RFA 2017-05-24
Nhân viên môi trường đô thị sử dụng hóa chất để làm sạch một hồ nước bị ô nhiễm ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 19 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Vụ ô nhiễm môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên được chính phủ Việt Nam dành một chương riêng để báo cáo cho Quốc hội, trong phần nói chung về ô nhiễm môi trường trong cả nước vào năm ngoái.
Theo báo cáo này thì vào ngày 10 tháng 5 một cuộc họp liên ngành đã đưa ra kết luận rằng Formosa đã khắc phụcc được 52 trong tổng số 53 lỗi, lỗi còn lại là công nghệ luyện cốc sẽ được thay thế vào tháng 6 năm 2019. Ngoài ra theo chính phủ Việt Nam thì Formosa đã đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ để cải thiện và bổ sung các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ tài nguyên và môi trường.
Nhà máy Formosa được cơ quan chức năng cho phép vận hành thử nghiệm lò cao từ ngày 21 tháng 5.
Nhà máy Formosa đóng tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, vào tháng tư 2016 đã xả hóa chất ra biển làm cá chết tại bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế. Thảm họa môi trường này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn ngư dân miền Trung, cũng như nền kinh tế Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra đòi đóng cửa nhà máy Formosa, và chuyện cho phép nhà máy vận hành thử nghiệm trong khi chưa sửa đổi lỗi kỹ thuật công nghệ luyện cốc dấy lên sự chỉ trích của công luận hiện nay.
Bên cạnh đó trong báo cáo về ô nhiễm môi trường của chính phủ có nói là trong năm vừa qua có đến 50 vụ ô nhiễm lớn gây bức xúc công luận.
Theo báo cáo, hiện chỉ có 52 trong tổng số 584 cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra có 36 cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, cần phải giám sát đặc biệt, và 132 dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cần thường xuyên được kiểm soát.
Các ngành công nghiệp sau đây được báo cáo của chính phủ liệt kê là có thể có những doanh nghiệp “đen”, tức là những cơ sở dễ gây tai họa môi trường:
Khai thác chế biến khoáng sản, luyện kim, nhiệt điện, sản xuất pin và bình ắc-quy, thuộc da, lọc hóa dầu, sản xuất giấy, nhuộm, dệt, chế biến thủy sản, chế biến cao su, chế biến mía đường, và xử lý nước thải.
No comments:
Post a Comment