Thứ Hai, 07/04/2014 - 13:04
(Dân trí) - Một khách quốc tế khi đến Hà Nội từng thốt lên kinh ngạc: “Ở nơi mà một ngày hai lần tiếng còi tàu inh ỏi chạy qua, không gian sống chật hẹp, nguy hiểm, vậy mà người dân vẫn luôn nở nụ cười như thể cuộc sống chưa bao giờ bình yên đến vậy”.
Mới đây, tờ Dailymail của Anh đã đăng tải một bài viết về cuộc sống của những cư dân ven đường tàu tại thành phố Hà Nội.
Trong đó, Dailymail “hóm hỉnh” bình luận rằng nếu người dân London luôn “khao khát” được sống gần ga tàu để đi lại cho tiện lợi, thì với dịch vụ đường tàu chạy sát tận cửa nhà như thế này, hẳn nhiều người sẽ sẵn sàng “các thêm tiền” để được ở trong những ngôi nhà “tiện lợi” tới vậy.
Đường tàu trên một số tuyến phố ở Hà Nội quả thực quá gần nhà dân đến mức mỗi khi tàu chuẩn bị đi qua, người buôn bán, người đi bộ, trẻ em đang chạy chơi… đều phải dừng hết mọi hoạt động, nhanh chóng thu dọn, đứng dẹp vào vệ đường để tàu hỏa đi qua.
Đường tàu chạy qua khu vực thuộc trung tâm Hà Nội, cắt ngang qua những con phố nhỏ. Mỗi khi tàu sắp tới, các hàng quán phải thu dọn khẩn trương, người dân cũng ngồi dẹp vào vệ đường.
Một bà cụ đang bế cháu ngồi bên đường tàu.
Tàu hỏa chạy qua những con phố hẹp ở khu vực trung tâm Hà Nội.
Khi tàu đã đi qua, đường ray lại được “trưng dụng” và trở thành không gian sinh hoạt ngoài trời của người dân.
Trong mắt những du khách ngoại quốc, cuộc sống của các cư dân ven đường tàu thật nguy hiểm, nhưng cũng thật kỳ lạ. Đối với họ, những bất tiện, nguy hiểm đó đã trở thành “chuyện thường ngày”, họ vui vẻ sống chung với nó. Cuộc sống thường nhật diễn ra thoải mái “như không” bên cạnh những đường tàu.
Người dân ở đây đã quen với việc sống trên đường tàu. Khi tàu hỏa sắp tới, họ lại “nháo nhào” thu dọn để tàu chạy qua.
Cuộc sống ven đường tàu đem lại sự tò mò xen lẫn thích thú đối với những du khách nước ngoài.
Ven đường tàu có những cửa hiệu cắt tóc di động, những người bán hàng rong, những hộ gia đình thổi nấu, sinh hoạt, trẻ em chạy chơi…
Người dân sống trong khu vực này đã luyện thành “phản xạ”, họ biết khi nào tàu sắp đến và sẽ dừng mọi hoạt động, thu dọn nhanh chóng khỏi đường tàu. Việc này đã trở thành một phần cuộc sống của họ.
Những biện pháp an toàn được tiến hành để tránh những rủi ro có thể xảy đến trong khu vực đông dân cư.
Hàng quán ven đường tàu.
Cuộc sống muôn màu hiện ra bên ô cửa của những chuyến tàu hỏa.
Người dân ở khu vực này phản ứng rất nhanh nhẹn mỗi khi sắp đến giờ tàu chạy qua. Đó là một nhịp quen thuộc trong đời sống thường nhật của họ.
Ngay sau khi tàu chạy qua, mọi hoạt động lại diễn ra bình thường.
Tờ Dailymail “hóm hỉnh” bình luận rằng có thể người dân London sẽ “các thêm tiền” để được ở một vị trí thuận tiện cho giao thông công cộng tới như vậy.
Trên website du lịch nổi tiếng của Mỹ - TripAdvisor - chủ đề bàn luận về cuộc sống của những cư dân ven đường tàu ở thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần được đưa ra. Xung quanh đề tài này, rất nhiều du khách đã chia sẻ những trải nghiệm của bản thân.
Một du khách có tên Terry Dodds Moranbah đến từ Úc nhận định cuộc sống ở đây “bận rộn, thú vị và sinh động đến không thể tin nổi”:
“Khu vực này là một trong những điểm đến sống động nhất mà tôi từng thấy, cảm nhận như ngay cả vỉa hè cũng có nhịp đập, hơi thở của riêng mình. Đây là một bữa tiệc thị giác đầy cảm hứng bất ngờ bày ra trước mắt. Tôi không thể lột tả hết được cái tinh thần sôi động trong cuộc sống của những người dân lao động nơi đây, rất thú vị, đầy mê hoặc. Nếu bạn đặt chân tới Hà Nội mà không dành một vài tiếng để chiêm ngưỡng cuộc sống ven đường tàu, đặc biệt lúc tàu chạy qua, thì thật là một sự thiếu sót”.
Những bức ảnh do Terry Dodds Moranbah thực hiện khi tới Hà Nội.
Trang OddityCentral - một website chuyên về chuyện lạ - cũng đã từng đăng tải một bài viết về cuộc sống ngay sát đường tàu của người dân Hà Nội. Bài viết do du khách Adam Armstrong thực hiện.
Anh Armstrong cho biết: “Tôi tưởng chỉ có chợ ở Thái Lan là nơi duy nhất trên thế giới mà người dân sống, sinh hoạt ngay sát đường ray tàu hỏa. Nhưng hóa ra, còn có một nơi tương tự như thế ở Việt Nam”.
Đường ray ở đây được đặt trong những khu vực đông dân cư, chỉ cách nhà dân vài bước chân. Có những ngôi nhà quá gần đường tàu đến mức chỉ cần chậm chân một chút không bước kịp vào nhà hay vô tình thò tay qua cửa sổ lúc tàu chạy qua đều có thể gặp nguy hiểm. May mắn là mỗi ngày tàu chỉ chạy qua hai lần.
Anh Armstrong kinh ngạc: “Ở nơi mà một ngày hai lần tiếng còi tàu inh ỏi chạy qua, không gian sống thì chật hẹp, nguy hiểm, vậy mà người dân vẫn luôn nở nụ cười như thể cuộc sống chưa bao giờ bình yên đến vậy”.
Bích NgọcTổng hợp
No comments:
Post a Comment