ĐĂNG BỞI  - 
Tất cả các đơn vị tại Zone 9 đều được UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp phép kinh doanh. Nhưng chỉ bằng một thông báo của UBND phường, toàn bộ khu vực này đã phải đóng cửa khiến gần 1.000 người thất nghiệp, 40 tỉ đồng đầu tư không có cơ hội thu hồi.
Mới đây, 60 hộ kinh doanh tại khu mặt bằng số 9 đường Trần Thánh Tông (Zone 9, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã buộc phải ngừng tất cả các hoạt động kinh doanh sau khi bị “cưỡng chế” bằng việc cắt điện, nước.
Zone 9 bị phường “ngắt ống thở”
Trước đó, ngày 21.12, UBND phường Bạch Đằng đã ra thông báo, yêu cầu các chủ cơ sở đang kinh doanh tại Zone 9 chấm dứt mọi hoạt động trước ngày 23.12. Thông báo này cũng yêu cầu các hộ di chuyển tài sản, vật dụng phục vụ kinh doanh ra khỏi khu vực trước ngày 31.12 “để quản lý theo đúng quy định”.
 Cơ quan chức năng cử người gác cổng sau khi đóng cửa Zone 9.
Đến ngày 23.12, toàn bộ Zone 9 đã bị cắt điện, cắt nước nên buộc phải ngừng kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã cử lực lượng xuống bảo vệ, gác cổng mặt bằng này. Chỉ bằng một thông báo của UBND phường Bạch Đằng, khoảng 1.000 lao động đang làm việc trong Zone 9 bị mất việc, các hộ kinh doanh bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (có văn phòng đặt tại Zone 9) thông báo chấm dứt hoạt động của UBND phường Bạch Đằng theo chỉ đạo của UBND quận Hai Bà Trưng có quá nhiều vấn đề.
Theo đó, các hộ kinh doanh tại khu này đều được UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội cấp phép. “Theo nguyên tắc, nếu muốn chấm dứt kinh doanh đối với các hộ tại đây thì phải do chính cơ quan cấp phép ra quyết định chứ UBND phường không có thẩm quyền”, luật sư Truyền khẳng định.
Cũng theo luật sư Truyền, nếu nói thông báo trên của UBND phường Bạch Đằng là để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì lý do an toàn cũng không hợp lý. 
“Nếu không an toàn về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm hay hạ tầng thì phải có cơ quan chuyên môn đi kiểm tra và ra quyết định. Hơn nữa, cơ quan phòng cháy chữa cháy cũng đã cấp giấy chứng nhận cho rất nhiều đơn vị kinh doanh ở đây, nếu nói không an toàn thì phải chỉ ra cụ thể là đơn vị nào chứ không thể quy chụp cho toàn khu được”, ông Truyền phân tích.
Luật sư Truyền cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ kinh doanh trong Zone 9 đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi UBND phường Bạch Đằng “cưỡng chế” đóng cửa bằng cách cắt điện, nước.
“Còn nếu nói các đơn vị kinh doanh tại Zone 9 sử dụng đất sai mục đích thì trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý mặt bằng, cơ quan cấp giấy phép cho các hộ kinh doanh ở đâu?”, luật sư Truyền đặt câu hỏi.
Công ty cho thuê mặt bằng “chạy làng”
Theo ông Đoàn Kỳ Thanh, chủ một hộ kinh doanh tại khu vực Zone 9, sau khi bị cắt điện, nước, gần 1.000 lao động tại khu vực này đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp. Toàn bộ khoản đầu tư khoảng 40 tỉ đồng của 60 hộ kinh doanh đầu tư vào khu vực Zone 9 có nguy cơ đổ sông, đổ biển.
 Gần 1.000 lao động tại Zone 9 thất nghiệp, 40 tỉ đồng của các hộ kinh doanh đầu tư vào khu vực này có thể mất trắng.
“Ngay khi bị cắt điện, chúng tôi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do thực phẩm không được bảo quản. Việc không có điện cũng khiến chúng tôi không thể tháo gỡ, di dời tài sản ra khỏi khu vực được. Chưa kể đã có tình trạng tài sản của chúng tôi bị trộm cắp”, ông Thanh nói.
"Việc các cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm sau đó lại cắt đứt đường làm ăn, gây thiệt hại lớn cho dân bằng những quyết định sai trái là không thể chấp nhận được"
Về mặt bằng, ông Thanh cho biết khu đất Zone 9 do Công ty CP Phát triển Bình An quản lý. Sau đó Công ty Bình An giao lại cho Công ty CP Phát triển Tiến Bộ để công ty này tiếp tục giao cho Công ty TNHH Tư vấn Bất động sản Thành Đạt khai thác sử dụng. Tất cả các hộ kinh doanh tại khu Zone 9 đều ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mặt bằng với Công ty Thành Đạt với thời hạn 3 năm.
“Trong văn bản báo cáo với UBND TP Hà Nội, Công ty Bình An cho rằng Công ty Thành Đạt chỉ được giao mặt bằng một năm nhưng họ đã ký với chúng tôi 3 năm là có dấu hiệu lừa đảo. Các hộ ở đây đều đã đặt cọc tiền mặt bằng cho Công ty Thành Đạt với tổng số tiền lên hàng tỉ đồng, nhưng công ty này chưa hề ngồi lại bàn bạc với chúng tôi trước và sau khi Zone 9 bị phường đóng cửa”, ông Thanh cho biết.
Trước đó, vào ngày 24.12, Công ty Thành Đạt gửi thông báo đến các hộ kinh doanh tại khu 9 với nội dung: “Chấp hành chủ trương của các cấp chính quyền trong việc phòng chống cháy nổ và an toàn trong dịp lễ Tết, Công ty Thành Đạt đề nghị các đơn vị kinh doanh tại khu vực số 9 Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tạm thời đóng cửa hoạt động. Rất mong các doanh nghiệp hợp tác”
Theo ông Thanh, Công ty Thành Đạt đã không tôn trọng cam kết theo hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho các hộ kinh doanh tại Zone 9. Thông báo của phía Thành Đạt cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm, bỏ mặc các hộ kinh doanh tại đây.
“Khi cấp phép kinh doanh, không có cơ quan có thẩm quyền nào nói rằng khu đất này đang bị sử dụng sai mục đích hoặc chỉ được sử dụng trong vòng một năm. Bây giờ, chúng tôi lại phải buộc ngừng kinh doanh chỉ bằng một thông báo của UBND phường. 
Vậy, trong suốt quá trình chúng tôi đăng ký và hoạt động kinh doanh ở đây, vai trò của cơ quản lý ở đâu? Sắp tới chúng tôi sẽ có kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ trách nhiệm. 
Việc các cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm sau đó lại cắt đứt đường làm ăn, gây thiệt hại lớn cho dân bằng những quyết định sai trái là không thể chấp nhận được”, ông Thanh bức xúc.
Thanh Lưu
(Ảnh: Cơ quan chức năng dán thông báo buộc Zone 9 ngừng hoạt động. Ảnh ANTĐ)