Friday, December 27, 2013

VIDEO : Dân đòi trả ruộng vì... không có đường vận chuyển nông sản



Thứ bảy, 2013-12-28 02:25:12 - Nguồn: DanTri.com.vn
Khi cầu cũ bị phá, cầu mới chưa có, người dân xã Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) không có đường để vận chuyển vật tư sản xuất. Kiến nghị xây cầu tạm không được giải quyết, nông dân ở đây đòi trả ruộng cho chính quyền.
Cầu cũ bị phá bỏ, cầu mới đang xây dựng, người dân đành phải qua sông bằng bè mảng
Cầu cũ bị phá bỏ, cầu mới đang xây dựng, người dân đành phải qua sông bằng bè mảng

Dân bức xúc vì mất đường
Đầu tháng 12/2013, sau 40 năm tồn tại, cầu Phù Đồng bắc qua sông Đào (xóm 3, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An) đã được phá dỡ để xây dựng cầu mới. Cầu mới có tổng kinh phí 13,6 tỷ đồng do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư. Theo dự tính, cây cầu sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng trong vòng 6 tháng. Điều đáng bàn là khi đập phá cầu cũ, xây dựng cầu mới, các đơn vị liên quan đã “quên” bắc một chiếc cầu tạm qua sông. Không có đường đi, hàng trăm hộ dân nơi đây khốn đốn.
Cầu Phù Đồng nằm trên trục đường giao thông chính nối 4 xóm 9, 10, 11, 12 với trung tâm xã. Mất đường, người dân và các em học sinh 4 xóm bên kia sông phải đi đường vòng rất xa để đến trường hay vào trung tâm xã. Vào mùa mưa, đường đi của hàng nghìn người dân này lại càng khó khăn hơn bởi họ phải băng qua đường đất giữa đồng. Mặt khác, đây là con đường “độc đạo” ra đồng sản xuất của hơn 130 hộ dân thuộc xóm 3. Mặc dù ở bên này sông nhưng phần lớn đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân này lại nằm ở phía bên kia sông. Muốn sản xuất, cày bừa, chăm bón, dân đều phải đi qua cầu. Bởi vậy, khi phá cầu cũ, người dân chỉ còn cách đi vòng qua đường cầu Cay, xa hơn 4km.
Hoàn toàn không có phương tiện bảo hộ cho người dân khi qua sông
Hoàn toàn không có phương tiện bảo hộ cho người dân khi qua sông
“Sáng dắt con trâu ra đồng cày, nếu đi vòng qua cầu Cay phải đến trưa mới tới nơi. Trong khi đó, nếu đi đường cầu Phù Đồng thì chỉ mất có mấy chục phút. Không bắc cầu tạm, mùa gieo cấy Đông Xuân đã cận kè, dân lấy đâu ra đường mà vận chuyển phân gio, giống má ra đồng. Chúng tôi kiến nghị lên xã, lên huyện mà họ bảo không có tiền bắc cầu tạm. Không có đường để sản xuất, chúng tôi chỉ có nước trả ruộng cho xã…” - ông Nguyễn Văn Hai bức xúc.
Không có đường qua sông, ông Nguyễn Hữu Phó - một hộ dân xóm 3 đã đầu tư 5 triệu đồng để mở đường xuống bến và làm một chiếc bè nứa treo cáp để qua sông. Mỗi hộ dân trong xóm 3 nếu qua sông sẽ phải đóng 70.000 đồng/tháng. Người dân xóm khác không đi theo tháng sẽ phải trả tiền theo chuyến với mức 2.000 đồng/người, 1.000/xe đạp và 3.000 đồng/xe máy. Bỗng nhiên phải “gánh” thêm một khoản tiền, người dân địa phương hết sức bức xúc. Trước tình hình đó, chính quyền xã Nam Xuân đã hứa sẽ hỗ trợ cho xóm 3 mỗi hộ 40.000 dồng tiền sang sông. Còn người dân đi trả tiền theo chuyến thì không được hỗ trợ gì cả.
Bè mảng được ghép bằng những cây nứa nhỏ, neo bằng sợi dây thừng vào sợi dây thép néo từ bụi tre bên này sông sang bụi tre bên kia sông. Chủ bè cũng đã làm một chiếc “lan can” cao chừng 40cm để bảo vệ người và xe. Ngoài ra trên bè không có bất cứ một dụng cụ bảo hộ nào.
Ông Phó cho biết: “Mùa này không phải là mùa nước lũ, nước không lớn nên chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Biết là để dân đi lại qua sông bằng bè mảng này là nguy hiểm nên hôm trước có cán bộ Sở Giao thông vận tải Nghệ An đến kiểm tra, tôi đã đề nghị xem xét trang bị áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân nhưng họ bảo chờ để xem xét”. Trong khi chưa được trang bị áo phao cứu hộ thì người dân ở đây vẫn đang phải “đánh đu” với Hà Bá mỗi khi qua sông.

"Cắt" cầu tạm vì không có kinh phí
Đưa những bức xúc của người dân trao đổi với ông Trần Hữu Dũng - Chủ tịch UBND xã Nam Xuân - ông Dũng cho biết: “Cái này phải hỏi huyện và tỉnh chứ xã không biết, xã không phải là chủ đầu tư. Trước đòi hỏi chính đáng của dân về việc xây dựng cầu tạm bắc qua sông Đào đoạn thi công cầu Phù Đổng, xã cũng đã có kiến nghị lên trên nhưng họ bảo không có kinh phí. Tỉnh chỉ cho kinh phí xây lắp, còn kinh phí khác phải xin huyện. Còn nếu dân đòi trả ruộng thì xã sẽ nhận, trả rồi thì sau này xong cầu làm xong đừng có đòi lại”.
Đường xuống bến sông dốc trượt khiến người đi đường nhiều phen khốn đốn
Đường xuống bến sông dốc trượt khiến người đi đường nhiều phen khốn đốn
Theo ông Trần Hữu Dũng, trước đây, trong thiết kế thi công cầu Phù Đồng mới cũng đã tính đến phương án làm cầu tạm cho dân đi qua. Tuy nhiên, khi lên đến tỉnh thì phương án làm cầu tạm đã bị cắt do không có kinh phí thực hiện. Hơn nữa, mặc dù gọi là cầu tạm nhưng ít nhất phải có 1 tỷ đồng mới có thể làm được, số tiền này nằm ngoài khả năng của xã. Bởi vậy, dẫu biết người dân đi lại vất vả, sản xuất khó khăn và có nguy cơ bị đình trệ nhưng xã cũng không biết làm cách nào khác.
Trong khi đó công trường xây dựng cầu Phù Đồng mới chỉ lèo tèo vài ba người
Trong khi đó công trường xây dựng cầu Phù Đồng mới chỉ lèo tèo vài ba người

Sáng ngày 25/12, có mặt tại công trường xây dựng cầu, chúng tôi chỉ thấy duy nhất một máy đào hố đổ mố cầu với 3 công nhân làm việc. Với tiến độ làm việc như thế này liệu có đảm bảo được thời gian thi công theo kế hoạch để người dân có đường đi lại và sản xuất?
 

Hoàng Lam

No comments:

Post a Comment