Hà Nguyên
(VNTB) – Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát … tiền sau đó tiếp tục được chuyển lòng vòng khi chưa cần sử dụng …
Dường như báo chí đưa tin về vụ án “Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát” theo kiểu “công an đưa gì – phát nấy”, mà ít khi đặt câu hỏi ngược lại.
Kết luận điều tra vụ án này diễn giải, việc rút tiền tại ngân hàng SCB được thực hiện như sau: Khi cần tiền để sử dụng, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh lớn của ngân hàng SCB thực hiện dưới hai hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng SCB hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty “ma”, cá nhân trong nhóm.
Chuyển từ két nhà băng về nhà riêng rồi… sao nữa?
Nhóm cán bộ, lãnh đạo SCB xuất tiền theo một quy trình có sẵn bất chấp các quy định pháp luật rồi giao cho Bùi Văn Dũng. Sau đó, Dũng vận chuyển tiền về nhà cho bà Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood, 127 Pasteur, quận 3, TP.HCM.
Hoặc có những chuyến xe chở tiền thẳng về trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) để giao cho bà Trương Mỹ Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân theo chỉ đạo của nữ doanh nhân này.
Kết quả điều tra xác định sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng, Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý Trương Mỹ Lan) từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, Dũng đã vận chuyển tiền từ ngân hàng SCB về tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108 ngàn tỷ đồng và 14,7 triệu USD.
Số tiền mặt trên được rút ra khỏi SCB không chỉ từ khoản vay tín dụng của ngân hàng mà còn có nguồn từ phát hành trái phiếu. Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát – kết luận nêu.
Khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng SCB để nhận tiền, chuyển tiền được giải ngân. Tiền sau đó tiếp tục được “chuyển lòng vòng” trong các công ty thuộc “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát”, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan – kết luận nêu.
Kết quả điều tra đến nay xác định theo chứng từ giải ngân, việc chuyển tiền đến các tổ chức được thực hiện qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. Tổng cộng có 1.284 khoản vay với hơn 483 ngàn tỷ dư nợ gốc…
Kết luận điều tra không nêu về đích đến cuối cùng của các khoản tiền này, mà chỉ chung chung rằng “số tiền này được dùng cho mục đích cá nhân của chủ tịch Vạn Thịnh Phát”, hoặc, “sử dụng vào các mục đích trả nợ cũ, trả nợ các ngân hàng khác, đầu tư dự án hoặc chi tiêu các việc không đúng với phương án vay vốn”, như đầu tư khu dân cư Bonville diện tích hơn 56.000m² ở khu đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu dân cư Sterling Residence rộng hơn 264.000m² thuộc khu đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7 với quy mô 1.177.000m²…
Hệ sinh thái doanh nghiệp không có lỗi
Phía cơ quan điều tra cho rằng bà Trương Mỹ Lan đã dựng lên một hệ sinh thái gồm hơn 1.000 doanh nghiệp, chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên pháp nhân, qua đó lũng đoạn ngân hàng.
Đứng về mặt quản lý nhà nước, cần phải được quy trách nhiệm về việc quản trị dường như không theo kịp sự đa dạng của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến các “định hướng” không phù hợp, tạo cơ hội cho các hành vi lũng đoạn chính sách nói chung, trong đó có ngân hàng.
“Đọc tin tức về vụ án Vạn Thịnh Phát, người ta cảm giác rằng hệ sinh thái doanh nghiệp mà bà Trương Mỹ Lan lập ra chỉ nhằm để lừa nhà nước cho tư lợi cá nhân hay nhóm nhà đầu tư nào đó. Điều này không đúng với lý thuyết chung về quản trị ở nền kinh tế thị trường” – luật sư T.T., người đang tham gia bảo vệ thân chủ ở vụ án này, ý kiến.
Theo luật sư T.T., hệ sinh thái kinh doanh là mạng lưới các tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh. Với các tính chất trong tìm kiếm lợi nhuận, hệ sinh thái đảm bảo cho hoạt động đa dạng của các chủ thể. Các tính chất tham gia cũng được thực hiện với nhu cầu và khả năng khai thác thị trường, tìm kiếm lợi nhuận.
“Hệ sinh thái kinh doanh là mạng lưới các tổ chức đối với các chủ thể tham gia vào thị trường. Bao gồm nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, cơ quan chính phủ,… Trong đó có các yếu tố quyền lực hay quản lý nhà nước được thực hiện. Bên cạnh các hoạt động chính phủ tiến hành cho các nhu cầu quốc gia. Trong hệ sinh thái, các hoạt động liên quan đến việc cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ cho các nhu cầu trên thị trường.
Thông qua cả cạnh tranh và hợp tác được thể hiện với các chủ thể trên. Tuy nhiên với những vụ án được cho là đến từ yếu tố “hệ sinh thái”, có thể thấy ở đây là sự tương thích chưa đồng bộ của “yếu tố quyền lực hay quản lý nhà nước” với mô hình tập đoàn doanh nghiệp như Vạn Thịnh Phát chẳng hạn” – luật sư T.T. đưa ra quan điểm ban đầu từ những gì mà ông đang tiếp cận ở vụ án đình đám này.
https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-cho-tien-di-dau/ .
No comments:
Post a Comment