|
Ông Định bị tuyên án 6 năm tù hồi tháng 8 năm 2012 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau khi viết bài kêu gọi đa đảng-dân chủ và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên do Trung Quốc trúng thầu.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực chất chỉ là công cụ của chế độ độc tài, chứ nhà nước này không phải là một nhà nước độc lập đúng nghĩa của nó theo đúng khoa học lập pháp của một nhà nước.
Ông Đinh Đăng Định.
Cuối năm ngoái, đại sứ Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu cùng phái bộ ngoại giao của 24 quốc gia khác tại Việt Nam đã gửi thư cho nhà cầm quyền Hà Nội yêu cầu phóng thích ông Định trên cơ sở nhân đạo để ông được về với gia đình trong những ngày cuối chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ tối ngày 17/2, nhà đấu tranh dân chủ Đinh Đăng Định khẳng định ông không có tội, nếu có chăng, là ‘có tội với chế độ độc tài, với chế độ cộng sản cực đoan’.
Ông Đinh Đăng Định: Từ hôm họ đưa lệnh này, họ đã rút hết toàn bộ từ camera đến quân lính của họ ra khỏi giường bệnh của tôi.
VOA: Hiện ông có chịu một sự quản chế, quản thúc như thế nào không?
Ông Đinh Đăng Định: Trong lệnh đó, họ yêu cầu mỗi tháng phải gọi điện báo về trại giam một lần và đến tháng thứ 11 phải đến cơ quan thi hành án ở tỉnh sở tại trưng cầu giám định bệnh.
VOA: Hiện giờ tình trạng sức khỏe của ông thế nào?
Ông Đinh Đăng Định: Tình trạng sức khỏe của tôi hiện nay rất tệ, ung thư di căn giai đoạn 4, không ăn uống gì được từ hơn 1 tháng nay rồi.
VOA: Ông có cảm nghĩ thế nào về quyết định tạm hoãn thi hành án cho ông?
Ông Đinh Đăng Định: Trại giam họ giải thích rằng đến lúc tôi đủ điều kiện tức phải ung thư giai đoạn 4 thì họ mới giải quyết cho tạm hoãn thi hành án. Lúc trước, khi tôi đang ở giai đoạn 3, đơn thư gia đình gửi đi rất nhiều cũng như rất nhiều nguồn dư luận trong và ngoài nước yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tôi, nhưng họ kiên quyết không thực hiện. Họ nói là chưa đúng luật. Với sức ép đấu tranh của dư luận, của các nước dân chủ như Mỹ, Đức, Pháp, EU từ các đại sứ quán của họ ở Hà Nội thì Việt Nam có phần nhân nhượng. Thế nhưng trong việc nhân nhượng họ lại cố tình chứng tỏ rằng pháp luật của họ có tính khoan hồng, nhân đạo.
VOA: Nói tới ‘khoan hồng’, xưa nay chính phủ Việt Nam vẫn ‘dành sự khoan hồng đối với những người có thái độ nhận tội, xin khoan hồng’. Ông có nghĩ rằng nếu ông đã ‘nhận tội’ hoặc ‘xin khoan hồng’ thì mọi việc sẽ khác đi không?
Qua buổi tiếp xúc với đài VOA, tôi muốn được gửi lời đến thế giới bên ngoài rằng thế giới cần phải biết một điều: nhân quyền ở Việt Nam mới chỉ là nhân quyền một nửa, chưa thể gọi là nhân quyền. Đặc biệt trong môi trường tù tội, không hề có nhân quyền.
Nhà giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định.
Ông Đinh Đăng Định: Tôi không nghĩ như thế. Thật ra trong tù tôi thấy rất nhiều người nhận tội, thậm chí nhận tội ngay trước tòa, nhưng việc thực hiện ‘khoan hồng’, giảm án đối với họ chỉ là 3 tháng một. Đối với những đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên, họ ở tù cả chục năm cũng bị những bệnh hiểm nghèo như tai biến mạch máu não tới mức bị liệt, bị câm, không thể đi được, nhưng họ vẫn phải chung án. Mỗi năm họ được giảm án chỉ 3 tháng hoặc 6 tháng là cùng thôi.
VOA: Trong thời gian bị giam giữ, ông được trại giam đối xử ra sao?
Ông Đinh Đăng Định: Trong trại, những cán bộ cai tù thật ra họ đối xử với tôi rất tốt. Tôi đã xác định với họ rằng: “Giữa tôi với các anh không có giới hạn gì về mặt con người. Các anh không phải là kẻ thù của tôi.” Tôi cũng nhắc họ phải có quan điểm rõ ràng rằng nếu như tôi có tội thì tôi có tội với đảng cộng sản Việt Nam, có tội với chế độ độc tài. Ngay từ phút đầu tôi có mặt ở trại giam, cán bộ quản giáo đối xử với tôi có thể gọi là tốt. Thế nhưng tốt trong phạm vi của họ thôi bởi vì chế độ của trại giam vô cùng khốc liệt. Sự chăm sóc về ăn uống, về sức khỏe vô cùng giới hạn. Thuốc men không có. Tôi phát hiện được bệnh của tôi rất sớm. Tôi yêu cầu được đi bệnh viện nhưng họ kiên quyết không cho đi. Họ bảo phải theo dõi theo một quy trình. Cho nên suốt từ tháng 3/2013 cho đến tháng 9/2013 họ mới cho tôi đi bệnh viện. Khi đi bệnh viện kiểm tra thì phát hiện tôi đã bị khối u và ung thư giai đoạn 3 mất rồi.
VOA: Ông nói với cán bộ trại giam rằng: ‘Nếu tôi có tội, tôi có tội với chế độ độc tài’ trong khi bản án nhà nước Việt Nam dành cho ông với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’…
Ông Đinh Đăng Định: Trong trại giam, tôi thường nói với anh em tù rằng: ‘Tội của chúng ta là tội với chế độ độc tài, với chế độ cộng sản cực đoan, chứ chúng ta không có tội với ai cả.’ Còn nhà nước CHXHCN Việt Nam thực chất chỉ là công cụ của chế độ độc tài đó thôi, chứ nhà nước này không phải là một nhà nước độc lập đúng nghĩa của nó theo đúng khoa học lập pháp của một nhà nước.
VOA: Lúc nãy ông có nhắc tới ‘chế độ của trại giam vô cùng khốc liệt’. Sự khắc nghiệt đó tới mức độ thế nào, ông có thể cho vài dẫn dụ?
Ông Đinh Đăng Định: Chúng tôi sống trong chế độ biệt giam. Khu tù chính trị chúng tôi bị cách biệt hẳn. Hằng ngày chúng tôi chỉ nhìn thấy cán bộ quản giáo thôi. Chính những người tù, chúng tôi cũng không được nhìn thấy nữa. Mỗi buồng giam có 2 người. Chế độ về thực phẩm, dinh dưỡng vô cùng thấp. Ngoài ra, về mặt văn hóa-tinh thần, trong trại giam chúng tôi không có sách báo hay TV gì mà đọc ngoài tờ Nhân Dân của đảng và kênh truyền hình giải trí VTV3 và một kênh địa phương thôi. Tôi yêu cầu họ cho tôi được đặt mua báo từ bưu điện để cho tất cả anh em tù nhân cùng đọc bằng tiền túi cá nhân của tôi, nhưng họ không giải quyết. Tôi cũng yêu cầu sách vở của tôi do gia đình gửi vào phải cho tôi đọc, thế nhưng họ cũng không giải quyết. Hay như có một số đồng bào dân tộc không thạo tiếng Việt, tôi yêu cầu trại cho họ được học tiếng Việt do đích thân tôi dạy, nhưng cho tới giờ phút này họ vẫn chưa giải quyết. Đấy là một vài ví dụ.
VOA: Từ trường hợp của bản thân, một tù nhân lương tâm được tạm hoãn thi hành án 1 năm vì lý do bệnh tình ngặt nghèo, giờ đây khi ra khỏi trại giam để điều trị sức khỏe, ông muốn thế giới biết gì về tình hình nhân quyền Việt Nam, về tình trạng tù nhân lương tâm tại Việt Nam?
Ông Đinh Đăng Định: Qua buổi tiếp xúc này với đài VOA, tôi muốn được gửi lời đến thế giới bên ngoài rằng thế giới cần phải biết một điều: nhân quyền ở Việt Nam mới chỉ là nhân quyền một nửa, chưa thể gọi là nhân quyền. Đặc biệt trong môi trường tù tội, không hề có nhân quyền. Việc thực hiện tra tấn, họ không tra tấn một cách lộ liễu, mà họ tra tấn bằng cách chẳng hạn như ốm đau không được trị bệnh, ăn uống thiếu thốn, đời sống văn hóa không có. Đấy cũng là các hình thức tra tấn. Dù Công ước Chống tra tấn họ vừa ký chưa ráo mực, nhưng trên thực tế nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện và không biết đến bao giờ sẽ được thực hiện. Có lẽ các cơ quan, phái bộ giám sát nhân quyền Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ cần phải được mở cửa vào các trại tù kể cả tù chính trị hay tù hình sự để xem xét sự thật này.
VOA: Ông nói: ‘Nhân quyền Việt Nam chỉ là nhân quyền một nửa’, điều này nên được hiểu thế nào?
Ông Đinh Đăng Định: Tức là họ chỉ thực hiện những cái gì mang tính hình thức về mặt nhân quyền. Chẳng hạn như ngoài mặt họ rêu rao là đã giảm được bao nhiêu hộ nghèo mỗi năm. Điều đấy chúng tôi thừa nhận và đó là sự thật. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức. Còn cái chiều sâu của nó, thực chất của nó còn ở trong bóng tối chưa được mở ra.
VOA: Xin chân thành cảm ơn nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
Trà Mi
Theo Đài VoA
No comments:
Post a Comment