Chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, với tôi khu chợ lạ lùng và hấp dẫn nhất có lẽ là chợ Lê Hồng Phong ở quận 10. Hà Nội không có chợ nào mang yếu tố “ngoại”, có riêng hẳn một vóc dáng, một nét văn hóa vô cùng khác lạ như chợ Lê Hồng Phong ở Sài Gòn.
1. Chợ Lê Hồng Phong là một ngôi chợ rất đặc biệt bởi sự giao thoa văn hóa miền Tây hòa quyện cùng ẩm thực Campuchia. Những món ăn tuyệt ngon ở đây pha trộn giữa nhiều nền văn hóa, bởi vậy nên rất độc đáo và hấp dẫn.
Con đường Lê Hồng Phong thuộc quận 10 từng là nơi đặt Xa cảng miền Đông trước 1975, sau đó đổi tên thành Bến xe khách Miền Đông. Dần dà con đường cũng trở thành nơi giao thương rất tấp nập. Lẽ dĩ nhiên, chợ Lê Hồng Phong nằm trên con đường này cũng trở thành trung tâm phân phối hàng hóa. Bây giờ Bến xe miền Đông đã chuyển đi chỗ khác nhưng các chuyến xe vận chuyển hàng hóa đến và đi vẫn còn rất tấp nập.
Khu vực chợ Lê Hồng Phong còn là nơi cư ngụ của nhiều Việt kiều ở Campuchia hồi hương về năm 1970, sau biến cố chính trị ở Nam Vang. Như một lẽ đương nhiên, người gốc Campuchia hay người Việt từng sinh sống ở nước này vẫn nhớ thương những món ăn đất nước chùa Tháp, nên đã hình thành khu chợ cho một bộ phận khá lớn cư dân sống ở đây hoặc một số tỉnh miền Tây.
2. Muốn vào chợ, tôi phải len qua một con hẻm khá chật chội nằm ở số 374 Lê Hồng Phong (phường 1, quận 10). Khu chợ trông khá cũ kỹ nhưng hàng hóa rất phong phú và bắt mắt, người mua kẻ bán tấp nập.
Ngay cổng chợ đã thơm nức món bánh khọt của người Khmer. Tuy nhiên tôi vẫn thích len lỏi sâu vào trong chợ để nhìn một cô bán bánh khọt tráng bánh bằng khuôn đất đẹp mắt, Bột gạo được rót vào chảo đất nung có những lỗ nhỏ, chỉ một loáng là có chiếc bánh khọt vàng ruộm, không có nhân, ăn với nước mắm pha loãng trộn nước cốt dừa mà không kèm rau sống, khác hẳn kiểu ăn của bánh khọt Việt.
Món ăn lạ lẫm hàng đầu phải kể đến món bún Num Bo Chóc (phiên âm của tên Num Banh Chok) ở quán bà Tư Xê. Mới đầu ăn món này, tôi thấy rất khó ăn vì được nêm từ mắm bò hóc của người Campuchia cùng rất nhiều ngải bún màu vàng. Thế nhưng chỉ ăn đến lần thứ hai đã thấy ghiền vì hương vị đặc trưng của món bún lạ lẫm nhất Sài thành. Đả ăn bún Num Bo Chóc là phải ăn chung với đậu đũa và bông điển mới là sành ăn.
Sau khi ăn bún xong có thể ăn một chén chè thốt nốt ngay tại quán này. Còn nếu bạn muốn có một bữa tiệc chè đã đời - thịnh soạn thì phải dịch chân đến quán chè Campuchia của cô Huôi ngay gần đó. Có đến mấy quán chè Campuchia ở ngôi chợ này và tôi thấy quán nào cũng ngon. Chợ Lê Hồng Phong xứng danh là một "vương quốc chè" lạ lẫm và thú vị, nào là chè đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván, chè bà ba, táo xọn, chè thưng, khoai môn, khoai lang, bột báng củ năng, bánh lọt bột nếp, bột năng, chè xôi nước bột nếp, xôi nước bột báng... Đứng đầu bảng về độ lạ là chè bí chưng (còn gọi là bí đỏ hấp sangkiar, hoặc "bí trứng sữa"), tiếp đến là chè hột me.
3. Những lần sau đi chợ, tôi tạt qua xe bún mắm Lệ và bị thuyết phục hoàn toàn bởi vị ngon của bún mắm nấu theo kiểu Châu Đốc - miền Tây, do nguyên liệu nấu món bún này toàn bộ phải đem từ vùng Châu Đốc - An Giang lên Sài Gòn. Tôi thích cho thật nhiều rau đắng, bông súng để cân bằng vị mặn của tô bún mắm nồng nàn mùi quê hương này.
Cũng thật ấn tượng với thúng xôi đẹp mắt đặt trên chiếc xe đạp của cô bán xôi. Không như nhiều quầy xôi khác, thúng xôi của cô được trang trí rất đẹp bằng lá chuối, bán những món xôi bắp, xôi lá cẩm... rực rỡ sắc màu.
Trước khi ra về, tôi còn mua đủ loại bánh Châu Đốc đặc trưng như bánh bò thốt nốt, bánh da lợn, bánh chuối nướng…., một bữa tiệc về hương vị và màu sắc đúng nghĩa.
Và chắc chắn, tôi sẽ còn quay lại khu chợ Lê Hồng Phòng nhiều lần nữa mới khám phá hết vô vàn những món ăn hấp dẫn ở đây. Phong phú mà cũng thật tinh tế, khu chợ như một nét duyên đằm thắm của ẩm thực Sài Gòn.
Giang Vũ (thực hiện)
No comments:
Post a Comment