Wednesday, May 24, 2017

Việt Nam: 33% công nhân ‘sống kham khổ’

Công nhân một công ty sản xuất đồ chơi ở Đà Nẵng đình công đòi tăng lương vì không đủ sống lại còn bị bóc lột sức lao động. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lương quá thấp, gần 33% người lao động tại Việt Nam phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm, theo một cuộc nghiên cứu về đời sống công nhân.
Thậm chí, để có thể có đủ tiền thuê nhà, nuôi con, nhiều người lao động phải làm thêm giờ để giải quyết các nhu cầu sống hằng ngày, ngay cả chuyện chấp nhận làm thêm giờ “mong có thêm một bữa ăn.”
Báo điện tử VNExpress tường thuật kết quả khảo sát hồi Tháng Ba của Viện Công Nhân và Công Đoàn về tiền lương, giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện tại 14 tỉnh thành với gần 2,600 người lao động tham gia.
Kết quả khảo sát cho thấy “có gần 33% lao động cho biết thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm; 16% có thu nhập dôi dư nằm trong nhóm công nhân mỏ, khai khoáng,” VNExpress tường thuật.
Báo này thuật lời ông Vũ Minh Tiến, viện phó Viện Công Nhân và Công Đoàn, cho biết: “36% làm thêm giờ chỉ vì muốn có thêm một bữa ăn; 49% lao động trả lời không muốn làm thêm giờ. Lương của họ quá thấp, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm giờ để đủ ăn chứ không phải làm giàu.”
Lên tiếng trong dịp này, phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam Mai Đức Chính phân tích, công nhân ngoài lương cơ bản dao động từ 3.5 đến 4 triệu đồng thì tăng ca có thể thêm được 1 triệu đồng, cộng tiền hỗ trợ xăng xe, đi lại thì tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập tăng lên một chút nhưng hệ lụy tới sức khỏe rất nhiều, báo này kể lại.
“Đây cũng là lý do khiến Tổng Liên Đoàn không đồng ý đề xuất tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba giờ làm thêm khi góp ý về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao Động,” ông nói.
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là một hệ thống công đoàn do nhà cầm quyền CSVN lập ra, phục vụ nhu cầu chính trị của đảng. Tổ chức này không hề tham gia đấu tranh đòi giới chủ nhân tuân thủ luật lệ lao động, tăng lương cho công nhân đủ sống trong khi đối xử rất hà khắc, giới hạn cả chuyện đi vệ sinh. Hàng ngàn các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam những năm qua đều do chính các người công nhân “tự phát” để buộc giới chủ nhân tăng lương và cải thiện chế độ làm việc.
Hiện nay Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội của chế độ Hà Nội “đang lấy ý kiến góp ý lần hai dự thảo Bộ Luật Lao Động sửa đổi.” Trong đó, bộ này “đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ mỗi năm như hiện hành lên 400 giờ mỗi năm.”
Thay vì đòi hỏi tăng lương cho công nhân đủ sống thì chế độ Hà Nội muốn giới chủ nhân bóc lột sức lao động của người dân thêm nữa.
Kết quả nghiên cứu do tổ chức của nhà cầm quyền Hà Nội nêu trên khác xa hoàn toàn so với báo cáo “Minh Bạch Mức Lương Trong Tuyển Dụng Tại Việt Nam” công bố ngày 20 Tháng Năm của JobStreet, một trong những mạng việc làm trực tuyến hàng đầu Á Châu, cho thấy 68% người lao động Việt Nam cho rằng “thu nhập không đủ chi tiêu” và sống “khá chật vật vào mỗi cuối tháng.”
Theo tổ chức JobStreet, tiền lương của người lao động Việt vẫn rất thấp. Khoảng 31% người lao động có mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng, trong khi 36% phải chi tiêu 2 đến 4 triệu đồng một tháng.
Ngày 27 Tháng Tư, tờ Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn một số người nhân có một bản khảo sát nói thu nhập của giới công nhân ở Sài Gòn trung bình 6.4 triệu đồng một tháng. Số tiền này không đủ để sống mà cần tối thiểu 10 triệu đồng vì mọi thứ nơi đây đều đắt đỏ hơn các địa phương khác. (TN)

No comments:

Post a Comment