Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu "không cho phép huy động, cho vay vàng trở lại" để tránh tình trạng vàng hóa và cho rằng việc tách toàn bộ vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng đã được thực hiện "thành công".
Ông Dũng cũng được dẫn lời nói Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần "nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh" trong năm 2014.
Trong một báo cáo gần đây, Hiệp hội Vàng Thế giới ước tính số lượng vàng vật chất tại Việt Nam đang được trữ trong người dân là vào khoảng 400-500 tấn.
Cũng theo tổ chức này, tổng giá trị lượng vàng trên nếu tính theo mức giá hiện nay sẽ tương đương với 17-21 tỷ đôla.
Đây được cho là một nguồn ngoại tệ tiềm năng có thể giúp giảm áp lực vay nợ từ quốc tế và tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức được trao độc quyền cung ứng vàng từ ngày 25/5 năm ngoái.
Kể từ đó đến nay, cơ quan này đã tổ chức tổng cộng 74 lần đấu thầu, cung ứng ra thị trường gần 1,8 triệu lượng vàng.
Hồi giữa năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải thích việc định giá bán vàng là do "thị trường quyết định" và nói việc nhà nước độc quyền vàng là để "đảm bảo giá cả thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn".
Tuy nhiên, điều mà ông Bình gọi là "cơ chế thị trường" đã gặp phải sự chỉ trích từ giới chuyên gia trong nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi "hiện nay Nhà nước thì độc quyền, số lượng người mua thì hạn chế. Tôi không biết đó là cái loại thị trường thế nào?"
Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài cũng bị cho là nguy cơ dẫn đến chảy máu ngoại tệ vì tình trạng buôn lậu.
'Nợ xấu cao hơn báo cáo'
Trong báo cáo hồi giữa tháng 11, Ngân hàng Nhà nước ước tính tổng nợ xấu toàn hệ thống hiện nay là trên 140 nghìn tỷ đồng.
Đây là mức cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, hiện nay, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, mặc dù đã giảm tốc đáng kể.
Mức tăng trưởng trung bình của nợ xấu trong ba quý đầu năm đã giảm xuống mức 2,2% / tháng so với 3,91% / tháng trong năm 2012.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc nợ xấu giảm tốc không phải là một tín hiệu đáng mừng.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 18/12, giám đốc điều hành của hãng xếp hạng tín dụng Moody's tại Singapore, ông Jean Fracois Tremblay nói tỷ lệ nợ xấu hiện nay tại Việt Nam vẫn rất lớn và việc nợ xấu tăng chậm không phải là một dấu hiệu tốt.
"Nên nhớ rằng việc nợ xấu tăng chậm một phần cũng là do hoạt động vay vốn đã giảm đi đáng kể vì một khu vực ngân hàng yếu kém," ông nói.
"Cho đến nay, họ vẫn không tìm được một lối ra cho vấn đề đó."
No comments:
Post a Comment