CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Chính quyền thành phố Cần Thơ đang ngậm tăm trước làn sóng chỉ trích đề nghị bù lỗ cho những hãng hàng không mở đường bay đến phi trường Trà Nóc.
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, năm 2005, chính quyền Việt Nam vẫn đổ tiền vào phi trường Trà Nóc, “cải tạo” phi trường quân sự này thành phi trường dân sự. Năm 2009, chính quyền Việt Nam tiếp tục chi thêm 1,400 tỷ đồng để nâng cấp phi trường Trà Nóc thành Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ.
Từ năm 2011 đến nay, cảng hàng không này vẫn vắng như “chùa Bà Đanh.” Lượng khách hằng năm chỉ khoảng 10% so với quy mô đầu tư.
Tuần trước, chính quyền thành phố Cần Thơ công bố “sáng kiến:” Lấy công quỹ để bù lỗ cho những hãng hàng không chịu mở đường bay đến Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ (khoảng 5 tỷ đồng/năm/đường bay nội địa, khoảng 8.5 tỷ đồng/năm/đường bay quốc tế).
Dân chúng, báo giới, các chuyên gia, chỉ trích “sáng kiến” này kịch liệt.
Khi trò chuyện với báo Thanh Niên về chủ đề này, ông Nguyễn Minh Phong, một chuyên gia kinh tế, cảnh báo “sáng kiến” đó vi phạm Luật Ngân Sách, không cho bù lỗ đối với doanh nghiệp kinh doanh.” Ông Bùi Trinh, một chuyên gia kinh tế khác, thì đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ cho biết tại sao lại cần mở thêm các đường bay mới, dự tính bù lỗ bao lâu…
Qua tờ Tuổi Trẻ, ông Đinh Thế Hiển, cũng là một chuyên gia kinh tế, khẳng định xét trên bình diện quốc gia, việc bù lỗ cho các hãng hàng không khi mở đường bay mới đến đâu đó sẽ làm méo mó thị trường hàng không. Ông lưu ý, nếu đã thấy là lãng phí mà còn quyết tâm làm tiếp bằng cách dùng ngân sách để bù lỗ là “có vấn đề.”
Cần lưu ý rằng phi trường Trà Nóc chỉ là một trong 20 phi trường hoang vắng vì thiếu khách.
Cách nay một thập niên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng, khi khoảng cách giữa nhiều phi trường quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng trăm cây số) và khi hệ thống giao thông đường bộ đã cũng như đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển thì đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi trường là vứt tiền qua cửa sổ nhưng giới hữu trách tại Việt Nam không thèm bận tâm.
Tháng Ba năm ngoái, Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (ACV) thú nhận, trong 22 phi trường hiện có tại Việt Nam thì chỉ Nội Bài-Hà Nội và Tân Sơn Nhất-Sài Gòn sinh lợi, 20 phi trường còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hằng năm của 20 phi trường đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với quy mô đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế đó không làm cho giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam bận tâm. Tháng Sáu năm ngoái, giới này “nhất trí” chi 9,800 tỷ đồng để xây dựng ba phi trường ở khu vực Tây Bắc là Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Lào Cai. Đây mới chỉ là giai đoạn 1. Chưa biết sang giai đoạn 2, ba phi trường này sẽ ngốn thêm bao nhiêu ngàn tỷ nữa!
Việt Nam hiện có cái gọi là “Quy Hoạch Phát Triển Hàng Không 2020-2030.” Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 cụm cảng hàng không được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có 10 cụm cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không nội địa là Điện Biên Phủ, Lào Cai, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Vũng Tàu.
Việc xây dựng mới, nâng cấp các phi trường theo quy hoạch vừa kể sẽ ngốn của ngân sách khoảng 227,800 tỷ đồng (tương đương $14.2 tỷ).
Nhân chuyện chính quyền thành phố Cần Thơ đề nghị bù lỗ cho những hãng hàng không mở đường bay đến phi trường Trà Nóc, ông Nguyễn Thiện Tống, một giáo sư về kỹ thuật hàng không tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, cho rằng đã đến lúc phải đặt vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án phi trường xảy ra thua lỗ, cũng như nơi, người phê duyệt.
Giống như các khuyến cáo, những đòi hỏi như thế chẳng đến đâu.
Cuối năm 2013, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư từng công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để thực hiện các “dự án trọng điểm.” Theo thống kê này, trong 10 năm từ 2003 đến 2013, Việt Nam đã đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có tám là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có bốn khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân. Tổng vốn đầu tư cho tất cả các “dự án trọng điểm” đó ngốn hết khoảng 444,000 tỷ đồng và gần như toàn bộ các “dự án trọng điểm” đều bỏ hoang sau khi hoàn tất.
Đến nay cũng đâu thấy có ai phải chịu trách nhiệm. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment