Wednesday, May 24, 2017

Kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Theo VOA-24/05/2017
Image may contain: one or more people
“Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển,” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như vậy tại phiên bế mạc Hội nghị trung ương 5 chiều 10-5. Tuy nhiên, ông tổng bí thư đã gắn cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân.
Ở Sài Gòn có nhiều con đường với những ngôi nhà mặt tiền được thuê đặt văn phòng công ty, làm nơi buôn bán. Người ta gọi chung đó là kinh tế tư nhân, một nền kinh tế mà ở Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản vừa tổ chức mới đây cho rằng cần phải phát triển mạnh hơn nữa.
Bà Yến Tuyết, một thương nhân ở quận 5, nói rằng nền kinh tế này luôn gặp khó, vì nhà nước cứ chăm chăm thu thuế quá nặng:
“Thua lỗ là tại vì, có thể là do người kinh doanh bị hạn chế về thuế, hạn chế về vốn kinh doanh. Họ phải đi vay, bên ngân hàng, rồi tác động của vấn đề thuế. Thuế đánh nặng quá. Rồi ảnh hưởng về giá cả. Chính vì ba cái nguyên nhân đó dẫn tới việc có thể có những doanh nghiệp bị phá sản, hoặc là có những người vay tiền với cái lãi suất nặng quá, họ phải bỏ luôn cái ngành nghề mà họ muốn. Việc Nhà nước mở ra, bung ra cho buôn bán thì đó là một giải pháp rất tốt, nhưng Nhà nước chưa hỗ trợ cho chúng tôi về vấn đề thuế, hoặc hỗ trợ những biện pháp đảm bảo cho việc kinh doanh về giá cả ổn định”.
Những hình ảnh được coi là kinh tế tư nhân này đã có một quãng thời gian rất dài gần như bị xóa sổ để nhường chỗ cho kinh tế quốc doanh. Đến nay, kinh tế tư nhân vẫn khó phát triển vì chính phủ Việt Nam cho phép khu vực tư nhân phát triển, nhưng vẫn dựa vào khu vực kinh tế Nhà nước làm chủ đạo với phân bổ 50% nguồn lực quốc gia cho nó.
Và với thương nhân như bà Yến Tuyết, thì thuế vẫn là điều đau đầu nhất:
“Hiện tại, chúng tôi buôn bán gặp nhiều khó khăn. Cái thứ nhất là do thuế không ổn định, cái thứ hai nữa là do dẹp lòng lề đường, cho nên việc kinh doanh của chúng tôi bị bất ổn. Chúng tôi đề nghị là Nhà nước phải có một cái chế độ ưu đãi thuế má để ổn định giá cho người kinh doanh và người tiêu dùng”.
Chợ là nơi tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất. Song những tiểu thương buôn bán ở chợ như vầy đều khó có thể tìm nguồn vốn vay thích hợp tại các ngân hàng trong khi thuế vẫn tăng đều đặn. Không ít tiểu thương cảm thán rằng dường như cụm từ kinh tế tư nhân luôn phải xếp sau hai ông lớn là quốc doanh và doanh nghiệp vốn nước ngoài. Và có người bông đùa rằng đó là nền kinh tế tư nhân theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

No comments:

Post a Comment