Những đối tượng (người Việt) liên quan đến đường dây lừa đảo và tang vật thu giữ.
Báo Lao Động & Đời sống số 7 và 8/2014 đã đăng loạt bài “Những chiêu lừa đảo có một không hai”, trong đó có bài “Xưng công an, viện kiểm sát tống tiền người “yếu bóng vía” ở TPHCM”… Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, tổng cộng đã có 5 băng nhóm lừa đảo kiểu này sa lưới, bắt giữ 25 đối tượng, chúng đã thực hiện trót lọt nhiều “phi vụ”, chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng của người dân.
Bóc gỡ 5 đường dây tội phạm hù dọa
Thủ đoạn chung của các băng nhóm này là sử dụng công nghệ cao kết nối vào đường truyền điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam (công an, viện kiểm sát) gọi điện cho những người dân mà chúng đã “điều nghiên” rất kỹ, nhằm mục đích đe dọa với nội dung “ông, bà đang bị chúng tôi (công an, viện kiểm sát) điều tra vì có liên quan đến đường dây ma túy quốc tế, đường dây rửa tiền quốc tế...”.
Sau khi hù dọa nạn nhân, thậm chí để cho nạn nhân kiểm tra số máy điện thoại gọi vào chính xác là điện thoại của cơ quan chức năng, chúng yêu cầu họ phải chuyển tiền vào số tài khoản của “cơ quan điều tra” mà chúng đưa ra (đây là các số tài khoản do băng nhóm lừa đảo làm sẵn) để kiểm tra có liên quan đến tội phạm hay không, nếu không liên quan sẽ chuyển trả số tiền lại ngay. Những người “yếu bóng vía” tưởng đó là thật nên vội vàng chuyển một khoản tiền lớn cho bọn… lừa đảo.
Sau đó, để xác minh người bị hại có đi chuyển tiền theo yêu cầu hay không, đối tượng lừa đảo yêu cầu người bị hại đến các quán càphê nằm gần ngân hàng, hoặc yêu cầu đọc tên nhân viên thu ngân của ngân hàng để các tay chân, đồng bọn của chúng kiểm tra. Sau khi tiền được người bị hại chuyển vào tài khoản, chỉ khoảng 5 phút sau các tay chân trong đường dây đến ngay cây ATM rút hết tiền ra.
Chúng có nhiều cách chuyển tiền về Đài Loan, Trung Quốc, trong đó có thủ đoạn sang Campuchia đánh bạc tại các casino, chúng biến tiền lừa đảo thành tiền thắng bạc rồi đưa về Đài Loan, Trung Quốc hoặc tìm cách chuyển tiền về cho những “ông, bà trùm” ở nước ngoài…
Theo Công an TPHCM, sau khi nắm bắt toàn bộ hành tung của những kẻ cầm đầu cũng như những “chân rết” lừa đảo nằm trong nước, lực lượng trinh sát thuộc Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tổ chức “đón” một “bà trùm” từ nước ngoài về TPHCM. Khi vừa đặt chân xuống Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, đối tượng Li Hui Yu (tên Việt Nam là Lê Thị Hà, 35 tuổi, người gốc Việt, quốc tịch Đài Loan-Trung Quốc) là “trùm lừa” nằm trong một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia đã được “mời” về trụ sở công an làm việc. Với đầy đủ các bằng chứng quan trọng, Lê Thị Hà đã phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi gây án của mình cùng đồng bọn tại TPHCM trong thời gian gần đây.
Tính đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã triệt phá tổng cộng 5 đường dây hoạt động lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ viễn thông kết nối vào đường truyền điện thoại của các cơ quan pháp luật Việt Nam lừa tiền người dân. Ngay sau khi “trùm lừa” Lê Thị Hà bị bắt giữ, các bằng chứng lừa đảo càng được củng cố.
“Ông trùm” lừa đảo Chi (người Đài Loan, Trung Quốc) bị bắt giữ. |
Trùm lừa đảo Yu người Đài Loan. |
Trước khi “trùm” Hà sa lưới, Cơ quan CSĐT cũng đã lần lượt bắt giữ các “trùm” khác gồm: Chiu Yung Sheng (32 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc, tạm trú tại huyện Bình Chánh, TPHCM), Lâm Triệu Cường (50 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM), Trần Hữu Duy (25 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) và Lưu Bình (40 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM)…
5 đường dây với 25 đối tượng đã bị khởi tố điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Những đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này đã gây án với 33 người bị nạn, tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 10 tỉ đồng.
Tính đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã phong tỏa khoảng 150 tài khoản tại các ngân hàng mà 5 băng nhóm đường dây tội phạm này mở ra nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Theo điều tra, tại 150 tài khoản này hiện có số dư khoảng hơn 3 tỉ đồng mà bọn chúng chưa kịp chuyển tiền để tẩu tán.
Hãy cảnh giác với chiêu lừa tinh vi!
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi sang Đài Loan, Trung Quốc lấy chồng, Lê Thị Hà đổi tên là Li Hui Yu và tham gia đường dây giả danh các cơ quan pháp luật (công an, viện kiểm sát) do một số đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc tổ chức. Lê Thị Hà được đường dây tội phạm giao nhiệm vụ là tìm mua thẻ ghi nợ quốc tế sau đó cung cấp cho đồng bọn sử dụng làm phương tiện chuyển tiền lừa đảo. Lần này, Hà được cử về Việt Nam gặp những đối tượng trong nước để gom tiền đã lừa đảo được cũng như lấy thêm thẻ ghi nợ quốc tế mang sang Đài Loan, Trung Quốc, thì bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tóm gọn.
Đối tượng Lâm Triệu Cường được giao nhiệm vụ mua và cung cấp thẻ ghi nợ quốc tế cho Chiu Yung Sheng sử dụng để lừa đảo. Trong các nạn nhân, ông D.D.X bị lừa chuyển vào tài khoản của chúng hơn 203 triệu đồng và Chiu Yung Sheng thỏa thuận chia 20% số tiền chiếm đoạt được cho Cường. Tương tự, Trần Hữu Duy cung cấp thẻ ghi nợ của các ngân hàng do mình đứng tên cho Lưu Bình sử dụng để rút hơn 162 triệu đồng do nhóm đồng bọn người Đài Loan, Trung Quốc lừa đảo của bà P.N.T…
Đường dây bị bóc gỡ đầu tiên do Nguyễn Trần Hùng (27 tuổi, ngụ Đồng Nai, tạm trú quận Bình Tân) và Lương Vũ Hoàng (26 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) làm “chân rết” tại TPHCM, hoạt động gây dưới sự chỉ đạo của những đối tượng ở nước ngoài. Trong đường dây này, Hùng và Hoàng có vai trò dùng thẻ ghi nợ quốc tế đến các trụ thẻ ATM rút tiền do người bị hại chuyển tiền vào.
Gần đây nhất, bà N.T.N (ngụ quận 2, TPHCM) đã đến Cơ quan CSĐT Công an TPHCM trình báo về việc bà bị lừa đảo. Theo đó, bà N nhận được một cuộc điện thoại từ một người tự xưng là đại tá Trần Hùng Dũng đang công tác tại Công an TP.Hà Nội, thông báo rằng bà N có liên quan đến đường dây rửa tiền tại một ngân hàng và yêu cầu bà N chuyển tiền vào một tài khoản để giám định xem tiền của bà có phải là tiền phạm tội hay không.
Do bọn lừa đảo sử dụng công nghệ cao kết nối vào đường dây điện thoại của Công an TP.Hà Nội, nên khi bà N cẩn thận kiểm chứng lại số điện thoại vừa gọi vào máy của mình có phải là của công an hay không bằng cách liên hệ tổng đài 04.1080 (Hà Nội), thì nhân viên tổng đài xác nhận số điện thoại mà “đại tá Dũng” vừa gọi cho bà đúng là từ Công an TP.Hà Nội. Tin tưởng, bà N liền đi chuyển 280 triệu đồng vào tài khoản do người xưng là “đại tá Dũng” cung cấp. Khi thấy tiền không được trả lại, bà N mới biết mình bị lừa.
Tương tự, bà B.T.H (SN 1966, trú quận Tân Bình, TPHCM) đến Công an quận Tân Bình, TPHCM trình báo: Có người gọi điện đến nhà bà,tự xưng là cán bộ Viện KSND tỉnh Tây Ninh, đang điều tra về một đường dây buôn bán ma tuý quy mô lớn, mà quá trình điều tra xác định bà H là mắt xích có liên quan đến đường dây buôn bán này. Bà H càng phát hoảng khi một số thông tin mà đối tượng nói tới khá trùng hợp với tình hình gia đình bà.
Ngay sau đó, “cán bộ Viện KSND” yêu cầu bà H phải chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của chủ tài khoản mang tên Nguyễn Văn Đông để kiểm tra, nếu không thực hiện việc chuyển tiền đồng nghĩa với việc bà H có dấu hiệu “chống người thi hành công vụ”, tội càng nặng thêm. Quá lo sợ trước những lời lẽ đe dọa của “vị cán bộ Viện KSND”, bà H đã tức tốc chạy ra ngân hàngchuyển 400 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu...
No comments:
Post a Comment