Friday, May 19, 2017

Công dân Việt Nam vẫn chỉ là ‘con sâu, cái kiến’

Ông Thanh (trái) phải ngồi chờ cả ngày ở xã mới được cán bộ tư pháp hộ tịch xã (phải) cấp giấy khai sinh cho con. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)
TRÀ VINH, Việt Nam (NV) – Câu chuyện khai sinh cho con một người tàn tật ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, vừa được đăng trên tờ Pháp Luật TP.HCM cho thấy, công dân Việt Nam vẫn chỉ là “con sâu, cái kiến.”
Cơ bắp ở hai chân của ông Nguyễn Hoài Thanh bị teo từ lúc lọt lòng mẹ. Cũng vì vậy, ông phải dùng xe lăn. Ông kiếm sống bằng việc bán vé số, sửa đồ điện gia dụng và một số loại ngư cụ.
Năm 2011, một cô gái ở Cần Thơ thương ông. Bất chấp gia đình ngăn cản, cô vẫn quyết định làm vợ ông. Do gia đình cô gái giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô nên cả hai không thể làm hôn thú.
Không có hôn thú nên vợ chồng ông Thanh không thể khai sinh cho đứa con trai sinh năm 2013. Ông từng xuất trình giấy chứng sinh, đề nghị bà Trần Thị Cẩm Hồng, nhân viên tư pháp của xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, chỉ ghi tên cha trên giấy khai sinh của đứa trẻ nhưng bà Hồng từ chối vì không có căn cứ để xác định ông Thanh là cha đứa trẻ. Ông xin thử AND, bà Hồng lắc đầu.
Bởi vì không có khai sinh, đứa trẻ nay đã bốn tuổi sẽ không thể đi học nên vợ chồng ông đến năn nỉ bà này nhiều lần. Tuy nhiên, bà Hồng vẫn khăng khăng đòi vợ ông phải về Cần Thơ xin tạm vắng, rồi đến Trà Vinh “đăng ký tạm trú” thì mới cấp khai sinh cho con của họ.
Biết được chuyện này, sáng 17 Tháng Năm, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM gặp chủ tịch xã Hòa Minh, trình bày hoàn cảnh của hai vợ chồng, dẫn Luật Hộ Tịch để chứng minh yêu cầu của bà Hồng là thái quá.
Theo luật, khai sinh là quyền của mọi đứa trẻ dù cha mẹ có hôn thú hay không. “Sổ đăng ký tạm trú” không phải là thủ tục có tính bắt buộc. Nghe trình bày xong, chủ tịch xã yêu cầu bà Hồng giải quyết nhưng bà Hồng bảo rằng, bà phải hỏi ý kiến của Sở Tư Pháp tỉnh Trà Vinh.
Thấy tội nghiệp vợ chồng ông Thanh, đã tàn tật mà còn phải đi lại nhiều lần trên quãng đường tới 50 cây số, chủ tịch xã đề nghị công an xã làm “sổ đăng ký tạm trú” cho vợ ông Thanh để bổ túc hồ sơ theo yêu cầu của bà Hồng. Công an xã đáp ứng ngay lập tức.
Khi vợ chồng ông Thanh gom đủ giấy tờ nộp cho bà Hồng (giấy chứng sinh của đứa trẻ, hộ khẩu của cha, “sổ đăng ký tạm trú” của mẹ) thì bà Hồng giao cho vợ ông Thanh “Cam kết xác định con chung” bảo cả hai vợ chồng cùng ký.
Vợ ông Thanh mang giấy ra cho chồng đang chờ ngoài cổng ký rồi cầm vào nộp cho bà Hồng thì bà không chịu vì không trực tiếp thấy ông Thanh ký vào giấy. Vợ ông tiếp tục năn nỉ, ông Thanh phải ngồi xe lăn, không tiện bò lên tam cấp để vào phòng làm việc của bà nhưng bà Hồng khăng khăng không chịu.
Bất kể chủ tịch xã đề nghị hoàn tất việc cấp khai sinh cho con ông Thanh trong buổi sáng, 11 giờ trưa ngày 17 Tháng Năm, bà Hồng vẫn tuyên bố nghỉ trưa, vợ chồng ông Thanh phải ngồi chờ. Đầu giờ làm việc buổi chiều, bà Hồng loan báo đã trò chuyện với trưởng phòng Tư Pháp Hộ Tịch của Sở Tư Pháp Trà Vinh và theo hướng dẫn thì phải làm thủ tục nhận cha cho đứa trẻ trước, sau đó chờ bà Hồng đi xác minh xem vợ chồng ông Thanh có đúng là cha mẹ thật của đứa bé hay không thì mới giải quyết tiếp!
Theo tường thuật của tờ Pháp Luật TP.HCM thì sau khi nghe thông báo như thế, phóng viên của tờ báo này đã gọi điện thoại hỏi trưởng phòng Tư Pháp Hộ Tịch rằng tại sao lại hướng dẫn kỳ quái như vậy thì ông này bảo rằng, ông chỉ khuyên bà Hồng nên tư vấn cho vợ chồng ông Thanh lập hôn thú luôn, nếu không thì làm thủ tục nhận cha cho đứa trẻ song song với việc cấp giấy khai sinh cho bé chứ không chỉ đạo “đi xác minh.”
Chủ tịch xã lại phải can thiệp và đến cuối buổi chiều, vợ chồng ông Thanh mới cầm được giấy khai sinh cho con của họ. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment