Monday, April 7, 2014

Một phán quyết mất lòng người

Thanh Quang, phóng viên RFA-2014-04-07
5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ, đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong tại phiên xử hôm 27/3/2014.Courtesy PNO
Tại phiên tòa vừa rồi ở Tuy Hòa, Phú Yên, xử 5 công an dùng nhục hình cố sát anh Ngô Thanh Kiều khiến khơi lại nỗi đau khôn xiết của thân nhân nạn nhân, trong cảnh – như blogger Trung Bảo mô tả – “Gương mặt nhăn nhúm khắc khổ của người cha già, giọt nước mắt của người vợ và nụ hôn của đứa trẻ thơ trên di ảnh của người cha chưa được thấy mặt sẽ là bản án mà 5 viên công an phải vĩnh viễn mang suốt đời nếu còn nhân tính”. Và, cùng hai đứa con thơ, người vợ trẻ mặt đồ tang trắng, chị Trần Thị Tâm, nói trong nước mắt đau thương:
“Từ ngày xử ở phiên tòa thì nó khơi dậy nỗi đau của mình. Những người đó (5 tên công an) cứ chối qua chối lại…”

Một bản án đạp trên dư luận

Mặc dù, theo mô tả của nhà báo Lê Thanh Phong qua bài “Chiếc dùi cui quật vào đâu”, thì “ nạn nhân bị còng tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng, bị công an dùng chân đạp, dùng tay đập, dùng gậy đánh bầm giập thân thể… cầm gậy cao su quật liên tục vào người anh Kiều, vào thân thể (đã) bầm giập của nạn nhân” cho đến chết, nhưng phiên tòa Tuy Hòa vừa nói tuyên phạt bị cáo Thành – cấp bậc thấp nhất là thiếu úy trong số 5 bị cáo vừa nói – 5 năm tù giam; còn 4 bị cáo còn lại, gồm một trung úy, một thượng úy, 2 thiếu tá, chỉ nhận từ án treo cho tới tối đa là 2 năm tù – nghĩa là họ dùng nhục hình giết người thì được án treo, còn cô gái 19 tuổi tát cảnh sát giao thông thì bị 9 tháng tù, còn 3 nông dân vì ăn trộm 2 con vịt thì bị 13 năm tù, chưa kể vô số án oan khác…
LS Võ An Đôn bào chữa cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều lên tiếng với Đài ACTD:
Người mà ra bản án này thật là liều lĩnh. Liều lĩnh ở chỗ người ta đạp trên pháp luật và dư luận để ra một bản án trái pháp luật.
-LS Võ An Đôn
“Người mà ra bản án này thật là liều lĩnh. Liều lĩnh ở chỗ người ta đạp trên pháp luật và dư luận để ra một bản án trái pháp luật. Bản án này tuyên áp dụng không đúng pháp luật, hai là bỏ lọt tội phạm, dư luận thì rất bức xúc nhưng không biết vì sao tòa lại ra như vậy.”
Qua bài “Một nhát dao chém thẳng mặt nhân dân”, blogger Nguyễn Minh Hòa khẳng định “tất cả đều tan vỡ khi mà tòa án đã phán quyết một bản án mất lòng người, cho dù có thay đổi đôi chút nhưng không phản ánh được đúng bản chất của sự việc mà người ta phải gọi đúng tên của nó là ‘giết người’, giết đồng loại bởi một tập thể những người sống khá giả bằng thuế của người dân nghèo bóp mồm, bóp miệng để nuôi bộ máy khổng lồ ấy… Nhưng họ đã kết thành một nhóm ‘đánh hội đồng’… giết cho bằng được một người không còn khả năng tự vệ (mà) chỉ còn biết van xin trong đau đớn, đói khát và tuyệt vọng”. Nhà báo Nguyễn Minh Hòa khẳng định:
Tôi là một người lính, tôi đã đối mặt với những người lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa, trước đó trên chiến tuyến chúng tôi đã nã đạn vào mặt nhau, đâm lê vào bụng nhau, nhưng ai đó bị sa cơ là tù binh thì chúng tôi (cả hai phía) đối xử với nhau vẫn như những con người (ít nhất là trong trường hợp của tôi và những người lính dưới quyền tôi), còn ở đây anh Ngô Thanh Kiều là công dân Việt Nam là đồng bào của 5 anh công an nhân dân kia. Bản án mà tòa vừa tuyên lúc 3 giờ thật sự là một nhát chém ngang mặt nhân dân, hằn sâu vào tâm thức nhân dân.”
ntk-250
Một trong năm người công an đánh chết người vẫn cười trước tòa (ảnh bên trái) và gia đình nạn nhân khóc tức tưởi cũng tại tòa hôm 27/3/2014 (ảnh bên phải).
Từ Huế, blogger Hà Văn Thịnh chua chát rằng “Nền (gọi là) ‘dân chủ’ của ta hiện nay có không ít những phiên tòa diễn ra như những vở kịch rẻ hề! Trắng trợn và tàn nhẫn đến mức người dân chỉ còn biết cúi mặt khóc ròng trong đớn đau, nhục nhã. Một trong những phiên tòa đó vừa được… diễn ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên”.
Theo GS Hà Văn Thịnh thì việc 5 sĩ quan công an “hè nhau đánh đập” một người dân đang bị còng, bị bỏ đói ấy là “sự tận cùng của tội ác, sự trắng trợn của cách ‘chơi’ hội đồng – thường chỉ có trong giới giang hồ”. Và GS nêu lên câu hỏi rằng hình ảnh cùng hàng trăm bài viết cả trong lẫn quốc tế liên quan chuyện này, và cả phiên tòa Tuy Hòa vừa rồi, chả lẽ “mấy ông quan to” không biết? Nếu không biết thì “chẳng hóa ra lãnh đạo cao cấp bị bịt mắt, bị lừa gạt sao? Làm sao có thể lãnh đạo, chỉ đạo khi lúc nào cũng bị lừa gạt đến đui mù?”.
Từ Maxtcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần lên tiếng:
“Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng công an lộng quyền như bây giờ. Vì Sao? Vì nhà nước, vì những người lãnh đạo cho quyền công an được làm như thế, thì họ mới có thể làm.”

Có mệt mỏi với ‘thú vui’ tàn sát?

Blogger Khải Đơn nêu lên câu hỏi chua xót rằng “bạn có bao giờ nhìn thấy cảnh con hổ vồ con nai trên đồng chưa? Trước khi chết, con nai được chạy, để giành giật lấy sự sống và hơi thở đáng giá nhất của một sinh linh trên đời này. Còn con người đã bị đánh đến chết trong vụ án này thì đã bị tước mất quyền làm một người vô tội, tước mất khả năng tháo chạy để sống còn - bởi cái còng tay, và tước mất hơi thở bằng những nhát dùi cui. Thượng đế sinh ra mọi nhân mạng để sống với sự thiêng liêng nhất của hơi thở ấy. Vậy những người kia đã nhân danh cái gì để bóp chết nhân mạng ấy? - họ nhân danh luật pháp (của nước CHXHCNVN)”.
Nhưng những người chiến sĩ công an ngày này chẳng lo về mặt luật pháp, cũng chẳng lo về mặt tâm linh. Vậy thì cái gì sẽ khiến họ phải đắn đo khi dùng bạo lực để đối xử với người dân?
-Blogger Người Buôn Gió
Blogger Nguyễn Ngọc Già trích dẫn lời ông tổ CS Karl Marx rằng “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình”, và hình dung ra rằng “Hình ảnh bầm dập từ việc giải phẫu tử thi của Ngô Thanh Kiều kinh khủng đến nỗi gần như làm người ta ngộp thở hơn cả khi nhìn chú linh dương bị bầy linh cẩu bu nhau xé xác!”. Vẫn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì “ CSVN chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi với ‘thú vui’ tàn sát ngay cả trong đồng loại chúng với nhau”. Cho nên, tác giả khẳng định, “ ‘Giáo dục cộng sản’ là đây, ‘Văn hóa cộng sản’ cũng là đây. Nổi bật. Đặc trưng và không hề lẫn lộn vào đâu được” giữa lúc, blogger Nguyễn Ngọc Già nhắc lại, “Nhiều người vẫn không quên nổi hình ảnh: Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Công Nhựt, Hoàng Văn Ngài, Huỳnh Tấn Du, Nguyễn Mậu Thuận... chết bi thảm không kém Ngô Thanh Kiều do bầy "nhện lưng đỏ" gây ra. Thế nên có ca dao "đời mới" tặng chúng:
Hột é ngâm với đười ươi
Ăn cho mát dạ giết người cho...vui”.
Chuyện 5 công an cố sát dân lành ấy khiến blogger Người Buôn Gió “lan man cảm nghĩ vụ công an ‘làm chết người’ ”, khi, Người Buôn Gió mô tả, “…năm tháng trôi, bỗng một ngày có ông thứ trưởng công an lên làm thủ tướng. Rồi từ đó nhiều ông thứ trưởng khác làm bí thư tỉnh ủy, làm ở Viện Kiểm Sát, Tòa Án hay làm thường trực ban bí thư. Ở cấp nhỏ hơn thì công an là bí thư quận, chủ tịch huyện, chủ tịch phường.
Nguyên nhân có thể là suy diễn, cho nên không dám kết luận tại vì nhiều công an giữ những chức như thế mà chiến sĩ công an phạm tội lãnh mức án khiến người dân ngỡ ngàng hay không?”. Nhưng, blogger Người Buôn Gió nhận thấy, công an VN bây giờ “bỗng nhiên làm lạc đạn” - lạc đạn nhiều lắm, nào là bắn chỉ thiên nhưng “đạn lạc” tòan cắm xuống nạn nhân; rồi người ta tìm vào đồn công an tự tử; nếu không thì cũng bị bệnh đột tử trong đồn; rồi nạn nhân tự lao vào dùi cui; rồi, vẫn theo Người Buôn Gió, “muôn vàn cái chết khi gặp công an mà lý do đều trời ơi, đất hỡi”. Người Buôn Gió xem chừng như không dằn được bực tức:
“Con người bất cứ là ai, làm gì phạm tội đều sợ bị trả giá. Trả giá về mặt luật pháp và nỗi lo sợ mơ hồ là trả giá bằng hậu vận, âm đức. Nhưng những người chiến sĩ công an ngày này chẳng lo về mặt luật pháp, cũng chẳng lo về mặt tâm linh. Vậy thì cái gì sẽ khiến họ phải đắn đo khi dùng bạo lực để đối xử với người dân? Chẳng có gì khiến họ phải lo sợ, kể cả thể xác lẫn tâm hồn. Bởi thế chúng ta thấy nụ cuời tươi tắn trong phiên tòa, lúc mà những đứa con thơ của nạn nhân vấn khăn tang cầm di ảnh bố cũng ở đó. Nụ cười của người chiến sĩ công an phạm tội giết người mà được tòa án và báo chí chuyển ngữ là "làm chết người" đó sẽ là nụ cười của câu trả lời.”
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. TQ kính chào tạm biệt quý vị.

No comments:

Post a Comment