Wednesday, December 18, 2013

SR-71: máy bay quân sự USA không thể bắn hạ

(Kienthuc.net.vn) - Trong suốt 30 năm phục vụ, kể cả hoạt động trên chiến trường, không một chiếc trinh sát cơ siêu tốc SR-71 nào bị bắn hạ.
Cho đến khi dự án máy bay SR-72 với vận tốc tối đa Mach 6 được Lockheed Martin lần đầu tiết lộ vào tháng 11, chiếc trinh sát cơ SR-71 Blackbird (Quân đội Mỹ), với khả năng bay với tốc độ gấp hơn 3 lần vận tốc âm thanh, vẫn là máy bay quân sự nhanh nhất từng hoạt động. “Quá nhanh, khiến cho tên lửa phòng không bó tay, không thể bắn trúng”.
Khi chiếc máy bay trinh sát U-2 được thiết kế vào những năm 1950, nhà thiết kế Clarence "Kelly" Johnson đã nhận thấy nó rất dễ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không đối phương. Vì vậy, để phục vụ trinh sát đường không, đầu những năm 1960, chính quyền Mỹ quyết định phát triển dự án máy bay trinh sát bay nhanh hơn mọi máy bay khác, đó là cơ sở để chiếc SR-71 Blackbird ra đời (mẫu thử cất cánh lần đầu năm 1964).
Máy bay trinh sát tầng cao chiến lược SR-71.
Chiếc SR-71 Blackbird đã làm được những điều tưởng chừng không thể ở thời đó như bay nhanh gấp 3,2 lần tốc độ âm thanh ở độ cao 27.000m. Nói một cách hình tượng, SR-71 chụp ảnh từ độ cao gấp 3 lần chiều cao của đỉnh Everest, và các phi công phải mặc bộ quần áo kháng áp đầy đủ như các phi hành gia.
Trong suốt sự nghiệp hơn 3 thập kỷ của mình, kết thúc vào ngày 9/10/1999, không có chiếc SR-71 bị đối phương bắn hạ. Mặc dù, các lực lượng phòng không ở những nơi SR-71 xâm nhập đã rất cố gắng, nhưng không máy bay chiến đấu hay tên lửa phòng không nào có thể bắt kịp tốc độ của SR-71 để bắn hạ nó.
Tốc độ cao là một yếu tố quan trọng, nhưng chiếc SR-71 cũng khó phát hiện bởi radar. SR-71 là máy bay đầu tiên ứng dụng công nghệ tàng hình. Theo đó, một lớp sơn đặc biệt được sử dụng để sơn phủ cánh, đuôi và thân máy bay SR-71. Loại sơn này có chứa ferrite sắt, hấp thụ năng lượng sóng radar thay vì phản hồi trở lại.
Với diện tích phản xạ radar chỉ tương đương với một chiếc máy bay hạng nhẹ cỡ nhỏ, SR-71 rất khó bị phát hiện, bắn hạ. Thông thường, khi radar cảnh giới phát hiện ra SR-71 thì đã là quá muộn để bắn chặn. Blackbird cũng sử dụng các biện pháp gây nhiễu và đối phó điện tử với các khí tài phòng không đối phương.
Không chỉ các tên lửa phòng không bó tay trước SR-71 Blackbird, mà ngay cả các máy bay chiến đấu nhanh nhất của Liên Xô – MiG-25 cũng thiếu tốc độ cần thiết để ngăn chặn chiếc SR-71.
 Với tốc độ tối đa 3.530km/h, SR-71 khiến cho tiêm kích nhanh nhất Liên Xô MiG-25 "ngửi khói".
Phi công Liên Xô Viktor Belenko, người đã đào thoát sang Nhật Bản bằng một chiếc MiG-25 vào ngày 6/12/1976, khẳng định điều này trong cuốn sách của ông ta - Phi công MiG.
"Máy bay do thám Mỹ SR-71, đã rình mò ngoài khơi bờ biển, trong không phận của Liên Xô, chụp ảnh hàng trăm dặm địa hình trong nội địa", Belenko viết. "Họ (Mỹ) chế giễu và đùa giỡn với những chiếc MiG-25 được tung lên để đánh chặn. Chúng thường kéo cao đến độ cao mà các máy bay chiến đấu không thể đạt được, hoặc bay với tốc độ khó ai bì kịp”.
“Liên Xô đã có một kế hoạch để đánh chặn chiếc SR-71 bằng cách sử dụng một chiếc MiG-25 ở phía trước, và một ở phía dưới chiếc SR-71, và khi SR-71 băng qua họ sẽ phóng tên lửa. Nhưng do những hạn chế về máy tính, mà điều này không thể thực hiện được. Trước hết, SR-71 bay quá cao và quá nhanh, MiG-25 khó có thể theo kịp. Thứ hai, các tên lửa gần như là vô dụng ở độ cao trên 27.000m, và như bạn đã biết, SR-71 còn bay cao hơn thế. Nhưng ngay cả khi bắt kịp được nó, tên lửa Liên Xô cũng thiếu tốc độ cần thiết để truy đuổi SR-71, chúng dễ dàng bị bỏ xa”, Belenko viết trong cuốn sách.
Dù không bị bắn rơi, nhưng có tới 12 chiếc SR-71 rơi ro tai nạn.
Hơn nữa, tên lửa trên chiếc MiG-25 sẽ không phát huy tác dụng, vì “hầu hết các tên lửa không đối không được tối ưu hóa để cơ động trong không khí dày đặc ở độ cao dưới 9.000m”, cựu phi công SR-71 Blackbird Đại tá Richard Graham giải thích trong cuốn sách của mình: Toàn cảnh Lịch sử SR-71. “Khi tấn công chiếc SR-71 đang bay ở độ cao 22.000m, không khí là quá loãng nên khả năng vận động của tên lửa suy giảm rất nhiều”.
Tương lai, với tốc độ Mach-6, chiếc SR-72 sở hữu khả năng “tàng hình bằng tốc độ” - đó là khẩu hiệu mới của Lockheed Martin. Nhưng thực sự, không có gì mới về điều này. Tốc độ cao đã bảo vệ các máy bay do thám suốt 60 năm qua.
SR-71 là máy bay trinh sát chiến lược tầm cao, tốc độ cực nhanh được phát triển cho nhiệm vụ do thám không phận đối phương, phục vụ trong Không quân Mỹ. SR-71 dài 32,4m, sải cánh 16,94m, cao 5,64m, trọng lương cất cánh tối đa 78 tấn, tải trọng cảm biến trinh sát 1,6 tấn.
Máy bay được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Pratt & Whitney J58-1 cho tốc độ tối đa tới 3.530km/h (khoảng Mach 3,2+) ở độ cao 24.000m, trần bay tối đa 26-27.000m, tốc độ leo cao 60m/s, tầm bay xa đến 6.000km.
Lương Minh

No comments:

Post a Comment