Hồng Dân
(VNTB) – Quyền tự do của người dân là tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định
Quyền tự do được bảo đảm bởi quyền lực nhà nước. Nhà nước của ai thì tự do thuộc về người đó. Quyền lực nhà nước về cơ bản được quy định thành văn bản pháp luật; hay nói cách khác mọi quyền tự do đều do pháp luật quy định.
Theo pháp luật hiện nay thì Đảng lãnh đạo nhà nước. Do vậy, quyền tự do của người dân là tự do gián tiếp do Đảng làm đại diện. Tự do do pháp luật quy định là tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định.
Như vậy người dân chỉ trích phê phán Đảng khi quyền tự do bị xâm phạm, thì cần tự soát xét là “tự do” ấy được Đảng “khuôn khổ” ra sao.
Bài viết này muốn nói đến một điều mang tính cốt lõi là mặc dù “tự do trong khuôn khổ do Đảng quy định”, song cũng cần lưu ý rằng kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được chế định bởi Hiến pháp và bằng các phương thức khác nhau.
Cụ thể như sau, nếu nói và làm tương xứng nhau:
Một là, giới hạn quyền lực của Đảng, được chế định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 4), bởi hai nội dung: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy, Đảng là một chủ thể lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của giai cấp mà nó đại diện, chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, mặc dù đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, có vai trò quyết định trong quá trình tổ chức ra Nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước (chúng ta sẽ bàn tới trong một bài viết khác).
Giới hạn quyền lực của Đảng là “lực lượng lãnh đạo”, có nghĩa Đảng không phải là Nhà nước, không làm thay Nhà nước, không ra các văn bản quy phạm pháp luật như Nhà nước.
Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, dù trong thực tế có tác động lớn đến đâu, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, tức không có bộ máy cưỡng chế hợp pháp đi kèm đằng sau những văn bản đó, chúng tác động đến xã hội thông qua thể chế hóa, hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ chức của Đảng, thông qua tính đúng đắn và sức hấp dẫn của cương lĩnh, đường lối, chủ trương đó.
Thứ hai, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nội dung này đặt Đảng bình đẳng trước pháp luật như mọi đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đảng được làm những gì mà pháp luật không cấm, nhưng không thể vượt qua được khung khổ pháp luật quốc gia.
Nội dung Điều 4 Hiến pháp năm 2013 còn quy định thêm, “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Hai là, nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo các tiêu chí cụ thể được ghi trong Cương lĩnh và trong Điều 4, Hiến pháp 2013. Nhân dân giám sát Đảng, từ sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, cho đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn được thực hiện với các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị – xã hội… Các hình thức kiểm soát này đều được chế định trong Hiến pháp, các văn bản luật và Điều lệ Đảng.
Ba là, Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” bằng các hình thức sinh hoạt đảng, như tự phê bình và phê bình, kỷ luật đảng, hoạt động kiểm tra – giám sát của các tổ chức đảng từ chi bộ đến Trung ương theo Điều lệ Đảng.
Bốn là, kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn thực hiện bởi việc đánh giá hiệu quả lãnh đạo theo vai trò lãnh đạo được chế định bởi Hiến pháp. Đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Đảng dựa trên ba tiêu chí cơ bản: 1- Mức độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra; 2- Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; 3- Những giá trị tiến bộ mà Đảng mang đến cho nhân dân, cho đất nước, cho dân tộc.
“Chế tài” quan trọng nhất đối với kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng là lòng tin của nhân dân. Mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ dẫn đến nguy cơ mất vai trò lãnh đạo và sẽ mất quyền lãnh đạo của Đảng, dù quyền đó có thể được chế định bằng những hình thức pháp lý.
https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-quyen-tu-do-o-viet-nam-phai-chiu-su-cuong-toa-cua-dang/ .
No comments:
Post a Comment