(Dân trí) - Để giải tỏa nỗi “ẩn ức” này, có lẽ ông Quang nên nói rõ “nhạy cảm” là thế nào? Và “áp lực” thì áp lực từ đâu? Có ai, cơ quan nào, cấp nào tạo “áp lực” đối với ông không?...
(Minh họa: Ngọc Diệp)
“Bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng” là tên một bài báo của ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình việt Nam trên báo Tuổi trẻ ngày 6/4.
Còn trên Dân trí, TS Nguyễn Minh Hòa hiện là Trưởng khoa Đô thị học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng đây là “Một nhát chém vào mặt nhân dân” khi cả hai ông nói về vụ xét xử vụ 5 công an đánh chết người ở Phú Yên.
Thế nhưng càng “bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng” hơn khi trả lời trên Người Lao động ngày 4/4 bài “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”, ông Lương Quang, chánh án Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa nói: " Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?)".
Ơ hay! Luật pháp mà ông nói khơi khơi như trò đùa. Sao ở đây lại đặt vấn đề dư luận quan tâm hay không quan tâm? Chả lẽ dư luận quan tâm thì xử nghiêm, xử nặng và ngược lại, không quan tâm thì xử không nghiêm, xử nhẹ?
Rồi luật pháp là cái thước, là cái cân, sao lại chọn “giải pháp an toàn” với giải pháp kém an toàn? Và “an toàn” cho ai? Cho bị cáo, cho nạn nhân hay cho… ông chủ tọa? Sao công đường lại là nơi xét xử để “đảm bảo mối quan hệ cho tốt” nên “có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút…”
Không dừng ở đó, ông Quang còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm bằng những từ “Ôm rơm nặng bụng” và đá quả bóng lên trên như: “Cuối cùng suy nghĩ thôi, xét xử còn có phúc thẩm…”.
Xử án lại nghe ngóng dư luận, chọn “giải pháp an toàn” và “đảm bảo mối quan hệ” thì xin lỗi, ở đây luật pháp đã bị ném vào sọt rác!
Song bình tĩnh lại thấy ông Lương Quang đã rất thật thà và hình như có điều “ẩn ức” gì đó mà ông không nói ra, bởi ngay từ đầu bài trả lời phỏng vấn trên, ông Quang đã thổ lộ: “Vụ án này hết sức phức tạp, nhạy cảm... Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”.
Về sự phức tạp thì có lẽ vụ này không phức tạp lắm bởi nhân chứng, vật chứng còn đầy đủ. Nên còn lại ở đây là cái mà ông Quang gọi là “nhạy cảm” và “áp lực”.
Vậy “áp lực” này đến từ đâu? Chắc chắn không từ các vị lãnh đạo cấp cao bởi như lời TS Nguyễn Minh Hòa: “Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng Đảng, Chính phủ không hề muốn như thế; những vị lãnh đạo cao nhất của nước ta khi biết đến vụ án này cũng không muốn như thế. Tôi cũng có một niềm tin cộng sản là họ không đồng ý với bản án mất lòng dân như thế”.
Để giải tỏa nỗi “ẩn ức” này, có lẽ ông Quang nên nói rõ “nhạy cảm” là thế nào? Và “áp lực” thì áp lực từ đâu? Có ai, cơ quan nào, cấp nào tạo “áp lực” đối với ông không?...
Đó là cách tốt nhất và cũng là điều mà nhiều người cần biết, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
No comments:
Post a Comment