Wednesday, November 22, 2023

Ngoại trưởng Việt Nam nói Mỹ sẽ ‘sớm trao quy chế thị trường’ cho Hà Nội

 VOA Tiếng Việt-22/11/2023

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh APEC được Hoa Kỳ tổ chức tại San Francisco hôm 17/11. Ông Thưởng đã kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh APEC được Hoa Kỳ tổ chức tại San Francisco hôm 17/11. Ông Thưởng đã kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với báo chí trong nước rằng Mỹ sẽ sớm trao quy chế thị trường cho Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/11, trong khi Bộ Thương mại Mỹ đã khởi động việc rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của quốc gia Đông Nam Á mà Mỹ áp đặt trong hơn 2 thập kỷ qua.

Trước đó, Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, khi tới Mỹ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần trước ở San Francisco, đã kêu gọi Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco hôm 15/11, ông Thưởng nói Mỹ “không nên cứng nhắc theo quy định” trong việc công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Lời kêu gọi của ông Thưởng được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam hồi giữa tháng 9 và cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao nhất, tức đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam được 72 nước trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng Mỹ xem quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế phi thị trường, được dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa.

Ông Sơn, trong cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Thưởng tới Mỹ tham dự APEC kết hợp hoạt động song phương tại đây, được Bộ Ngoại giao đăng trên trang web chính thức, nói rằng chủ tịch nước Việt Nam đã gặp và trao đổi với Tổng thống Biden, thống đốc bang California Garvin Newsom cũng như tiếp một số đại diện doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ.

“Qua các cuộc gặp, hai bên nhất trí nỗ lực tiếp tục triển khai kết quả thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vừa qua của Tổng thống Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện; tập trung vào kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó Hoa Kỳ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam”, ông Sơn nói.

Theo một đại diện của Bộ Công thương Việt Nam nói với VnEpxress, Mỹ coi nền kinh tế Việt Nam là phi thị trường kể từ vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên với quốc gia Đông Nam Á vào năm 2002.

Bà Nguyễn Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết rằng việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ điều tra chống bán phá giá của Mỹ, theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên của Bộ Công thương.

Đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế thị trường của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9 tại Washington, theo VnExpress. Tuyên bố chung giữa ông Trọng và ông Biden khi nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ cũng đề cập đến vấn đề này.

Bộ Thương mại Mỹ cuối tháng trước nói rằng họ sẽ bắt đầu xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 24/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chính phủ Việt Nam vào ngày 8/9 đã chính thức đệ trình yêu cầu tới bộ này để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường “dựa trên những cải cách kinh tế của đất nước trong những năm gần đây”.

Bộ này nói họ sẽ hoàn thành việc xem xét một cách nhanh chóng nhất có thể theo luật pháp Hoa Kỳ. Thông báo của bộ cho hay họ có 270 ngày để hoàn thành việc đánh giá này, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến công chúng trước khi đưa ra quyết định.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 là gần 139 tỷ USD, theo dữ liệu của Hoa Kỳ. Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó chủ yếu là điều tra chống bán phá giá với 25/56 vụ việc tính đến tháng 8 năm nay, theo VnExpress.

Theo các chuyên gia, nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống phá giá hay trợ cấp hàng xuất khẩu của Mỹ. Còn theo VnExpress, việc được hai thị trường nhập khẩu lớn – Mỹ và EU – công nhận là kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Trong cuộc gặp với ông Chính, Bộ trưởng Raimondo nói sẽ tìm cách thúc đẩy, để Mỹ sớm chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, theo Bloomberg.

Về đề xuất đăng cai diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2027 của Việt Nam, ông Sơn cho biết các nước tại Hội nghị APEC ở San Francisco đã ủng hộ. Việt Nam lần gần đây nhất đăng cai APEC là vào năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Đà Nẵng tham dự và sau đó tới Hà Nội để gặp các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.

“Tất cả các thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam”, ông Sơn nói.

No comments:

Post a Comment