Wednesday, November 22, 2023

“49 chưa qua, 53 đã tới”

 Hàn Lam   

(VNTB) – Quan niệm dân gian cho rằng độ tuổi 49-53 được coi là đại hạn trong chuyện làm ăn…  

 Đầu tháng 12 này, Đại học Fulbright Việt Nam có tổ chức một hội thảo về nghiên cứu: “Ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam”. 

Tác giả Phạm Văn Đại, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright sẽ trình bày nghiên cứu kiểm tra tác động của mê tín lên việc ra quyết định của doanh nghiệp ở Việt Nam. Tác giả nghiên cứu quan niệm dân gian cho rằng độ tuổi 49-53 được coi là đại hạn. Tác giả sử dụng thiết kế hồi quy gián đoạn (RDD) và phương pháp sai biệt hai bước (two-stage difference) để chỉ ra rằng các công ty Việt Nam có xu hướng giảm đầu tư trong giai đoạn chủ doanh nghiệp ở tuổi hạn. 

Theo tác giả Phạm Văn Đại thì tác động tín ngưỡng dân gian được tìm thấy mạnh hơn ở các công ty quy mô nhỏ, và trình độ học vấn cao không làm giảm niềm tin vào tín ngưỡng dân gian này.

 Như vậy liệu “mê tín” trong “tín ngưỡng dân gian” có nằm trong điều chỉnh của cách hiểu ở điều luật 320 của Bộ luật hình sự hiện hành: 

“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan 

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: 

a) Làm chết người;

 b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”. 

Với đề tài nghiên cứu khoa học của tác giả Phạm Văn Đại, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho thấy có lẽ cần tu chỉnh cách hiểu về cáo buộc tội danh “mê tín, dị đoan”. 

Sinh thời, giáo sư Nguyễn Trường Tiến (1950 – 2014) Chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, đưa ra giải thích rằng, câu “49 chưa qua, 53 đã tới” mang ý nghĩa phiếm chỉ một loạt tuổi từ 49 – 53 chứ không hoàn toàn gói gọn trong hai tuổi ấy.

 “Xét về mặt khoa học, ở vào khoảng tuổi này đồng nghĩa với việc người ta đã bước sang nửa kia của đời người. Sức khoẻ bắt đầu giảm sút, sức đề kháng kém hơn, nguy cơ ngã bệnh cao hơn, xương cốt yếu hơn… Do đó mà nhiều người bị bệnh, thậm chí là thiệt mạng. Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 – 53 ứng vào con số 5 là số ngũ hành, gồm sinh – lão – bệnh – tử – sinh. Nếu ai đó vượt qua được nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời”, ông Tiến phân tích. 

(Có thể là trùng hợp, nhà báo Phạm Chí Dũng vướng lao lý khi ông ở tuổi 53, theo dương lịch). 

Hôm 11-11-2023, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Cũng tại buổi thảo luận đã có đại biểu đề nghị làm rõ biển số đẹp và không phát hành đấu giá biển số xe có những số cuối xấu theo quan niệm dân gian như 49, 53… 

Theo quan niệm của người phương Đông, số 49 thường gắn liền với người đã khuất. Khi người mất được được 49 ngày, người thân sẽ tổ chức lễ cúng. Đây là lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng của người còn sống đối với người mới qua đời. Do đó, số 49 sẽ gắn liền với những điều xui rủi, vận đen. 

Ngoài ra, số 49 còn có ý nghĩa biểu tượng của sao Thái Tuế, ngôi sao gắn liền với những  việc không suôn sẻ, sức khỏe không tốt. Vì vậy, dân gian luôn coi sao Thái Tuế là sao hung. 

Số 53 cũng là một con số không may mắn. Nhiều người tin rằng, con số này gắn liền với sự xui xẻo, mất mát. Trong việc làm ăn kinh doanh lại càng kiêng kỵ con số này bởi chúng sẽ mang lại điềm gở, ảnh hưởng xấu đến công việc. 

Từ xa xưa, các nước phương Đông coi vấn đề phong thủy số mệnh là một môn khoa học dự báo, là sự tổng kết kinh nghiệm từ trong thực tiễn lâu dài và đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của con người. 

Trong cách hiểu trên thì buổi sinh hoạt học thuật vào đầu tháng 12 tới đây ở Đại học Fulbright Việt Nam về nghiên cứu: “ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam”, là nội dung thú vị cần quan tâm đến pháp luật Việt Nam có những tu chỉnh phù hợp.

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-49-chua-qua-53-da-toi/ .

No comments:

Post a Comment