Dù còn lâu mới phải công bố kết quả kinh doanh 2013 nhưng nhiều DN đã lường trước khó khăn, không thể đạt được mục tiêu đề ra. Để tránh mang tiếng thất bại, nhiều DN đã biện đủ lý do, tìm cách đối phó để khỏi mang tiêng “không hoàn thành kế hoạch”.
Những diễn biến bất thường cuối năm 2013 đã cho thấy nhiều DN đã chấp nhận hạ mình khi không thể chống đỡ nổi khó khăn ngày càng nhiều.
Trái ngược với kế hoạch hoành tráng được đưa ra hồi tháng 4-5/2013, trong tháng cuối cùng của năm, nhiều DN đang tự điều chỉnh giảm hàng loạt các chỉ tiêu đề ra trước đó.
Vietinbank (CTG) hôm 23/12 công bố Nghị quyết về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2013. Theo đó, NH này điều chỉnh giảm 8 chỉ tiêu kinh doanh: tổng tài sản, tín dụng, huy động vốn, dư nợ cho vay và đầu tư, lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ chia cổ tức và hai chỉ số ROA, ROE.
Đáng lưu ý, lợi nhuận trước thuế 2013 được điều chỉnh giảm 1.100 tỷ đồng (-12,8%); cổ tức giảm từ 12% xuống 10%; tài sản thấp hơn 3,6%... Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ áp gần 97% có lẽ là bởi hầu hết các cổ đông đều hiểu được những khó khăn của nền kinh tế và hoạt động ngân hàng trong năm nay.
Mặc dù vậy, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào thời điểm áp chót của năm vẫn khiến nhiều NĐT bất ngờ và cho rằng hoạt động của CTG trong quý IV/2013 sẽ không có đột phá để có thể giúp NH này đảo ngược tình thế.
Hồi giữa tháng 12, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đã công bố nghị quyết HĐQT điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2013, trong đó có quyết định giảm kế hoạch lợi nhuận 23% với lý do là giá cao su sụt giảm.
Cao su Phước Hòa (PHR) cuối tháng 11 cũng gấp gáp xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 28% từ 378 tỷ đồng xuống còn 272 tỷ đồng thông qua một nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với tỷ lệ thông qua vừa đủ theo quy định (gần 77% so với quy định 75%) với lý do tương tự.
Hàng loạt các DN khác gần đây cũng điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận vào phút chót của năm như: Mía đường Lam Sơn LSS (giảm 33% kế hoạch lợi nhuận); HU3 xin giảm 23% kế hoạch lợi nhuận… PDR giảm 12 lần kế hoạch lợi nhuận;còn VCF xin giảm lợi nhuận sau thuế từ 475 tỷ đồng xuống 255 tỷ đồng; Khoáng sản Fecon FCM xin giảm 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2013 từ 96 tỷ xuống 28 tỷ đồng, cổ tức từ 20% xuống 5%…
Thậm chí, có những DN điều chỉnh gây sốc dự báo từ lãi chuyển sang lỗ trong năm 2013 như CTV, VIS. ..
Rất nhiều trường hợp khác, giới đầu tư đang chờ xem những phản ứng của DN như thế nào bởi kết quả 9 tháng quá yếu kém so với kế hoạch năm như: Pomina POM (kế hoạch lãi sau thuế 200 tỷ đồng, nhưng 9 tháng lỗ 240 tỷ đồng); HT1 (kế hoạch lãi 1 tỷ nhưng 9 tháng đã lỗ hơn 70 tỷ đồng); ALP (kế hoạch lãi 100 tỷ nhưng 9 tháng đã lỗ hơn 150 tỷ đồng); VSP (kế hoạch lãi 1.800 tỷ cho dù 4 năm trước đó thua lỗ mỗi năm từ 360-2.000 tỷ đồng); GTT (kế hoạch lãi 66 tỷ nhưng 9 tháng mới lãi 1 tỷ)…
Tìm lý do đối phó cổ đông?
Ngay sau những điều chỉnh vào phút chót của năm, các DN và CTCK lại đang tung ra những thông tin khá tích cực nếu so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Cao su Phước Hòa (PHR) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 11 và 11 tháng cho thấy DN này đã đạt hơn 340 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt gần 97% kế hoạch điều chỉnh cả năm. Theo dự báo của CTCK Bảo Việt (BVSC), trong năm 2013, PHR có thể đạt lợi nhuận sau thuế 284 tỷ đồng, vượt 4,4% so với kế hoạch (điều chỉnh).
Trong trường hợp TNC hay AAA, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh được đưa ra khá sớm, vào cuối quý II hay đầu quý III. Động thái này có thể được giới đầu tư chấp nhận bởi sự thay đổi của môi trường kinh doanh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp điều chỉnh muộn, vào phút chót khác, nhiều NĐT cảm thấy khá bất ngờ và hụt hẫng.
Không những thế, nhiều kế hoạch hoành tráng bị thất bại có thể ảnh hưởng tới túi tiền của giới đầu tư.
Trong trường hợp FCM lên sàn hồi giữa tháng 5/2013 với giá chào sàn 24.000 đồng/cổ phiếu nhưng hiện chỉ còn 11.000 đồng/cp. Lý do có thể là bởi quý III/2013 DN này lỗ 5,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng mới lãi hơn 16 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 96 tỷ đồng cho cả năm như bản cáo bạch chào sàn trước đó.
Quyết định xin điều chỉnh giảm 71% kế hoạch lợi nhuận đưa ra hồi cuối tháng 10 vừa qua có thể là một cú sốc đối với nhiều NĐT. Trường hợp VIS cũng khá sốc với cú thua lỗ đột biến 36 tỷ đồng trong quý III (lũy kế lỗ 10,3 tỷ đồng), so với kế hoạch lợi nhuận sau thế 40,4 tỷ đồng trong năm 2013.
Trước đó, trong năm 2012, hiện tượng các DN điều chỉnh sốc kế hoạch lợi nhuận trong phút chót cũng đã xảy ra như trường hợp: PTC (từ lãi 12,5 tỷ thành lỗ 23 tỷ), PHS (lãi 1 tỷ thành lỗ 95 tỷ), PDR (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận từ 50 tỷ đồng xuống chỉ còn 3 tỷ đồng), PVV (giảm 95% kế hoạch lợi nhuận từ 40 tỷ đồng xuống vỏn vẹn 2 tỷ đồng), TKC (lợi nhuận sau thuế giảm từ 12 tỷ xuống còn 1 tỷ), PV2 (giảm 94% kế hoạch lợi nhuận), DTL (giảm 93%)…
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế còn khá yếu, hoạt động kinh doanh của các DN gặp khó khăn và các kế hoạch cần điều chỉnh là điều bình thường. Tuy nhiên, những thay đổi vào phút chót và thay đổi quá lớn có thể gây sốc cho thị trường, làm ảnh hưởng tới túi tiền của các cổ đông. Với tình hình khó khăn còn kéo dài, có lẽ DN sẽ thận trọng hơn với kế hoạch 2014.
Theo Mạnh Hà
VEF
No comments:
Post a Comment