Tuesday, April 22, 2014

Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông còn xa vời

04-21-2014 2:50:04 PM
BANGKOK (NV) .- Việc soạn thảo một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) hầu tránh xung đột võ trang nhưng không có giới hạn về thời gian nên chưa rõ lúc nào ASEAN mới hoàn tất văn kiện này.


Một chiến hạm phế thải trụ tại bãi cạn Second Thomas Shoal được lính Phi dùng làm căn cứ đồn trú để bảo vệ khu vực mà nước này xác nhận chủ quyền. Trung Quốc ngang ngược tuyên bố hơn 80% Biến Đông là của mình, từng ngăn chặn tàu tiếp tế của Philipines tiếp cận căn cứ nổi nói trên. (Hình: JAY DIRECTO/AFP/Getty Images)

Đó là thông tin do ông Arthayudh Srisamoot, Tổng Giám đốc Sở quan hệ với ASEAN của Bộ Ngoại giao Thái Lan, tiết lộ với Tân Hoa Xã trong một cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị bàn về sự áp dụng bản Tuyên bố cách ứng xử trên biển Đông (DOC), giữa các viên chức cao cấp của  ASEAN và Trung Quốc, vừa khai mạc tại Chonburi, Thái Lan.

Tháng 7 năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, các quốc gia trong khối ASEAN mới thông qua một thỏa thuận, theo đó sẽ cùng thúc đẩy Trung Quốc chấp thuận COC. Người ta có cảm tưởng là một Bộ Quy Tắc Ứng Xử sắp thành hình đến nơi, nhưng rồi chẳng ai thấy có gì xảy ra ngoài những lời tuyên bố suông.

Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC nhưng bất thành. Do các tranh chấp trên biển Đông càng ngày càng gay gắt, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký một bản tuyên bố chung gọi là Tuyên Bố về Ứng Xử trên Biển Đông (DOC – Declaration on the Conduct of Parties in South China Sea).

Ngay sau đó, nhiều cuộc họp đã được lai rai dạo đờn tổ chức nhưng bị cản trở bởi chủ trương của Trung quốc muốn coi gần hết Biển Đông như ao nhà của họ. Bởi vậy, đến nay sau 12 năm trôi qua, DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên biển Đông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.

Đến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.

Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế.  Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc khối ASEAN đã cùng cho rằng, cần phải đoàn kết để đạt được một COC với Trung Quốc. ASEAN sẽ phải có cùng một giọng. Sự đoàn kết không nhằm chống lại bên nào mà chỉ để dễ đối thoại với bên đó, nay, ông Srisamoot, thừa nhận, ASEAN phải “thận trọng và thực hiện từng bước”, dù các cuộc thảo luận về COC đã bắt đầu và “tiến triển tốt”.

Theo ông Srisamoot, để tạo ra một môi trường tốt và đạt đến COC nhằm duy trì ổn định trong khu vực, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như: tìm kiếm - cứu nạn, nghiên cứu về tài nguyên biển, trấn áp tội phạm xuyên quốc gia, song quan hệ giữa các bên được dự đoán là vẫn còn phức tạp, dễ gây hiểu lầm trong đàm phán.

Khó khăn trong đàm phàn giữa ASEAN và Trung Quốc là điều được xem như tất nhiên. Hồi tháng 8 năm ngoái, ông James R. Holmes, giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, từng cảnh báo trên tạp chí điện tử The Diplomat rằng , tìm cách thuyết phục Trung Quốc chấp thuận COC mà không dứt khoát trong việc giải quyết các mâu thuẫn hiện tại, chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất cho ASEAN trong tương lai.

Theo ông Holmes, ASEAN nên cẩn trọng và mạnh mẽ khước từ COC với Trung Quốc, nếu trong đó, Trung Quốc không chấp nhận từ bỏ những đòi hỏi vô lối về chủ quyền ở biển Đông.

Theo hướng này thì ASEAN cần đạt được một văn kiện mà trong đó, Trung Quốc chấp nhận rút khỏi những nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN mà họ từng xâm phạm. Chấp nhận ngưng ngăn cản hoạt động của hải quân các nước trong khu vực đường chin đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra, cũng như chấp nhận rằng, bất kỳ Bộ quy tắc ứng xử nào ở biển Đông cũng phải tuân thủ Công ước về Luật Biển.

Ông Holmes nhận định, ưng thuận một COC với Trung Quốc mà thiếu cân nhắc các yếu tố vừa kể sẽ đồng nghĩa với việc phải chấp nhận thực trạng hiện nay. Trong đó bao gồm cả việc Trung Quốc đã chiếm giữ các khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN.

Vị giáo sư về chiến lược của Học viện Hải quân Hoa Kỳ khuyến cáo, nếu ASEAN chấp nhận một COC với Trung Quốc mà thiếu các điều kiện như ông đề nghị thì COC đó sẽ giúp Trung Quốc có thể giữ được những gì họ đã thâu tóm trong thời gian vừa qua. Ông Holmes nhấn mạnh, trong tương lai, ASEAN sẽ phải trả giá đắt nếu thiếu tỉnh táo và cương quyết trong quá trình đạt được một COC với Trung Quốc. (GĐ)

No comments:

Post a Comment