Thứ Hai, 21/04/2014 15:24 (GMT+7)
Người chồng hay ghen nên cấm không cho vợ ăn mặc đẹp. Thành ra khi còn sống, HB’Luân không một ngày được mặc tấm áo mới cũng không dám ăn mặc gọn gàng. Nếu hôm nào có việc đi đâu mà sạch sẽ, tươm tất thì ngay hôm đó về sẽ bị chồng lôi ra đánh đập.
Lũ trẻ vừa khóc vừa nói với ông ngoại: “Mẹ con bị bố đánh nằm ở góc đường đằng kia. Mọi hôm bố đánh mẹ con chạy được, hôm nay bố đánh mẹ nằm im không nói gì, mẹ con chết rồi”. Ba đứa trẻ Y Win Êban (5 tuổi), Y Nin Êban (4 tuổi), H’wan Êban (3 tuổi) đã trở thành trẻ mồ côi bơ vơ khi người cha vào tù, còn người mẹ thì bị cha đánh chết.
Sáng mặc đẹp đi đám ma, tối bị chồng đánh chết
Người vợ bị chồng đánh mới qua đời là chị H’ B Luân (SN 1987, ngụ thôn Ea Bông, xã Cư Ebuôr, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Người chồng ghen tuông bạo lực là anh Y Del Enuôl (SN 1985, ngụ cùng địa chỉ).
Ông Y Juốt Ênuôl (SN 1950, ông ngoại của ba đứa trẻ) kể lại: Vào khoảng 19h ngày 6/4, sau khi tắm rửa và làm cơm cho ba đứa con ăn xong, con gái ông dắt bọn trẻ sang nhà ngồi xem vô tuyến.
“Nhà nó không có vô tuyến nên cứ đến chương trình phim truyện buổi tối là cả bốn mẹ con sang xem nhờ. Hôm nay thấy mặt nó buồn buồn, đứa em gái hỏi “sao trông chị hôm nay buồn thế”. H’Bluân bảo không chịu nổi chồng đang chửi mắng lè nhè ở nhà, giờ về sợ lại bị chồng đánh vì hôm đó có đám ma trong làng, nó ăn mặc gọn gàng hơn nên chồng lại lên cơn ghen”, ông Y Juốt nói.
Theo lời kể, trong lúc bốn mẹ con H’Bluân xem phim, người chồng hai lần chạy qua gọi vợ con “về canh cho tôi tắm, tắm một mình tôi sợ”. Nhưng người vợ vẫn cố ngồi nán xem hết tập phim, xong mới dắt díu ba đứa con cùng ra về.
Lúc đó khoảng hơn 20h, trời bắt đầu đổ mưa to. Cả nhà ông Y Juốt tắt vô tuyến lên giường chuẩn bị đi ngủ. “Khoảng ít phút sau khi bốn mẹ con nó về, tôi nghe tiếng khóc và tiếng gọi giật ngoài cửa “ông ơi, bà ơi, bố con đánh chết mẹ con rồi”.
Nghe cháu khóc là biết vợ chồng nó lại đánh nhau. Cả nhà lại lật đật chạy ra. Vừa mở cửa đã nhìn thấy hai đứa cháu, một thằng 5 tuổi và một thằng 4 tuổi, đầu tóc, quần áo ướt nhoẹt vừa khóc vừa chạy vào cầm tay ông kéo đi”.
Nhà ông cách nhà con gái 50m nên cả nhà cùng chạy sang. Đến nơi chỉ thấy con rể đứng trước sân, ông Y Juốt liền chạy lại bắt giữ hỏi vì sao lại tiếp tục đánh vợ. Y Del nói: “Con chỉ tát nó mấy cái, vì nó hỗn đánh lại con”.
Nhưng lũ trẻ lúc đó vừa khóc vừa nói: “Không phải đâu ông ơi, mẹ con bị bố đánh nằm ở góc đường đằng kia. Mọi hôm bố đánh mẹ con chạy được, hôm nay bố đánh mẹ nằm im không nói gì, mẹ con chết rồi”.
Người phụ nữ khốn khổ hai lần phải mổ tử thi
Trong đêm tối, đám trẻ dắt mọi người cùng ra chỗ người mẹ nằm, lấy đèn pin rọi vào thấy trên người H’BLuân bê bết bùn đất và máu, nằm sõng xoài ở một bên vệ đường ở phía trước sân nhà, không còn thở. Người nhà vội vàng đưa về nhà sơ cứu rồi rửa ráy cho H’Bluân, tưởng bị nhẹ như những lần trước.
Nhưng sau khi hô hấp nhân tạo mãi không thấy tỉnh lại cũng không thở nữa, cả nhà bèn chở xe máy đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Đến nơi, bác sỹ kết luận nạn nhân đã chết được hơn 20 phút.
Ngay khi đưa con gái về rửa ráy, ông Y Juốt đã gọi điện thông báo với chính quyền địa phương đến bắt giữ Y Del. Nhưng tại cơ quan điều tra, Y Del vẫn một mực khai là chỉ đấm đá.
Trong khi đứa con thứ hai là cháu Y Nin (4 tuổi) lại kể rành mạch: “Lúc mẹ địu em con và dắt chúng con về, vừa bước vào nhà thì bố cau có rồi bắt đầu lấy tay đánh vào mặt mẹ, sau bố lấy chân đá sau mông mẹ. Khi bị đánh, mẹ dắt theo cả hai anh em con cùng bỏ chạy, ra chỗ cây điều vừa mới chặt ở trước sân thì bố đuổi theo kịp.
Lúc này do mẹ đang địu em nên không chạy được xa. Khi bố chạy lại gần, mẹ nới lỏng chiếc khăn địu để em thoát ra, sau bố đạp chân vào người mẹ. Mẹ ngã dúi xuống thì bố cầm một khúc cây to đánh liên tiếp vào đầu và người, sau đó lấy chân đạp vào bụng mẹ”.
Ngay trong đêm, công an đã về khám nghiệm hiện trường và mổ tử thi cho H’Bluân. Kết luận ban đầu nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não, bị vỡ sọ não, nhiều vết máu tụ cả mới và cũ từ rất lâu, chứng tỏ nạn nhân thường xuyên bị chồng đánh đập, và bị vỡ xương quai xanh, khắp thân thể bị thâm tím bầm dập hết.
Đến ngày hôm sau, Y Del khai nhận thêm có đạp vào bụng thì cơ quan pháp y lại phải về mở nắp quan tài mổ lại tử thi, ở bụng không bị chấn thương nhiều, và cũng may H’Bluân không có thai.
Người chết không có nổi bộ quần áo lành lặn
Chị H’Chuyên Enuôl (SN 1986) là em họ của nạn nhân cho hay: Y Del là một kẻ vũ phu thường xuyên đánh đập vợ một cách vô cớ, lúc say cũng đánh, không say cũng đánh, hay nổi cơn ghen quái đản. Cũng chỉ vì thương các con nhỏ dại nên ngần ấy năm lấy chồng là ngần ấy năm chị H’Bluân phải nhịn nhục chịu cảnh bạo lực gia đình. Cách đây chừng một tháng, chị bị đánh sưng hết chân đi lại phải lê lết mất mấy tháng. Mỗi lần bị đánh đập, H’Bluân thường chạy sang nhà bố mẹ đẻ và nhà cô ruột để cầu cứu, nên bốn mẹ con mới bảo toàn được tính mạng.
Nhiều hôm mọi người vào nhà của H’Bluân thấy mùi hôi, hỏi “sao không dọn dẹp tắm rửa cho con cái đi”, chị này trả lời: “Dọn làm gì? Thấy sạch rồi chồng lại nghi ngờ có ai đến chơi lại đánh”.
Người nhà nạn nhân còn cho hay: Khi H’Bluân đến giúp trong đám tang, mọi người thấy chị hôm này đầu tóc quần áo có vẻ gọn gàng hơn các ngày bình thường, còn trêu: “Coi chừng tối nay về bị chồng nó đánh cho thì khổ”. Ai ngờ lại thành sự thật.
Ngày thường thấy H’Bluân ăn mặc rách rưới, chị em hàng xóm thương tình có quần áo đem cho đều bị chồng xé nát hết. Ngày chị chết, bà con hàng xóm tắm rửa và tìm quần áo để thay cho chị với quan niệm để chị ra đi cho tươm tất, nhưng ai cũng đau đớn, xót thương khi tìm mãi mà H’Bluân chẳng còn lấy một bộ quần áo nào lành lặn.
Hàng xóm kể: Khi còn sống, nạn nhân rất được mọi người quý mến vì thật thà, nhanh nhẹn. Bà con thương tình có công có việc hay gọi đi làm để lấy tiền nuôi con.
Cuộc sống vợ chồng cơ cực, đã nhiều lần H’Bluân định ra tòa để li dị “cho xong” nhưng người chồng lại bỏ đi kiếm tiền, rồi lại về năn nỉ ỉ ôi. Chị lại động lòng và nghĩ thương các con rồi lại thôi. Hàng ngày ai kêu gì chị lại làm nấy, người chồng cũng chỉ đi làm phụ hồ.
Căn nhà sàn cũ kỹ dột nát của bố mẹ H’Bluân giờ đây đang cưu mang tới ba thế hệ, tổng cộng là 14 người cùng sinh sống. Mẹ chết, bố đi tù, ba đứa trẻ phải sống nương nhờ vào ông bà ngoại cũng thường xuyên đau ốm lại thuộc diện hộ nghèo của xã. Người lớn còn biết nén nỗi đau mà sống, trẻ con phải chứng kiến cảnh bố đánh chết mẹ, làm sao nguôi được nỗi sợ hãi ám ảnh mà lớn lên như những đứa trẻ bình thường khác?
Theo Pháp luật Online
No comments:
Post a Comment