06:58 ngày 07 tháng 04 năm 2014
Trong sự hoang hóa của dự án Bắc Phú Cát có sự “góp sức” của cán bộ địa phương Ảnh: Bảo an
TP - Tiền Phong ngày 6/4 đăng bài “Cán bộ dựng nhà trên dự án quốc phòng, đua nhau mua đất” tại Mỹ Đức (Hà Nội). Câu chuyện cán bộ chính quyền lợi dụng vị trí công tác của mình để buôn bán đất đai trái phép còn xảy ra tại nhiều nơi khác.
Lợi thế của cán bộ đất đai
Đó là trường hợp ông Cấn Văn Lai, huyện ủy viên, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất. Từ năm 2010, khi Hà Nội sôi sục cơn sốt đất, nắm bắt nguồn tin của nhiều dự án, ông Lai đứng tên ký hợp đồng bán đất cho nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội tại Dự án khu đất dân dụng Bắc Phú Cát (cuối Đại lộ Thăng Long).
Từ đó đến nay, 4 năm trôi qua, khu dân dụng Bắc Phú Cát chỉ mới mọc lên một số căn nhà; chủ yếu bỏ hoang cho bò gặm cỏ. Các hợp đồng giao dịch của ông Lai bất thành, đất không giao được; hàng tỷ đồng đã thu của người mua không trả lại. Các nhà đầu tư tá hỏa vì tiền ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, đã quyết định “tố” ông Lai ra chính quyền, công an.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lai xác nhận mình không có tên trong danh sách các hộ dân được cấp đất tại khu vực Bắc Phú Cát. Tại thời điểm bán, các lô thửa ký bán mới trong giai đoạn hình thành, chưa được cấp sổ đỏ (không được phép giao dịch theo quy định).
Ông Cấn Văn Lai: “Ai được đền bù đất tôi đều biết và tôi giới thiệu cho người mua” Ảnh: bảo an
Vị cán bộ quản lý giải phóng mặt bằng nói: “Vì tôi là người xét, cấp, giao giấy tờ. Ai được đền bù đất, tôi đều biết và giới thiệu cho người ta mua”. Tuy nhiên, không dừng ở việc giới thiệu, ông Lai đã đứng ra ký hợp đồng mua bán đất của các hộ dân theo phương thức chính ông Lai nói là “bán lúa non” (đất chưa có sổ đỏ). Thậm chí ông này còn nói “tôi không đọc” (khi ký hợp đồng).
Lý do chậm giao đất cho các nhà đầu tư được ông Lai cho là UBND huyện đình hoãn việc cấp sổ đỏ (cho dự án này). Còn các nhà đầu tư lại cho rằng, ông Lai có dấu hiệu lừa đảo; cố tình chiếm dụng vốn; lấy tiền trang trải việc khác. “Mấy anh em cùng chung tiền mua một mảnh đất 1,6 tỷ đồng. Nhiều người vay ngân hàng góp vào; 4 năm trời chỉ cầm mỗi mảnh giấy ông Lai ký; lãi suất đẻ ra hằng ngày. Tôi mua đất là dựa vào vị trí công tác của vị cán bộ này. Ai ngờ lại bị như thế” - ông Bùi Thanh Long (Đống Đa - Hà Nội), một trong những nhà đầu tư giao cho ông Lai 1,6 tỷ đồng cay đắng nói.
Huyện đặc cách cho cán bộ ?
Nhìn nhận về việc cán bộ làm công tác quản lý đất đai đi buôn đất, ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho rằng đây là việc bình thường, là quyền của công dân nếu giao dịch đó đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Lai, dù là bán đất trên giấy, trái phép, nhưng ông Thành chỉ cho rằng đây là “quan hệ tình cảm dựa trên sự tin tưởng giữa ông Lai và người mua” - ông Thành nói.
PV Tiền Phong nhiều lần liên lạc với ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất về công tác quản lý cán bộ trong việc giao dịch đất đai. Dù đã hứa trả lời nhiều lần, nhưng sau gần 2 tuần chờ đợi, các ông này vẫn tìm cách “lảng tránh”.
Điều ngạc nhiên là trong quá trình tìm hiểu hiểu sự việc, từ chỗ 4 năm không có sổ đỏ, ông Lai bất ngờ cho biết đang xin lãnh đạo huyện “đặc cách” cấp sổ đỏ để giao cho người mua. Chỉ trong vài ngày sau, ông Lai khẳng định đã cầm trong tay sổ đỏ. Còn chuyện xử lý cán bộ, ông Chu Đại Thành nói: “Hiện, chúng tôi chưa tính đến”.
Ông Lai hiện sở hữu một căn biệt thự 3 tầng trong khuôn viên rộng khoảng 300 m thuộc diện to đẹp nhất xã Lai Thượng, huyện Thạch Thất. Được biết, con rể của ông Lai đang là cấp phó của chính ông tại cơ quan. Về việc này, ông Chu Đại Thành cho biết, pháp luật không cấm việc con rể làm cấp phó trực tiếp; chỉ cấm người nhà làm kế toán, thủ quỹ của cơ quan.
Cũng liên quan đến quản lý đất đai, vừa qua, UBND huyện Thạch Thất quyết liệt tổ chức cưỡng chế 52 hộ cố tình xây dựng nhà nhằm trục lợi tiền đền bù tại xã Bình Yên vào 24 Tết Giáp Ngọ khiến nhiều hộ mất Tết. Tuy nhiên, với trường hợp cán bộ tham gia giao dịch đất đai trái pháp luật như trên - huyện Thạch Thất đang nương nhẹ, tạo điều kiện cho cán bộ hợp thức hóa sai phạm?
Nhận hối lộ 100 triệu đồngTháng 10/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Huyên, cán bộ ban này bị khởi tố cùng ông Đỗ Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng) nhận hối lộ 100 triệu đồng nhằm lo lót cho các cá nhân được hưởng chế độ đền bù trên đất có quy hoạch.
No comments:
Post a Comment