Monday, April 7, 2014

Học thuê, thi mướn: “Vì giảng viên dạy chán”(?)


 


Thứ hai, 07/04/2014, 09:55 (GMT+7)
“Không hẳn là do chúng em không thích học, mà một phần do giảng viên dạy chán nên chúng em không muốn đến lớp”. Đó là phản hồi của một sinh viên sau khi đọc loạt bài phóng sự điều tra về tình trạng học thuê, thi mướn.
Với những quy định trong giáo dục đại học như không được nghỉ quá 20% số giờ lên lớp, phải đủ bài kiểm tra,… nhiều sinh viên cần bằng cấp, muốn tốt nghiệp nhưng không có thời gian hoặc không thích đi học đã nghĩ ra "chiêu" thuê người đi học, đi thi. Có cầu ắt có cung. “Thị trường” học thuê, thi thuê đã sinh ra, thu hút hàng nghìn “lao động”. “Thị trường” này thường dành cho sinh viên đại học, hoặc những người mới ra trường, chưa có việc làm.
Sau quá trình thâm nhập thực tế, nhóm phóng viên đã thực hiện loạt bài phóng sự điều tra phản ánh chân thực tình trạng bát nháo học thuê, thi mướn tại nhiều trường đại học danh tiếng như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh doanh và Công nghệ,…
Học thuê, thi mướn: Nguy hiểm cho xã hội
Sau khi đăng tải loạt bài điều tra trên, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả thể hiện rõ sự bức xúc trước thực trạng giáo dục hiện nay.
GS.TS. Phạm Huy Dũng (Đại học Thăng Long, HN) cho rằng: “Nếu những người học hộ, thi hộ ấy được xã hội trọng dụng, đưa vào những vị trí quản lý thì tai hại không biết sẽ như thế nào”.
Độc giả Nguyễn Trung Thực tại địa chỉ Ka03…@gmail.com nói: "Không biết các nhà lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ gì sau khi đọc những bài viết này. Chúng tôi là người dân thấy thật xấu hổ, liệu những cử nhân, nhà giáo, sĩ quan tương lai trong các bài viết này sẽ làm gì khi tốt nghiệp nhưng không có kiến thức. Thật đáng lo ngại".
Còn độc giả Trịnh Thị Xem tại địa chỉ Xemduong…@gmail.com tỏ rõ sự phẫn nộ: "Chết một thế hệ trẻ Việt Nam. Nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai như thế này thì đất nước sẽ như thế nào? Một thực trạng đau lòng của thế hệ trẻ. Hèn chi, Việt Nam có tỷ lệ tiến sỹ, thạc sỹ trên dân số vào loại cao nhất thế giới mà bằng cấp lại không được đánh giá cao. Cần phải có biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên".
Ngay cả các thầy giáo, nhà giáo dục cũng sốc khi đọc loạt bài học thuê, thi mướn. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) “cảm thấy buồn” khi nghe đến chuyện học thuê thi mướn.
Ông nói: “Sinh viên không hứng thú học, ghi tên ở trường để làm việc khác, vẫn lấy bằng đại học. Sau khi ra trường, nhờ thân quen, chạy chọt để được bổ nhiệm chức này chức kia... thật nguy hiểm cho xã hội”.
 - 1
Nhóm “Học hộ thi hộ” trên Facebook có hơn 7.647 thành viên tham gia. Hằng ngày, việc giao dịch học thuê, thi thuê luôn diễn ra nhộn nhịp
Nhiều độc giả bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết thông tin các nhóm “thị trường lao động” học thuê, thi thuê diễn ra công khai, rầm rộ với hàng chục nghìn thành viên. "Không thể tưởng tượng lại có những thầy cô giáo và kỹ sư tương lai có thể làm những việc như thế. Không hiểu là khi trở thành các thầy cô giáo, đối mặt với các em học sinh thì họ có tự cảm thấy xấu hổ không nhỉ?", bạn đọc tên Thanh (Vthanh… @gmail.com) đặt câu hỏi.
Bạn đọc Hoàng Văn Điền (Dienhv@...gov.vn) chia sẻ: "Tôi chưa từng là sinh viên. Tôi luôn nghĩ rằng những người có bằng kỹ sư thì sẽ đủ trình độ để hoàn thành công việc đúng chuyên ngành của mình. Nhưng thực tế, ở đơn vị tôi có đến 95% là kỹ sư nhưng công việc họ làm chỉ đáng trình độ sơ cấp, vì nếu động chạm đến kỹ thuật cao hơn chút thì họ không làm được và phải thuê thợ bên ngoài vào làm".
“Một xã hội như vậy không biết là tại ai? Có phải tại người đi học không nhỉ? Hay tại thầy cô? Có lẽ không tại ai cả. Vì thầy cô và học trò suy cho cùng cũng chỉ là những phần tử trong một xã hội buông lỏng quản lý mà thôi!”, độc giả Quyenducviet (vietquyen…@yahoo.com) khẳng định.
Bạn đọc Nguyen Van Chi (Trungdoan…@yahoo.com) cũng cho rằng nguyên nhân sau xa dẫn đến tình trạng học thuê, thi mướn diễn ra tràn lan là do hệ thống quản lý giáo dục. Độc giả Chi cho hay, anh rất thất vọng về cách quản lý giáo dục. Theo anh, đó là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường không đạt chất lượng. Học là công việc của sinh viên nên sinh viên không thể viện cớ bận rộn để làm như vậy. Còn giảng viên cũng không thể lấy lý do quá đông, khó quản lý mà không nhận ra người lạ trong lớp. Do vậy, chỉ cần làm mạnh tay và thực sự đúng quy chế, không khó để xóa bỏ vấn nạn này. Các cấp lãnh đạo ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước thực trạng trên.
Nhiều độc giả thể hiện sự thất vọng vì một nền giáo dục đang đi xuống. “100 năm trồng người. Vậy mà nền giáo dục, từ bậc cao đến bậc thấp thật đáng buồn. Thật quá tồi tệ. Hô hào cải cách giáo dục bao nhiêu năm rồi mà càng ngày càng xuống dốc. Mong rằng các lãnh đạo của ngành giáo dục phải thâm nhập thực tế, tìm ra giải pháp để cứu lấy thế hệ tương lai của đất nước”, bạn đọc Nguyễn Khánh Toàn (Nguyenkhanhtoan…@yahoo.com.vn) bày tỏ.
 - 2
Nhiều sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuê người đi học
Chuyện “xưa như trái đất”
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, học thuê, thi mướn là chuyện “xưa như trái đất” hay “rất đúng quy luật”. “Cái này có từ lâu rồi các bác ạ. Từ 10 năm trước khi em học đại học đã có rồi, sinh viên ai mà không biết chứ”, bạn đọc Haclong (sontung…@gmail.com) tiết lộ.
Độc giả Nguyễn Quang Trung (qtrung…@gmail.com) phân tích: Trong sản xuất hàng hóa, nếu xã hội có nhu cầu dùng hàng giả, hàng kém chất lượng thì ắt có người làm hàng giả hàng kém chất lượng để đáp ứng. Ở xã hội ta có cả đống cán bộ dùng bằng giả, bằng thật chất lượng giả, và bằng thật, chất lượng thật thì nguy cơ thất nghiệp cao. Vậy, việc học hộ thi hộ là hiển nhiên đúng quy luật, chẳng lấy gì mà lạ.
Lý giải cho tình trạng học thuê, thi mướn, nhiều độc giả là giảng viên và sinh viên đã lên tiếng.
Độc giả tên Mai (Nguyenmai…@gmail.com) nói: "Thực ra không hẳn là do chúng em không thích học, mà một phần do giảng viên dạy chán nên chúng em không muốn đến lớp. Hoặc đôi khi có việc rất bận, nhưng thầy cô không linh động cho nghỉ nên chúng em đành phải 'tìm cách' thôi ạ".
Độc giả Nguyễn Công (Nguyencong…@gmail.com) cho rằng, việc đào tạo ở nước mình xa rời thực tiễn. Kể cả những sinh viên khi ra trường được làm đúng chuyên ngành thì những kiến thức chuyên ngành học được ở trường chẳng mấy khi được áp dụng vào thực tế. Đó là chưa kể đa số những người không được làm đúng chuyên ngành mình học thì sẽ ra sao. Đang ngồi trên giảng đường mà không biết tương lai thế nào. Ra trường không tiền, không quen biết, liệu có xin được việc không. Nghĩ mà chán, nên không còn động lực học hành nữa.
PGS Văn Như Cương cũng nhận xét, động lực học của sinh viên hiện nay không lớn. Sinh viên đi học nhưng không biết có tương lai sáng sủa không, có việc làm và làm đúng chuyên ngành học không?...
Một độc giả tại địa chỉ Keeltino@gmail.com bày cách khắc phục tình trạng học thuê, thi thuê: "Tôi có đứa cháu học tại Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, cháu nó nói, ở trường này dùng hình thức điểm danh bằng máy dập vân tay. Điểm danh lúc đầu giờ và cuối giờ học, hoặc giờ thi cũng phải xếp hàng dập vân tay điểm danh. Nghe xong tôi sốc, nhưng về sau tôi thấy cách làm này rất hiện đại và hiệu quả. Thứ nhất, tất cả sinh viên không thể trốn hoặc nghỉ học tự do được, vì nghỉ quá quy định thì sẽ không được thi hết môn. Sinh viên cũng không thể khiếu kiện được vì máy dập vân tay đã được nối với hệ thống phần mềm máy tính. Thứ hai tránh tình trạng học thuê, thi hộ... Đúng là áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý giáo dục thật hiệu quả, các trường nên xem xét cách làm này.
________________________
Sinh viên học ở bậc đại học để tích lũy kiến thức, quyết định tương lai của mình. Do vậy, phải “học thật” mới thành người có kiến thức, kỹ năng để sau này đi làm. Vậy tại sao họ lại có thể thuê người khác đi họ hộ mình?
Đón đọc kỳ tiếp theo: Học thuê, thi mướn: “Đi học chỉ cần bằng cấp” vào 10h00 ngày 8/4.
Huệ Anh (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment