Friday, December 27, 2013

Đảo nợ không kịp khi nợ công tăng quá nhanh

Trong khi nợ công năm 2012 của Việt Nam theo các công bố chính thức vẫn xập xình trong mức an toàn (65% GDP) là 55,4% GDP, bao gồm 29,6% nợ công nước ngoài và 25,8% nợ công trong nước, thì theo những báo cáo tổng hợp đầy đủ hơn, con số này lại đang cheo leo ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh.
Theo TS Phạm Thế Anh - Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, nếu tính cả nợ DNNN không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, trong đó phải kể tới 30 DNNN đang ôm nợ gấp ba lần vốn chủ sở hữu, thì nợ công năm 2012 của Việt Nam phải lên tới 98,2% GDP. Con số này cao hơn hẳn so với mức nợ công năm 2012: 95% mà Ủy ban Kinh tế cảnh báo hồi tháng 5 năm nay, và tăng cao so với con số nợ công năm 2011: ít nhất 74% mà TS Vũ Quang Việt đưa ra với cùng cách tính. Việc đưa nợ của DNNN vào nợ công là cần thiết, bởi khi khối doanh nghiệp này không trả được nợ, rất có thể Nhà nước phải dùng ngân sách để trả thay, chẳng hạn như khoản vay 600 triệu USD của Vinashin hay khoản nợ của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị HUD thời gian qua. Hơn nữa, DNNN còn phải gánh nhiều chức năng nhà nước như phát triển ngành nghề theo định hướng, điều tiết thị trường theo ý định của Chính phủ,…, tức là nợ của khối doanh nghiệp này không còn đơn thuần là hệ quả của chiến lược kinh doanh đơn thuần nữa.
 
Một điều đáng lo ngại khác là cách thức trả nợ chủ yếu là bằng … đảo nợ. TS Vũ Đình Ánh cho biết tại buổi Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 - 2015 rằng: “Hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ”. Thực chất của việc vay mới trả cũ là đảo nợ, lấy ngắn nuôi dài, nhằm kéo dài khoản nợ ra vài chục năm mà không bị vỡ nợ. Còn trả nợ thực phải xuất phát từ nguồn thu nội lực bên trong. Trên thực tế, nguồn tiền này đang bị thất thu nghiêm trọng, thu ngân sách không đạt chỉ tiêu do nhiều doanh nghiệp báo lỗ hoặc đóng cửa sau nhiều năm kinh doanh èo uột.
 
Cũng theo nghiên cứu của TS Phạm Thế Anh, một số khoản trong cơ cấu nguồn thu này là không bền vững, do phụ thuộc vào chủ thể bên ngoài hoặc có nguy cơ cạn kiệt dần theo thời gian. Chẳng hạn như thu từ viện trợ không hoàn lại đã giảm từ 0,61% GDP giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 0,31% GDP giai đoạn 2011 - 9/2013, do thu nhập người dân tăng lên. Thu từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng có xu hướng giảm từ 2,35% GDP xuống 1,52% GDP. Nguồn thu từ việc bán dầu thô hiện đang chiếm một phần lớn trong thu ngân sách, song lại là một nguồn thu hữu hạn và phụ thuộc vào giá cả thế giới.
 
Nợ công nếu chỉ hiểu là nợ quốc gia thì chưa tới cữ, nhưng nếu hiểu trọn vẹn là bao gồm cả nợ DNNN thì quả là cam go, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ì ạch và trả nợ chủ yếu bằng đảo nợ. Điểm đáng lưu ý khác là tốc độ tăng nợ quá nhanh. Nợ công có thể trả dần thấm thoắt trong vài chục năm bằng đảo nợ và nguồn thu ngân sách bổ sung, nhưng nợ phát sinh và lãi của nợ mới cộng dồn nợ cũ mới là điều đáng lo ngại.
 
Nợ công của Việt Nam tuy chưa sánh bằng với Nhật Bản với khoản nợ hơn 200% GDP, song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ nợ hơn. Phần lớn nợ công của Nhật Bản (gần 95%) nằm trong tay các nhà đầu tư nội, dự trữ ngoại tệ của đất nước này rất mạnh (khoảng 1.046,873 tỷ USD theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật năm 2011), tỷ lệ tiết kiệm của người dân lớn và chỉ số hiệu quả vốn đầu tư ICOR cao (khoảng 3,0), thì Nhật hoàn toàn có thể từ từ giải quyết nợ công. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam lại hoàn toàn khác, nợ nước ngoài lớn hơn nợ công, dự trữ ngoại tệ, tiết kiệm của người dân và hiệu quả sử dụng vốn đều thấp. Nói như TS Vũ Đình Ánh thì: “Trong trường hợp không vay được nữa thì sao? Lúc đó chỉ không trả được 1 tỷ USD thôi thì cũng là vỡ nợ”.
 
Nhắc nhở Chính phủ về vấn đề nợ công, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương - còn đưa ra kịch bản xấu như: “Giả sử có cú sốc về lãi suất, tỷ giá, hoặc một doanh nghiệp lớn nào làm ăn be bét khiến định mức tín nhiệm giảm, các nhà tài trợ ngừng cho vay, thanh khoản hệ thống ngân hàng có vấn đề, không mua trái phiếu để trả nợ trong nước thì nợ công sẽ ra sao?”. Nghe có vẻ khó tin, vì kịch bản này quá bi đát, song xác suất xảy ra nó vẫn nhởn nhơ trong khoảng từ 0 tới 1.
 
Nhắc lại vấn đề nợ công của Nhật Bản, đất nước này đánh đổi nợ công cao để đạt được những hiệu quả về đầu tư công và khắc phục thiên tai, hạ lãi suất (có giai đoạn lãi suất bằng 0) và giảm thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 chỉ 5%) để kích thích tư nhân, chi an sinh xã hội và hưu trí cho lớp dân số già… Trong khi đó, ở Việt Nam, nợ công cao không đi kèm với hiệu quả cao. Lãi suất và thuế liên tục giữ ở mức cao để bù đắp bội chi, tư nhân điêu đứng còn DNNN dù nợ gấp 53 hay 20 lần vốn chủ sở hữu (Tổng công ty Lắp máy VN và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8) vẫn sống sót và tiếp tục “gặm nhấm” nợ công. Đặc biệt, khi bội chi NSNN được nới đến 5,3% GDP và trái phiếu chính phủ được phát hành thêm tới 170 nghìn tỷ đồng trong ba năm tới, nguy cơ nợ rủi ro trương phình càng trở nên hiện hữu. Dù nợ công có nằm ở mức nào, thì một khi khả năng trả nợ yếu, hoặc nguồn trả nợ không bền vững, thì ngưỡng an toàn có là 100% thì nguy hiểm vẫn bủa vây như thường. Như TS Trần Du Lịch chỉ ra: “Có những ý kiến cho rằng nợ công dưới 65% GDP là an toàn, nhưng sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn.”
 
Đồng An
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment