Monday, April 21, 2014

Lao động Trung Quốc tràn lan, tỉnh vội ra tối hậu thư



Published on April 21, 2014   ·   No Comments
trungquoc-tamsa10

Trà Vinh ra tối hậu thư cho những lao động nước ngoài chưa được cấp phép, từ ngày 15/5, sẽ không được vào công trình làm việc.
Đó là lời khẳng định của bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Trà Vinh.
Trước đó, Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh cùng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra và phát hiện có 920 lao động, hầu hết là người Trung Quốc, đang làm việc tại Trung tâm Điện lực duyên hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Thế nhưng trong đó chỉ có 517 lao động được cấp giấy phép lao động, đang xin cấp giấy phép 165 lao động, miễn cấp giấy phép tám lao động và 230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép.

Lao động Trung Quốc tràn khắp Bắc-Trung-Nam

Không chỉ có Trà Vinh, báo cáo của nhiều tỉnh thành khác cũng cho biết tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ Trà Vinh thể hiện quan điểm quyết liệt xử lý những trường hợp này.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận ngày 31/3, cho biết tại công trường Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) còn 528 lao động (LĐ) người Trung Quốc. Trong số đó chỉ có 283 lao động có giấy phép, còn lại là lao động “chui”.
Tại Thanh Hóa, nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế xi măng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang làm việc có thời hạn từ nay đến tháng 12/2014 tại Nhà máy xi măng Công Thanh.
Điều đáng nói là trong số 163 lao động này chỉ có 49 lao động có trình độ chuyên môn đại học trở lên; còn tới 114 lao động kỹ thuật mà hầu hết tại Việt Nam đều sẵn có nhưng nhà thầu Trung Quốc không tuyển dụng.
Khi dự án Formosa triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng nghìn lao động “chân tay” đi theo.
Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng được tỉnh Hà Tĩnh ủy quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong đó có1.560 người được cấp giấy phép lao động, chủ yếu là người Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê.

Trái luật và trái mục tiêu hút vốn FDI

GS – TSKH. Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định: “Không chỉ lao động Trung Quốc mà tất cả lao động khi vào FDI tại Việt Nam cũng đều trái luật. Vì FDI là thu hút lao động địa phương, chuyển giao công nghệ cao… chúng ta không dại đi tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài”.
Ông cho biết thêm, theo nguyên tắc, bất kể lao động nước ngoài nào khi vào Việt Nam cũng phải đăng ký, tuy nhiên vẫn xuất hiện những trường hợp lao động Trung Quốc đăng ký kỹ sư nhưng lại làm việc chân tay thì đó là trách nhiệm của Sở LĐ&TBXH các tỉnh. Quản lý quá lỏng lẻo, không có biện pháp kiểm tra, giám sát.
“Cũng phải khẳng định việc lao động Trung Quốc tồn tại như vậy là hoàn toàn trái ngược với mục đích chính sách thu hút FDI của Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại sự im lặng, làm ngơ, tiếp tay của cơ quan chức năng sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế Việt Nam…
“Để lao động Trung Quốc tràn lan mà không xử lý được thì phải xem xét lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan này. Có chuyện bao che, làm ngơ hay không?
Nếu chỉ cần nhìn vào mức độ nhập siêu của Việt Nam cũng có thể thấy mức độ kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc là rất nặng.
Nhưng điều tôi lo sợ nhất là sự im lặng, làm ngơ hoặc tiếp tay cho hiện tượng này. Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc”, bà Lan nói.
Trả lời báo chí PGS.TS Phạm Bích San – Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam – nói:
“Vấn đề “tràn ngập lao động Trung Quốc” hiện nay có bốn lý do. Thứ nhất, chế tài chưa đủ sức răn đe. Thứ hai là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bất cập, nếu không nói là có chỗ yếu kém.
Thứ ba, dư luận đặt câu hỏi về “lợi ích nhóm”, khi số lượng các công trình Trung Quốc trúng thầu quá lớn và việc họ trúng thầu chính là nguyên nhân gốc rễ của câu chuyện lao động Trung Quốc.
Thứ tư, quan trọng nhất là cách nhìn của một số cán bộ quản lý ở địa phương”.
Theo Đất Việt


No comments:

Post a Comment