Wednesday, November 22, 2023

Đan Mạch dừng dự án điện gió $30 tỷ ở Việt Nam do chính sách mập mờ

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Do chính sách chủ chốt liên quan đến khai triển và mua điện từ dự án không rõ ràng, Việt Nam để vuột mất dự án điện tái tạo tỷ đô.

Theo báo Kinh Tế và Môi Trường hôm 21 Tháng Mười Một, Orsted – doanh nghiệp do chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối và là tập đoàn phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu – quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Một dự án điện gió ngoài khơi của Orsted. (Hình: Kinh Tế và Môi Trường)

Đặc biệt, Orsted quyết tâm bỏ “cuộc chơi” ngay trước khi “Quy hoạch điện 8” được phê duyệt, bất chấp mất rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà tập đoàn này đã bỏ ra từ năm 2020 tới nay.

Orsted đã từng nhắm đến Việt Nam như một “đại bản doanh” mới và thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh “sân chơi” điện gió ngoài khơi tại đây bằng việc ký “Biên bản ghi nhớ” về hợp tác chiến lược trong lĩnh điện gió ngoài khơi với tập đoàn T&T hồi Tháng Chín, 2021.

Theo đó, liên danh T&T và Orsted dự kiến sẽ hợp tác phát triển ba dự án tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước đạt gần 10 GW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng $30 tỷ trong thời gian 20 năm.

Tiếp sau đó, hôm 1 Tháng Mười Một, 2022, liên danh trên đã ký tiếp “Biên bản ghi nhớ” thỏa thuận hợp tác với Trung Tâm Đổi Mới Sáng Tạo Quốc Gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư, để phát triển điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, sau hơn một năm khai triển, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, đồng thời khẳng định “không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường,” cũng như “sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của hai bên.”

Theo tạp chí Nhà Quản Trị, vào đầu năm 2023, đại diện Orsted ra thông điệp rõ ràng về yếu tố quyết định then chốt cho kế hoạch đầu tư của họ đó là chính sách, hướng dẫn từ nhà nước Việt Nam để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.

“Do cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi và bán điện của chính phủ Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, thống nhất nên Orsted chưa mạnh dạn rót hàng tỷ đô la vào các dự án,” đại diện Orsted nêu.

Theo giới phân tích, việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam “có ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này.”

Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Thập, chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam, cho biết dự án điện gió ngoài khơi “có tính chất phức tạp,” suất đầu tư lớn lại phải qua nhiều khâu khảo sát xây dựng, nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng báo cáo khả thi… mới có thể ra quyết định đầu tư cuối cùng và thu xếp vốn cho dự án.

Liên danh T&T Group-Orsted và Trung Tâm Đổi Mới Sáng Tạo Quốc Gia ký “Biên bản ghi nhớ” thỏa thuận hợp tác hồi Tháng Mười Một, 2022. (Hình: H.A/Kinh Tế và Môi Trường)

“Thế nhưng thực tế là các cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, các quy định chưa đầy đủ nên nhiều dự án điện gió ngoài khơi gặp không ít vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát, thử nghiệm,” ông Thập nhận định.

Tập đoàn Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng lên gấp đôi vào năm 2025. Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp này đạt $8.6 tỷ, lợi nhuận $3 tỷ. (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment