Monday, February 17, 2014

Luật cư trú và chuyện công an gõ cửa nhà dân vào lúc đêm khuya

hông biết ở các nước Tư bản Chủ nghĩa có hay xảy ra tình trạng cảnh sát gõ cửa nhà người dân vào lúc đêm khuya chỉ để kiểm tra nhân khẩu hay không? Còn tại Việt Nam, chuyện này rất thường xảy ra, khoảng từ 23h cho đến 00h30, công an khu vực thường hay đi làm công việc này.

Công việc của họ là kiểm tra trong nhà đang bao gồm những ai, có đăng ký tạm vắng, tạm trú, chủ hộ có tiến hành đăng ký lưu trú cho người thân, bạn bè đã ở lại qua đêm tại nhà mình hay không...

Chuyện kiểm tra lần đầu tiên

Vì tính tôi ham vui, có chút nhậu nhẹt là tôi không muốn về sớm. Cũng chính vì thế mà sau khi chè chén xong thì trời đã khuya, người lại xay xỉn nên thường ngủ qua đêm tại nhà bạn.

Nhờ thế nên tôi có cơ may được trải nghiệm 2 lần cảnh công an gõ cửa nhà bạn tôi vào lúc đêm khuya để kiểm tra nhân khẩu.

Lần đầu tiên là lúc 23h30, khá đông công an mặc thường phục và sắc phục, cùng nhiều dân phòng đứng trước cổng gõ cửa gọi tên chủ nhà.

Nghe tiếng gõ cửa và gọi tên, bạn tôi ra hỏi có chuyện gì, thì một người trong số họ trả lời: "chúng tôi đến để kiểm tra nhân khẩu".

Bạn tôi hỏi lại: "các anh đến kiểm tra thì cần gì đi đông thế này? Các anh vào nhà tui đông thế này, tui không theo dõi được hết, lỡ nhà tui mất đồ thì sao?

Một công an trả lời: "chúng tôi là công an thì sao nhà anh mất đồ được".

Bạn tôi đáp: "Ai mà biết được các anh. Vì người đàng hoàng không ai đi gõ cửa nhà người khác vào giờ này. Nếu nhà các anh bị người ta gõ cửa làm phiền vào giờ này thì các anh thấy như thế nào?

Thế nhưng bạn tôi vẫn mở cổng cho họ vào nhưng cương quyết chỉ cho 2 người công an mặc đồng phục vào nhà, và yêu cầu tất cả những người còn lại phải đứng bên ngoài.

Khi 2 công an chen qua cánh cổng sắt vào nhà, một người ngồi tại phòng khách ghi biên bản, còn một người yêu cầu bạn tôi dẫn đi khắp nhà để kiểm tra. Cứ mỗi lần đi qua bất kỳ phòng nào, người công an này cũng đưa mắt vào từng phòng mà ngó vào, kể cả phòng ngủ của chị em phụ nữ, và họ cũng không quên thò đầu vào cái toilet xem có ai "trốn" trong đó không.

Sau khi đi khắp nhà kiểm tra xong, họ cùng nhau lập biên bản về việc có chấp hành việc đăng ký lưu trú hay không.

Không đợi công an hỏi về việc thông báo lưu trú của chúng tôi, chúng tôi đã chủ động nói "chúng tôi đến đây lúc 23h01', nên mai chúng tôi mới thông báo lưu trú". Chắc có lẽ, công an kiểm tra cũng biết cái lợi hại ở chỗ 01 phút đó, thế là họ không đá động gì tới chúng tôi nữa.

Trong lúc ngồi lập biên bản, bạn tôi hỏi: "sao giờ này các anh không ở nhà ngủ với vợ con mà lại đi làm những việc như thế này?"

Một công an viết biên bản trả lời: "chúng tôi cũng muốn thế nhưng vì nhiệm vụ nên phải làm thôi!"
Sau đó họ ra về mà không phát hiện được gì, và một phép lịch sự tối thiểu là "xin lỗi vì làm phiền chủ nhà" cũng không có.

Lần thứ hai

Khoảng 20 ngày sau, lúc 12h đêm, cũng với quân số như lần đầu tiên, họ tiếp tục gõ của thực hiện "nhiệm vụ" này một lần nữa ở nhà bạn tôi.

Không biết xui rủi hay sao mà hôm đó tôi cũng có mặt tại ngôi nhà đó. Tất nhiên, lần này bạn tôi không giấu được vẻ bực bội, văng tục mấy câu rồi phán: "dek mở cửa nữa!”.

Sau đó tắt đèn rồi bỏ lên lầu nhìn xuống mặc cho họ gõ cửa và gọi tên bạn tôi.

Qua 10 phút gõ cửa nhưng không thấy bạn tôi lên tiếng trả lời, họ không biết làm gì hơn là người đứng, người ngồi, người thì đi tới đi lui trước cửa nhà, đặc biệt người mặc thường phục tay cầm điện thoại nói chuyện liên tục như để "xin chỉ đạo", nhưng họ đều có điểm chung là cứ nhìn đăm đăm vào nhà.

Không thấy hồi đáp từ chủ nhà, chắc có lẽ những người này muốn gỡ gạc chút ít cho "nhiệm vụ" của mình, bằng cách gõ cửa ngôi nhà sát bên cạnh để kiểm tra.

Thế là nhà bên cạnh mở đèn lên, chúng tôi đứng ở trên nhìn xuống, cảm giác rằng công an khu vực kiểm tra nhân khẩu như đang cần chút ánh sáng cho nhiệm vụ của mình.

Đứng trên lầu nhìn xuống, bạn tôi bình luận: "Giả sử hai vợ chồng nhà kế bên đang giữa lúc cao trào chuẩn bị "lên đỉnh", mà tụi nó lại đập cửa, réo tên người ta lên thế này, Đ.M chịu sao nổi.

"M. vô Hội đồng Nhân quyền cái đ. gì? Quyền tự nhiên sung sướng nhất của con người là lúc nửa đêm vợ chồng người ta đang "chịch chịch" mà cũng muốn phá là sao?

Rồi sau này vợ chồng người ta đang nuôi con nhỏ, nửa đêm cũng phải phải mở cửa cho tụi nó thò đầu vô coi", bạn tôi lắc đầu nói. Chính vì thế nên bạn tôi quyết định: "Sẽ không bao giờ mở cửa nữa, cho vào một lần rồi ăn quen!"

Thế là sau khoảng 30 phút vật vờ trước cửa nhà, việc vào bạn tôi để nhà kiểm tra nhân khẩu trở thành một "nhiệm vụ bất khả thi" do sự quyết liệt của một "thanh niên cứng" như bạn tôi, nên công an đành kéo nhau ra về.

Và lần kiểm tra thứ ba

Cứ tưởng sau vụ kiểm tra bất thành này, họ thấy có chút gì hổ thẹn mà không làm cái “nhiệm vụ” này nữa. Nhưng không ngờ đúng một tuần sau, lực lượng kiểm tra lần này được tăng cường còn đông hơn hai lần trước, gần 20 người, bao gồm công an và dân phòng, và rất đông người mặc thường phục.

Rất tiếc là đêm đó tôi không có mặt, nhưng nghe bạn tôi nói lại rằng không biết có phải cay cú vì không hoàn thành "nhiệm vụ" lần trước, và rút ra được kinh nghiệm từ cái "01 phút" của chúng tôi như lần kiểm tra đầu tiên hay không, mà lần này công an khu vực lại "canh me" đúng 23h01' thì họ kéo đến.

Cũng sự quyết liệt như mọi lần, có 3 công an mặc sắc phục, có bảng tên đàng hoàng thì bạn tôi mới cho vào, và thêm một bà tổ trưởng tổ dân phố.

Cũng như mọi khi, bên công an yêu cầu dẫn đi kiểm tra xem trong nhà có bao nhiêu người và đề nghị những người trong nhà xuất trình CMND để lập biên bản. Lần này Công an bắt đầu lập biên bản bạn tôi vi phạm lưu trú vì không thông báo lưu trú cho một người sinh viên vừa vào nhà ở trọ vào lúc sáng.

Tuy nhiên, bạn tôi nhất quyết không ký biên bản mà ra khóa cửa lại để công an khu vực ngồi nghe chị em của anh ta "giảng" về luật pháp và cũng như cách hành xử của những người thực thi pháp luật.


“Luật vớ vẩn”

Như vậy, qua câu chuyện nhà của một người dân bị công an gõ cửa vào lúc đêm khuya đến 3 lần chỉ trong thời gian một tháng, nhưng không phát hiện được gì, cũng không xử phạt được, có cho thấy điều gì bất ổn từ luật pháp và những người thi hành luật pháp hay không?

Điều 31 Luật cư trú quy định về việc Lưu trú và thông báo lưu trú
1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.

2. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.

3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Thứ nhất, Điều luật này định nghĩa: Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình.

Vậy để làm rõ cụ thể cho quy định "ở lại trong một thời gian nhất định" là ở lại trong bao lâu thì cần tiến hành đăng lý lưu trú? Hiện nay không có quy định nào nói rằng “ở lại trong một thời gian nhất định” là như thế nào? Nếu đã không xác định được "ở lại trong một thời gian nhất định" là bao lâu (đến mấy giờ và đi mấy giờ), thì sẽ không có ai là đối tượng điều chỉnh của việc lưu trú.

Thứ hai, nếu chiếu theo khoản 3 của điều luật luật này, tức là lấy mốc thời gian trước và sau 23h để thực hiện công việc thông báo lưu trú, thì người kiểm tra lưu trú cũng sẽ chẳng phạt được ai.

Bởi lẽ, công an chỉ được phép tiến hành kiểm tra đăng ký lưu trú sau 23h, thì người bị kiểm tra cũng đều có thể trả lời như rằng "tôi đến đây vào lúc 23h01', nên tôi sẽ thông báo lưu trú vào ngày mai".

Không lẽ công an "núp lùm" ghi hình lại hình ảnh người đó vào nhà trước 23h để để lấy đó làm bằng chứng đợi tới sau 23h mà không thấy chủ nhà thực hiện việc thông báo lưu trú thì tiến hành kiểm tra để xử phạt?

Giả sử người kiểm tra có "canh me" gõ cửa thực thi nhiệm vụ vào lúc đúng 23h01' như lần thứ ba ở nhà bạn tôi, thì ai cũng có thể trả lời rằng: “tôi đang gọi điện để đăng ký lưu trú đây, nếu các anh đã đến thì bây giờ tôi đăng ký luôn.”

Qua đó cho thấy điều luật này vớ vẩn ở chỗ dù gọi là luật nhưng ai đã từng đọc qua nó thì đều có thể lách được. Cái điều luật này chỉ có thể dành phạt vạ cho những người dân ít có cơ hội tiếp xúc với luật, hay "giở trò" cúp máy khi người dân gọi điện đến thông báo lưu trú, để rồi sau đó kiểm tra và sách nhiễu, như trường hợp của bạn tôi.

Công an được phép gõ cửa kiểm tra trong trường hợp nào?

Theo khoản 1, điều 26 thông tư số 52/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25-6-2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24-5-2010, thì “hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự”. 

Cũng theo khoản 4, điều 26, Thông tư 52 thì “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý."

Những văn bản pháp luật này là cơ sở cho phép công an khu vực gõ cửa lúc nửa đêm bất kỳ nhà người dân nào.

Cũng qua một khu rừng luật quy định về việc cư trú này thì ta mới được biết việc gõ cửa nhà dân lúc nửa đêm là do yêu cầu... "phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh, trật tự."

Với lý do “phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh, trật tự”, công an khu vực có thể gõ cửa bất kỳ nhà người dân nào nếu họ muốn.

Không biết công an đã phát hiện và bắt được bao nhiêu tội phạm nhờ vào việc gõ cửa nhà người dân vào lúc đêm khuya như thế này? Nhưng qua 3 lần đến kiểm tra một ngôi nhà, ung dung đi vào rồi lại lủi thủi đi ra, cũng đủ cho chúng ta thấy hiệu quả của việc phát hiện và bắt tội phạm bằng phương pháp này.

Mà nếu có bắt được tội phạm trong trường hợp này cũng thật đáng ngại vì nó cho thấy sự yếu kém của của những người bảo vệ pháp luật. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc may rủi, giống như việc gõ cửa đại, hên thì biết đâu trúng một kẻ đang có lệnh truy nã, và thế là sẽ có thành tích, bất chấp việc gây phiền hà và sách nhiễu cho người dân.

Còn việc gìn giữ an ninh, trật tự thì không biết tới đâu, nhưng trước mắt dễ dàng nhận ra rằng với một "đội ngũ hùng hậu" công an, dân phòng vác gậy đi lon ton giữa đêm khuya, tiến hành kiểm tra một căn nhà trong một khu phố, dù các anh có đi chầm chậm, nhẹ nhàng như lê gót hồng, hay có phép lịch sự tối thiểu là tắt máy xe ở đằng xa đi chăng nữa, thì đám chó cũng sẽ đánh hơi ra và sủa lên, làm huyên náo một khu phố vào đêm khuya.

Ở các thành phố thì còn đỡ vì mỗi nhà thường có cửa kiếng cách âm và ít chó. Nhưng ở những vùng quê thì hầu như nhà nào cũng nuôi chó cả bầy, nửa đêm khuya mà chúng đua nhau sủa thì cho dù có hiền như Bụt cũng không tránh khỏi bật dậy, và phàn nàn: "Mấy con chó này! Sao giờ này mà sủa hoài, không để cho ai nghỉ nghơi!"

Từ chỗ thực thi nhiệm vụ gìn giữ an ninh, trật tự nhưng những người thực hiện nhiệm vụ này lại trở thành người gây mất an ninh, trật tự, làm ảnh hưởng đến sự bình yên nhân dân.

Về thẩm quyền kiểm tra cho việc cư trú nàychỉ cần là công an xã, phường thì đều có quyền thực hiện việc gõ cửa bất kỳ nhà người dân nào trên địa bàn mà mình đang quản lý để kiểm tra.

Người dân nào chỉ cần làm họ phật lòng thì đều có khả năng bị gõ cửa "định kỳ hoặc đột xuất" vào lúc nửa đêm.

Bởi vậy người dân sinh sống trên địa bàn thường hay sợ công an khu vực nên hay cung phụng cho họ để đổi lấy sự yên lành là vậy.

Qua đó có thể thấy, với những quy định này đã góp phần tạo điều kiện cho công an khu vực có được sự tùy tiện, lạm quyền để sách nhiễu người dân.

Luật vi hiến

Đứng về phương diện khoa học pháp lý, xem xét hành vi của công an khi vào nhà người dân để tiến hành kiểm tra nhân khẩu, thì có thể coi đây là một hình thức của việc "khám xét chỗ ở của công dân" được quy định tại điều 73 Hiến Pháp hiện hành.

Cả Hiến pháp hiện hành và Hiến pháp vừa mới thông qua đều quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.”

Thế nhưng, hành vi "vào chỗ ở của người khác" để tiến hành khám xét trong nhà dưới cái gọi là "kiểm tra nhân khẩu" thì không cần đến bất kỳ một lệnh nào của Tòa án, Viện Kiểm Sát, hay Thủ trưởng Cơ quan điều tra...

Để làm việc này, các công an cấp xã, phường chỉ cần đứng trước cổng nhà, đập cửa thật mạnh, gọi tên chủ nhà thật to, sau đó thì ung dung đi vào nhà, đi tới đi lui khám xét tất cả mọi ngỏ ngách trong nhà.

Vi hiến một cách lộ liễu như thế, sách nhiễu cho sự bình yên của người dân như vậy, mà giờ này Luật cư trú và một rừng văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này vẫn còn tồn tại!?

Vi phạm nhân quyền

Qua sự việc này chúng ta thấy mỗi lần công an thực thi "nhiệm vụ" đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Thứ nhất, xâm phạm đến quyền được nghỉ ngơi.

Điều 24, Tuyên Ngôn Phổ Quát Nhân Quyền 1948 viết: Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi...

Việc công an gõ cửa nhà dân vào đêm khuya chỉ để kiểm tra mỗi nhà có chấp hành đúng quy định của luật Cư trú hay không, đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, giấc ngủ của không chỉ riêng những người trong nhà bị kiểm tra, mà ảnh ảnh chung đến những người hàng xóm xung quanh. Nó đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nghỉ ngơi chính đáng của người dân.

Không biết có phải vì “khác biệt nhân quyền” hay không, mà hiện nay Hiến Pháp hiện hành và Hiến Pháp 2013 vừa mới thông qua vẫn chưa ghi nhận "quyền nghỉ ngơi" theo Tuyên ngôn Nhân quyền, mà chi có cụm từ "chế độ nghỉ ngơi" dành cho người lao động.

Thứ hai, hạn chế "quyền được mưu cầu hạnh phúc"

Nói như cách của bạn tôi, vào giờ thực thi “nhiệm vụ” kiểm tra này, cũng là giờ mà nhiều người đang… "chuẩn bị lên đỉnh”.

Vấn đề sinh hoạt tình dục hơi tế nhị vì thế pháp luật cũng không mô tả cụ thể quyền này, nhưng chúng ta có thể hiểu sinh hoạt tình dục của vợ chồng trong mỗi gia đình là một phần của quyền "mưu cầu hạnh phúc"

Tuy chưa có thống kê nào nói chuyện chăn gối của các cặp vợ chồng có thường diễn ra trong khoảng thời gian công an khu vực "thực hiện nhiệm vụ" này hay không. Nhưng nếu nhìn vào thời gian sinh hoạt trong mỗi gia đình, thì có thể nói rằng, lúc khoảng nửa đêm từ 23h đến 00h là thời gian thường để dùng cho việc ân ái vợ chồng.

Khi vợ chồng đang “lâm trận”, mà chẳng may bị công an đứng bên ngoài đập cửa, gọi tên, thì cũng ngậm ngùi... "cụt hứng", đành "gác kiếm, hoãn binh", vùng dậy như con lật đật, xỏ vội bộ quần áo để "tiếp" các anh đang làm "nhiệm vụ".

Thứ ba, vi phạm quyền tự do cá nhân

Trong gia đình, cha mẹ không nhất thiết đòi hỏi con cái khi đã trưởng thành phải thông báo cho cha mẹ biết khi mình lưu trú qua đêm ở đâu. Nhưng đối với chính quyền, thì chính quyền luôn muốn biết một người từ 14 tuổi trở lên cho đến lúc hết một đời, khi qua đêm lưu trú ở đâu thì phải thông báo cho chính quyền sở tại biết, nếu không thông báo cho chính quyền biết là đã vi phạm pháp luật.

Sự “quan tâm” này của chính quyền đối với công dân còn hơn cha mẹ đối với một người con, ngẫm có đáng buồn cười không???

Cũng chẳng thể hình dung nổi, một người đến nhà bạn chơi, nhậu xỉn không về được, nên ở lại qua đêm mà không thông báo cho chính quyền sở tại biết, nửa đêm bị công anh đến dựng dậy kiểm tra, thế là bị phạt 1.500.000 đồng.

Bởi vậy pháp luật Việt Nam bị chỉ trích là chỉ nhằm hạn chế quyền tự do của của công dân là vậy.
Tóm lại, các quy định pháp luật cư trú là bất khả thi trên thực tế, nó cũng chẳng giúp ích gì cho việc quản lý xã hội, mà trái lại đã tạo điều kiện cho phép sự tùy tiện của những người thi hành pháp luật, dẫn đến việc sách nhiễu người dân. Nó là một luật vi hiến, xâm phạm đến tự do và quyền con người nghiêm trọng.

Phạm Vương Lê Các
Theo blog Cùi Các

No comments:

Post a Comment