HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Số thống kê trong thời gian vừa qua mà tôi biết được thì nợ xấu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp. Cho nên không thể nói là đẩy mạnh cho vay khu vực này thì có thể làm phát sinh nợ xấu và rủi ro cho ngân hàng.”
Đó là lời của ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, nêu ra trong một cuộc trò chuyện với báo giới về rủi ro gia tăng nợ xấu.
Trong bài tường thuật về cuộc họp báo tổ chức hôm 17 Tháng Năm, báo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cho biết, ông Đông đưa ra hàng loạt dẫn chứng, chẳng hạn tỉ lệ nợ xấu trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân ở Ngân Hàng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn chỉ dưới 1.5%. Tương tự, tỉ lệ nợ xấu ở Ngân Hàng Chính Sách-Xã Hội, nơi chuyên cho những đối tượng nghèo, nhiều khó khăn vay tiền cũng luôn dưới 1.5%. Theo ông, trước nay, dẫn đầu về tỉ lệ nợ xấu vẫn là các “doanh nghiệp lớn.”
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô “lớn” gồm hai loai: Doanh nghiệp nhà nước và các công ty là thân hữu của một hoặc một nhóm viên chức đang tại nhiệm hay đã nghỉ hưu.
Theo ông Đông, nợ xấu là loại nợ khiến hệ thống ngân hàng mất cả chì lẫn chài (không thu hồi được cả vốn lẫn lời). Nợ xấu vốn là vấn nạn trầm kha của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam và có thể làm hệ thống này sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Hồi trung tuần tháng này, Công Ty Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) công bố một thống kê, theo đó, tính đến hết quý 1 năm nay, tổng nợ xấu của nhóm ngân hàng có tỉ lệ rủi ro cao vì nợ xấu lớn vào khoảng 50,700 tỷ đồng. So với cuối năm ngoái tổng nơ xấu tăng lên khoảng 6%.
Sau khi thủ tướng đưa ra hàng loạt cam kết và giải pháp nhằm hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ (hệ thống doanh nghiệp tư nhân) phát triển, bao gồm cả hỗ trợ cho vay, tại Việt Nam bắt đầu rộ lên những cảnh báo rằng, nợ xấu sẽ gia tăng và sẽ khiến kế hoạch giảm nợ xấu phá sản.
Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư phản bác những cảnh báo đó. Ông khẳng định, các số liệu thống kê trước nay cho thấy, tỉ lệ nợ xấu trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp.
Cho dù đã gạt bỏ hình thái kinh tế theo kế hoạch, nhờ vậy thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hồi giữa thập niên 1980 nhưng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – vẫn xem doanh nghiệp nhà nước là “trụ cột,” gom, dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia cho khối này – đã làm Việt Nam kiệt quệ về nội lực, liên tục suy thoái.
Dù bị chèn ép đủ kiểu, kinh tế tư nhân vẫn góp đến 40% GDP của Việt Nam (khối doanh nghiệp nhà nước chỉ góp 28.8% GDP, khối doanh nghiệp hoạt động bằng vốn của ngoại quốc góp 31.2% GDP).
Vào lúc hoàn toàn bế tắc như hiện nay, thêm một lần nữa, giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam lại xác định kinh tế tư nhân là cứu cánh, song tình trạng phân biệt đối xử kiểu như “hỗ trợ cho vay sẽ làm gia tăng nợ xấu” thì chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment