Friday, December 27, 2013

50 tỷ USD vẫn chưa đủ cho nền kinh tế ‘háu đói’ của Trung Quốc

Chưa đầy 24 tiếng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm gói QE, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã buộc phải bơm gần 50 tỷ USD vào hệ thống tài chính nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ thứ hai trong năm nay. Tuy nhiên, theo Financial Times, tình hình vẫn chưa chuyển hướng như mong muốn của nhà cầm quyền khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao so với tình hình chung của nền kinh tế thế giới (gần 8%), nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục lún sâu trong nợ nần (tăng từ 130% năm 2012 lên 200% so với GDP), buộc Chính phủ phải lựa chọn con đường cải cách với hy vọng “thuốc đắng dã tật” sẽ mang lại những biến đổi lớn cho nước này. Tuy nhiên, cải cách chưa triệt để khiến cho nhiều ngân hàng tại nền kinh tế thứ hai thế giới đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn vốn khi thời điểm cuối năm đang đến gần. Đây cũng là lúc họ cần thêm tiền mặt để đáp ứng các yêu cầu về số dư tiền gửi tối thiểu, hay chuẩn bị cho các hoạt động khác.
 
Cuối tuần trước, các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy hoang mang khi các chỉ số thanh khoản bước vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ tháng 6 khi thị trường Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng tín dụng lớn. Tại thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương đã bơm hơn 49,4 tỷ USD vào một số ngân hàng nhất định để tránh nguy cơ vỡ nợ, nhưng số tiền dường như chưa đủ. Chi phí lãi vay ngược chiều tăng mạnh sau khi giảm nhẹ vào đầu giờ sáng ngày 23/12, cho thấy nỗ lực bơm tiền không thể xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ đổ vỡ thanh khoản của hệ thống ngân hàng trước dịp nghỉ Tết. Lãi suất của các hợp đồng mua lại kỳ hạn 7 ngày - một chỉ số dùng để đo chi phí cho vay ngắn hạn liên ngân hàng - tăng lên 9,8%, từ mức 8,2% cuối tuần trước và là mốc cao nhất kể từ khi chạm 11,62% hôm 20/6. Song theo Zhou Wenyuan - chuyên gia phân tích của Guotai Junan Securities, ngân hàng trung ương sẽ không từ bỏ con đường này, và tiếp tục chỉ đạo bơm tiền vào nền kinh tế thông qua “hoạt động thanh khoản ngắn hạn” để ngăn chặn bất kỳ tổ chức tài chính nào rơi vào rắc rối.
 
Zhiwei Zhang – một nhà kinh tế học – nhận định: “Bản chất mong manh của hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng và đang đe dọa nền kinh tế”. Ông cũng cho rằng cho dù biện pháp khẩn cấp của ngân hàng Trung ương có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng xảy ra lần thứ 2 trong năm nay thì nhiều khả năng, nhiều ngân hàng vẫn không thể thực hiện các khoản thanh toán trong năm tới.
 
Việc ngân hàng trung ương phải can thiệp vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” thế này là một ví dụ cho thấy những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong giai đoạn chuyển sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn sau nhiều thập kỷ chứng kiến mức tăng trưởng thần tốc dựa vào hoạt động tín dụng giá rẻ và xuất khẩu. Một số nhà phân tích đã chỉ trích hành động của ngân hàng Trung ương là muộn màng, bởi nếu thực hiện sớm hơn, nó có thể đem lại những hiệu quả nhất định trong việc đối phó với tình trạng thiếu hụt tiền mặt vào thời điểm cuối năm.
 
Trong khi đó, một số khác cho rằng việc ngân hàng Trung ương chần chừ trong quyết định bơm tiền là cách để kiềm chế tình trạng cho vay quá mức. Bằng chính sách thắt chặt tiền tệ, từ đó đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng lên cao, Bắc Kinh đang buộc các ngân hàng phải giảm các khoản cho vay rủi ro và điều chỉnh đến một môi trường theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất cao cùng chính sách tiền tệ thắt chặt cũng là cơ hội cho hệ thống tín dụng đen mở rộng hoạt động cho vay không được kiểm soát đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
An Nhiên
Theo CNN Money

No comments:

Post a Comment