Wednesday, December 18, 2013

'Hành xác' trẻ con và nỗi khổ mầm non

Điều 10 luật Giáo dục viết: “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng”. 

Thủ phạm các vụ "hành xác" trẻ em tại các nhà trẻ tư thục không chỉ là những người giữ trẻ ít học, mà còn là một chính sách chăm sóc trẻ em thiếu khoa học và nhân văn...
Những nhà trẻ “công bằng trong giáo dục” nằm ở đâu?
Nhưng nếu bạn từng đi đến các khu công nghiệp lớn ở Đồng Nai và Bình Dương thì câu chuyện không hề giống như vậy. Có những khu công nghiệp hàng chục nhà máy nằm san sát cạnh nhau, cách đó vài km là khu xóm trọ, mỗi cánh cửa vào có khi đến 30 gia đình nhỏ sống bên trong những căn phòng vài mét vuông. Họ là công nhân, di cư từ nông thôn lên thành phố, và trở thành người làm việc trong các công xưởng ở khu công nghiệp. Cuộc sống có thể chia thời gian như vầy, họ đến công ty từ 6 giờ 45 sáng, cắm đầu vào dây chuyền, máy móc, trở về nhà lúc 9 giờ tối - hoàn toàn tự nguyện - vì nếu từ chối tăng ca sáng thêm 1 tiếng, tối thêm 3 tiếng, họ sẽ khó lòng kiếm được 6 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có những nhà máy ở Bình Dương bây giờ, mức lương chỉ 3 triệu đồng đã là một món “trang sức” để các xưởng giăng băng rôn đầy tự hào quảng cáo tuyển người.
Nếu lập gia đình và có con, những gia đình nhỏ ấy xoay sở cách nào?
Có 3 kịch bản thường thấy sau:
Gia đình “có điều kiện”: Bà nội/ngoại thương cháu, sẵn sàng lên ở trong phòng trọ để chăm sóc bé, hoặc cha mẹ gửi con về quê cho ông bà nuôi, gửi tiền về phụ hằng tháng. Có những bà mẹ công nhân, trong câu chuyện của họ, cụm từ “nhớ con” được nhắc đi nhắc lại một cách rất tủi thân. Ai làm mẹ rồi sẽ hiểu con còn bé xíu trong lòng đã phải xa là chuyện buồn không thể tả.
Gia đình khó khăn: Vì sự khó khăn nào đó từ gia đình, không có ông bà phụ, vợ thường phải bỏ hẳn việc (mất thu nhập) để ở nhà săn sóc con. Giả sử ta lấy mức 6 triệu là thu nhập của từng người, từ chỗ kiếm được 12 triệu/tháng, giờ chỉ còn 6 triệu/tháng, người chồng sẽ phải dùng toàn bộ số tiền này để xoay sở cho dinh dưỡng của em bé và mẹ, cộng cả tiền “nghỉ mất sức” vì mẹ phải làm bảo mẫu. Nhưng ý nghĩ “liều mình bỏ việc” này chỉ có thể diễn ra với những cặp vợ chồng công nhân có thu nhập khá tốt và công việc chắc chắn ổn định (không sa thải, nợ lương, đình công...).
Gia đình rất khó khăn: Tệ hơn, đây là trường hợp ở công ty có xảy ra sa thải, nợ lương, đình công... hoặc thu nhập của cả 2 cha mẹ không đến mức 6 triệu/tháng như con số giả định ở điều kiện trên. Số gia đình lâm vào cảnh này nhiều vô số kể ở các khu công nghiệp hiện nay, vì nhiều nhà máy phá sản, giảm công suất, cắt giảm công nhân. Các cha mẹ này không hề có lựa chọn nào khác là phải kiếm ra một chỗ gửi con để có thể đi làm.
Chuyện dứt con ra đưa cho một nhà trẻ để đi làm ở đây, xin mọi người đừng kết án là một hành vi tham tiền mê kiếm ăn, bỏ lơ con cái, tới độ nó bị đánh cũng không biết. Trong tình cảnh như trên, không đi làm họ sẽ không có tiền để mua sữa cho con, không có tiền cho chính bữa ăn của họ và sẽ chẳng có tương lai nào diễn ra cả nếu cả mẹ và con đều đói bụng trong khốn cùng.
Tới đây thì câu hỏi “vậy các nhà trẻ ở đâu?” sẽ nở ra trước mắt như một cái ung nhọt từ năm này sang năm khác. Bạn hãy đi mà xem, có những khu công nghiệp hàng chục ngàn công nhân tập trung sống và làm việc cả 10 năm trời mà xung quanh đó... không hề có một cái trường mẫu giáo công lập nào được xây. Các nhóm trẻ ngay tại phòng trọ (theo kiểu dãy phòng trọ có ai rảnh ở nhà, giữ giùm con hàng xóm, mỗi tháng được trả công, lấy đó làm công việc luôn) hoặc các nhà trẻ tư thục nhỏ do các cô giáo mầm non lâu năm có tiền mở ra, đã là lối thoát duy nhất cho những gia đình nghèo này.
 
Không nhiều công nhân có được nơi giữ con tạm gọi là sạch sẽ như trong tấm hình này - Ảnh: Như Lịch
Không có hộ khẩu, có khi không có cả tạm trú tạm vắng, tất nhiên là cũng chẳng có tiền để mà “chạy tiền vào trường mầm non công lập” như chúng ta vẫn thấy các bố mẹ thành phố ùn ùn đổ xô đi mỗi năm, cha mẹ là công nhân không có lựa chọn nào khác cho con họ. Mà có muốn chạy trường thì ở khu chế xuất cũng chẳng có cái trường mầm non công lập nào gần cái quần thể phòng trọ tạm bợ lẫn với nhà xưởng để mà con nhỏ của họ được “bình đẳng về cơ hội học tập” như cái luật giáo dục ghi. Không có trường ở đấy thì lấy gì mà bình đẳng? Trường công lập nào cũng có đầy đủ những cha mẹ giàu có đến “chạy trường” đến xô đổ cả cổng trường thì lấy gì cha mẹ công nhân chen vào? Và học phí thấp hơn các trường mầm non công lập - chắc chắn hơn - chẳng bao giờ con cái công nhân có cơ hội được hưởng thụ.
Khi hình ảnh mấy cô bảo mẫu chà đạp, đánh đập những đứa bé tội nghiệp kia lên báo, vào một lúc, người ta phải thừa nhận rằng cha mẹ các em bé ấy không hề có lựa chọn nào khác cho con mình, không có trường công giá rẻ, không có trường tư thục giá rẻ, thì phải tới nhóm trẻ, giữ trẻ tại gia đình mà thôi.
Còn chuyện nhìn rộng ra hơn nữa thì hãy hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nào cũng giới thiệu chi mấy nghìn tỉ lo cho giáo dục mầm non, sao trường mầm non xây hoài vẫn thiếu, ngay giữa TP.HCM mà lớp mầm non cũng giữ gấp đôi số trẻ theo tiêu chuẩn? Làm giáo dục ấy là giáo dục kiểu gì?
Và những cô giáo mầm non là ai?
Chuyện này cũ lắm rồi, nó là câu hỏi kỳ lạ về nền giáo dục ở đây. Nền giáo dục của chúng ta có thể vẽ thành 1 hình tam giác thế này:
Học kém nhất: Đi học trung học sư phạm mầm non
Học kém hạng tiếp theo: Đi học sư phạm tiểu học
Học khá: Đi học cao đẳng sư phạm - dạy cấp 2
Học giỏi: Đi học đại học sư phạm - dạy cấp 3
Tất nhiên là ở đại học sư phạm cũng có cả sư phạm mầm non hoặc tiểu học. Nhưng trong thực tế, hầu hết những người làm trong ngành mầm non hoặc tiểu học đi học cao như vầy là để về làm lãnh đạo hoặc quản lý.
Tệ hơn nữa, lương và thu nhập thật của giáo viên mầm non cũng rất thấp. Nếu bạn tốt nghiệp đại học sư phạm ra dạy cấp 3, bạn có thể dạy thêm, nhất là ở các môn quan trọng như toán, lý, hóa... “Truyền kỳ” về các thầy dạy thêm cấp 3 thu nhập 40 triệu/tháng đã chẳng có gì xa lạ ở những ngôi trường lớn nữa. Chính vì thế nếu ai học tốt quá thì chẳng bao giờ nghĩ sẽ đi dạy mầm non (trừ khi quá yêu trẻ con), mà sẽ đi dạy cấp 3 rồi tha hồ dạy thêm cày tiền. Nhưng giáo viên mầm non thì không may mắn như vậy, họ khó lòng có thể dạy thêm, nếu có thì chỉ là mang đứa bé về nhà, trông thêm giờ buổi tối giúp những bố mẹ đi làm khuya, và tiền được thêm từ những việc này cũng chẳng bao nhiêu.
Thật là nghịch lý khi nền giáo dục cả nước đổ trăm tỉ nghìn tỉ vào các dự án thạc sĩ, tiến sĩ, dự án du học nhân tài, dự án tin học hóa... và tất cả những thứ đó là dồn vào cái cấp học cao nhất của ngành giáo dục - cấp học đại học.
Còn cái đế của chuỗi đào tạo con người là mầm non và tiểu học, lại bị đẩy ra như một đứa “con ghẻ” thừa thãi, lương thấp, tri thức thấp, tuyển chọn sơ sài bất kể (biểu hiện ở cái “sàng” kinh điển của Bộ Giáo dục là giỏi nhất học đại học, học kém thì học trung học). Người học thành nghề mầm non cũng chẳng được kính trọng hơn trong xã hội, thu nhập thấp kém, phần lớn bị đẩy vào tình trạng 1 tay 50 đứa trẻ, chẳng khác gì công nhân.
Từ đó nghề mầm non thành bệ rạc ra, ai muốn làm cũng được, có khi chủ cơ sở nuôi dạy trẻ chỉ cần kiếm đâu ra mấy chị em thất nghiệp gom lại là thành cái nhà giữ trẻ, dễ dãi, sơ hở, không có tiêu chuẩn. Cũng chẳng cơ quan nào thèm kiểm tra ngó ngàng tới, nhất là nhóm trẻ gia đình và các nhà trẻ nhỏ không giấy phép - mà biểu hiện rõ ràng nhất là cứ vụ nào trẻ bị bạo hành te tua xong thì địa phương mới lóng ngóng chạy lại dòm ngó xem nó vi phạm gì, bởi chắc chẳng bao giờ có quy trình kiểm tra trình độ các cô giáo mầm non định kỳ.
Một cái nghề quan trọng như thế trong chuỗi giáo dục con người lại bị đẩy vào xó kẹt của xã hội, vừa bị coi rẻ về danh phận, vừa rẻ tiền về mặt thu nhập, sự rẻ tiền của nhân cách và dễ dãi thu nhận những “nhân công” vào nghề là điều thật dễ hiểu.
Nếu số lượng trường mầm non thật đầy đủ, nếu cô giáo mầm non thu nhập cao ngất trời, nếu để được vào làm giáo viên mầm non phải học hành cực nhọc, khắt khe, khi ra làm tiền kiếm dễ dàng đủ sống, thì cái khe chọn lọc khắc nghiệt của xã hội chắc đã chẳng dành chỗ cho những người yếu về nghiệp vụ và xấu đạo đức vào nghề.
Nhưng chuyện này buồn lắm thay, vì người công nhân nghèo thì chẳng có quyền gì đòi hỏi một sự “giáo dục bình đẳng” cho con cái họ. Và cái nghề mầm non bị thả lỏng xuống cấp kia, cũng chẳng có quyền gì để đòi có được những cô giáo đức cao vọng trọng ngời ngời, khi thu nhập chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, có khi còn thua cả cha mẹ công nhân nghèo kia.
Chỉ có tụi trẻ con, bị ăn đòn và tổn thương đến không hiểu nổi...
Khải Đơn

No comments:

Post a Comment