cấp đất di dời ra vùng TĐC là: “Gia đình có hộ khẩu thường trú từ 2003 về trước hiện có nhà ở ngoài đê thuộc tổ dân phố Tuần Cầu (chỉ áp dụng đối với hộ gia đình có nhà đang trực tiếp sinh sống, không áp dụng theo hộ)”.

Theo qui định trên, những hộ có nhà mới được di dời, còn không có nhà thì không được xét. Điều này sẽ nẩy sinh ra một nghịch lý là có những gia đình đã có nhà kiên cố như hộ Nguyễn Ngọc Điển, Đậu Văn Thuận…, không có nhu cầu di dời thì lại phải đập nhà ra khu TĐC, còn những hộ lênh đênh trên sông nước, không nhà, không tấc đất cắm dùi như Nguyễn Văn Lệ lại ngậm ngùi chấp nhận mãi kiếp lênh đênh!

Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020” quy định đối tượng TĐC, gồm:

“Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần, xâm nhập mặn, nước biển dâng; hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng; du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường, tác động phóng xạ”.



Thông báo bán đấu giá 22 lô đất tại khu vực TĐC của UBND phường Trung Lương. 

Chiếu theo nội dung trên và tờ trình 2371 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tất cả các hộ được xét cấp đất TĐC tại phường Trung Lương vừa qua đều không đúng đối tượng. Trong khi đó, hộ Nguyễn Văn Lệ thuộc đối tượng “du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước” đúng với quy định tại Quyết định 1776 lại không được xét cấp đất.

Thị xã, tỉnh xin Thủ tướng phê duyệt khu TĐC với 66 lô đất, tương ứng với 66 hộ dân cần “di dời khẩn cấp”, nhưng sau khi có đất chỉ “xét” cấp 13 lô, rao bán 22 lô, hơn 30 lô còn lại không biết sẽ làm gì? Và chính quyền sẽ xử lý ra sao? 

Trong khi đó, tại vùng ngoài đê, có khoảng 17 hộ đã lập gia đình, có hộ khẩu, có nhu cầu về đất TĐC lại không được cấp đất nên vẫn phải bám trụ vất vưởng.

(Còn tiếp)
                                                                                          Quang Đại – Hà Vy

No comments:

Post a Comment