Monday, April 7, 2014

Bắt 6 cán bộ ngân hàng VDB: Vay “khủng long”, thế chấp “chuột"

10:23 AM, 07-04-2014
(ĐSPL) - Vụ bắt khẩn cấp sáu cán bộ, lãnh đạo ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Minh Hải đã lộ ra những khoản cho vay “khủng long” với thế chấp “chuột”.

Với chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh khu vực Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) đã giải ngân số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Theo quy định, các doanh nghiệp phải hoàn lại vốn đã quá hạn nhưng VDB khu vực Minh Hải không thu hồi được nợ vì phần lớn các doanh nghiệp vay vốn sử dụng đồng vốn sai mục đích, làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã vay được số tiền “khủng ” với tài sản thế chấp rất nhỏ...
Bắt 6 cán bộ ngân hàng VDB: Vay “khủng long”, thế chấp “chuột" - Ảnh 1
Bắt 6 cán bộ ngân hàng VDB: Vay “khủng long”, thế chấp “chuột"

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Minh Hải nơi xảy ra vụ sai phạm nghiêm trọng.
Thu giữ hàng loạt chứng cứ quan trọng
Sáng 25/3, cơ quan điều tra Bộ Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp sáu cán bộ, lãnh đạo VDB khu vực Minh Hải để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các cán bộ, lãnh đạo VDB khu vực Minh Hải bị bắt gồm: Trịnh Tuấn Mẫn, nguyên giám đốc; Huỳnh Quang Xuân, Trưởng phòng tín dụng; Trần Thị Oanh, cán bộ phòng tín dụng; Vũ Văn Quang, nguyên phó giám đốc; Phan Thanh Toàn, Phan Thanh Hải, cùng chức danh phó phòng tín dụng.
Một cán bộ cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết, sau khi đọc lệnh bắt, cơ quan điều ra đọc quyết định cho Quang, Toàn, Hải được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra trong thời gian tới. Sau khi đọc các lệnh, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhà riêng một số đối tượng lãnh đạo của VDB khu vực Minh Hải. Kết thúc buổi khám xét, cơ quan điều tra thu giữ được nhiều chứng cứ và tang vật quan trọng liên quan đến vụ án.
Chiều cùng ngày, ông Phan Thanh Bình, giám đốc chi nhánh VDB khu vực Minh Hải, xác nhận thông tin trên với PV và cho biết thêm, có ba đối tượng bị tạm giam hình sự để điều tra, còn ba đối tượng được cho tại ngoại, nhưng chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.
Theo cơ quan điều tra, vào thời điểm năm 1990, ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Minh Hải (có tên là Quỹ hỗ trợ đầu tư và phát triển) thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Theo hồ sơ ký kết, trong thời gian từ 5 – 10 năm, các doanh nghiệp vay vốn phải hoàn lại vốn đã quá hạn cho VDB khu vực Minh Hải. Tuy nhiên, mặc dù đã quá hạn nhưng VDB khu vực Minh Hải không thể thu hồi được nợ vì phần lớn các doanh nghiệp vay vốn sử dụng đồng vốn chưa đúng mục đích, làm ăn thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, rất nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản...
Nguyên nhân khiến sai phạm nghiêm trọng trên xảy ra là do các cán bộ, lãnh đạo Mẫn, Xuân, Oanh, Quang, Toàn, Hải không có trách nhiệm thẩm tra kỹ các hồ sơ thế chấp vay vốn, để xảy ra tình trạng, doanh nghiệp vay “khủng”, nhưng tài sản thế chấp thì “đuôi chuột”. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng xác định, các đối tượng Mẫn, Quang đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các đối tượng này đã không thường xuyên rà soát, kiểm tra các hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.
Hồ sơ thế chấp 4 tỷ, vay “trót lọt” 100 tỷ đồng
Theo các tài liệu liên quan đến vụ bắt giữ sáu cán bộ, lãnh đạo trên mà PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp cận, các doanh nghiệp tiến hành vay vốn của VDB khu vực Minh Hải đều là các “con nợ” trăm tỷ của chi nhánh ngân hàng này. Theo đó, từ ngày 18/6/2010 đến 24/1/2011, VDB Minh Hải xét duyệt cho Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Minh Châu (trụ sở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) vay 11 lần với số tiền tới hơn 100 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi. Để vay được số tiền “khủng”, Minh Châu phải làm hồ sơ thế chấp để gửi VDB khu vực Minh Hải.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hồ sơ thế chấp gồm (bốn xe tải, một xe Innova và tiền gửi VDB khu vực Minh Hải trị giá bốn tỷ đồng) của Minh Châu lại có thể lọt qua khâu thẩm tra hồ sơ cho vay của ngân hàng, để được vay “trót lọt” 100 tỷ đồng. Khi công ty Minh Châu làm ăn thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản, VDB khu vực Minh Hải mới lo lắng tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh của Minh Châu và hồ sơ vay vốn ngân hàng của công ty này thì phát hiện ra tình trạng trên. Với hồ sơ thế chấp trên, VDB khu vực Minh Hải xác định không đủ để trả số lãi treo hơn 50 tỷ đồng, chứ chưa nói là trả số tiền gốc.
Tương tự, xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh (trụ sở tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) được VDB Minh Hải cho giải ngân 18 lần trong thời gian chưa đầy ba tháng (từ ngày 3/7 đến 23/9/2009) với số tiền gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, hồ sơ thế chấp của Ngọc Sinh chỉ là 25 hecta đất ở An Giang và Ninh Thuận. Trong khi Ngọc Sinh làm ăn thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản nhưng VDB khu vực Minh Hải vẫn tiếp tục cho vay tiếp vào hai ngày 4 và 6/6/2010 với số tiền gần 12 tỷ đồng. Trong hai lần này, hồ sơ vay vốn của Ngọc Sinh đều được Mẫn ký duyệt và thông qua.
Trong thời gian này, khi VDB phát hiện hiện số lãi lên đến gần 130 tỷ đồng (chưa cộng tiền vay) nên đã yêu cầu VDB Minh Hải tiến hành kiểm tra. Tiến hành định giá lại tài sản thế chấp là 25 hecta đất ở An Giang và Ninh Thuận, VDB khu vực Minh Hải sững sờ khi phát hiện, tài sản thế chấp trên chỉ trị giá 90 tỷ đồng. Do đó, việc thu hồi tiền lãi và vốn cho vay là hoàn toàn không khả quan.
Theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian trên, VDB khu vực Minh Hải còn tiến hành cho Công ty TNHH Nhật Đức (trụ sở xã Định Bình, TP. Cà Mau) 176 tỷ đồngå cho Công ty chế biến thủy sản & Xuất nhập khẩu Việt Hải (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) vay với số tiền 118 tỷ đồng... Trong những lần cho vay này, VDB đều không thể thu hồi nợ và lãi suất do các công ty làm ăn thua lỗ, tài sản thế chấp có giá trị thấp, không đủ để cấn trừ tài sản theo quy định.
Một nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, trong vài ngày tới, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập các tài liệu, hồ sơ liên quan để làm rõ hơn việc các cán bộ, lãnh đạo VDB khu vực Minh Hải xét duyệt, thẩm tra, cho vay như thế nào để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trên. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành thẩm vấn các đối tượng bị bắt giam.

Giám đốc ngân hàng có cơ ngơi bề thế
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, trong số các đối tượng bị bắt thì đối tượng Trịnh Tuấn Mẫn, nguyên giám đốc VDB khu vực Minh Hải là có cơ ngơi riêng “đồ sộ” nhất với một căn biệt thự bề thế, nằm hai mặt tiền tại địa phương. Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân khiến Mẫn giàu lên nhanh chóng là do ông này nhận tiền “lót tay” của các doanh nghiệp thủy sản. Vì vậy, các hồ sơ vay vốn dù không đủ điều kiện vẫn được ông này xét duyệt cho vay vô tội vạ.


No comments:

Post a Comment