Friday, May 19, 2017

Nhà cầm quyền Việt Nam gian dối về cá biển an toàn

Cá chết tại Hà Tĩnh. (Hình: Báo Đời Sống và Pháp Luật)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chế độ Hà Nội vừa ra lệnh cho nhà cầm quyền bốn tỉnh miền Trung khuyến cáo ngư dân “không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ” vì không an toàn để ăn.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình “tại cuộc họp của ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho người dân bốn tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa năm 2016,” đã chỉ thị bốn tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế “tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi Bộ Y Tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này và nguồn lợi thủy sản đã được khôi phục.”
Năm ngoái, ít ra hai lần ông Trương Hòa Bình đã tuyên bố rằng cá biển miền Trung ở bốn tỉnh nói trên cũng như biển tại các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ Formosa thải hóa chất độc hại là “đã sạch.”
Ngày 8 Tháng Mười Một, 2016, Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin tại cuộc họp ở trụ sở chính phủ: “Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về môi trường biển tại bốn tỉnh đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản…”
Đến ngày 20 Tháng Mười Hai, khi ông Bình cùng một phái đoàn tới Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn chúc mừng Lễ Giáng Sinh, đã lập lại lời “khẳng định” là “Biển miền Trung đã sạch.”
“Phó thủ tướng khẳng định đến bây giờ có thể nói biển ở miền Trung đã sạch. Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã phân tích các mẫu nước, trầm tích, tôm cá… từ đó chứng minh biển đã sạch. Chỉ còn cá ở tầng đáy có chút ảnh hưởng của chất phenol và đang được cơ quan chức năng đang xử lý. Thời gian tới, Bộ Y Tế tiếp tục phân tích các mẫu để tiếp tục công bố,” báo Thanh Niên tường thuật cuộc thăm viếng và chúc mừng.
Trước đó, dù không ai tin, ngày 22 Tháng Tám, báo điện tử VNExpress đưa tin: “Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nước biển miền Trung đã ‘đạt chuẩn’ cho hoạt động bơi lội, nuôi trồng thủy sản, riêng cá biển đã an toàn hay chưa thì ‘cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y Tế.’”
Bản tin của VNExpress tường thuật, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cùng các đơn vị tổ chức “Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, sau sự cố xả thải hủy diệt sinh vật biển của Công Ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.”
Đến ngày 20 Tháng Chín, Bộ Y Tế lên tiếng cho hay: “Người dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý” khi các bộ Tài Nguyên, Y Tế, Nông Nghiệp tổ chức thông tin về việc sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Nhiều tổ chức quốc tế và một số chính phủ gồm cả Liên Hiệp Quốc, chính phủ Hoa Kỳ thông báo sẵn sàng giúp Việt Nam đối phó với thảm họa do Formosa gây ra. Tuy nhiên, chế độ Hà Nội đều từ chối các sự giúp đỡ dù không có khả năng điều tra khoa học và đánh giá đúng mức sự thiệt hại, hậu quả lâu dài của thảm họa.
Trong khi đó, không hề có các thông tin cập nhật về có hay không các cuộc xét nghiệm về môi trường biển, tôm cá công khai cho người dân được biết. Người ta cũng không mấy tin tưởng vào sự lương thiện của các tin tức liên quan đến “khắc phục” thảm họa do Formosa gây ra.
Điều này cho dư luận cảm tưởng có những điều khuất tất mà chế độ Hà Nội cần phải che đậy. Các cuộc biểu tình chống Formosa cũng như đòi bồi thường thiệt hại thỏa đáng vẫn diễn ra tại nhiều nơi ngư dân bị ảnh hưởng và bị đàn áp.
Một phái đoàn của giáo phận Vinh do Giám Mục Nguyễn Thái Hợp dẫn đầu đang đi vận động ở Âu Châu, mang theo thỉnh nguyện thư của 200,000 người Việt, kêu gọi hỗ trợ cho người Việt Nam đòi công ty Formosa có trách nhiệm đầy đủ với các hệ quả của thảm họa do họ gây ra.
Cũng theo bản tin của VNExpress ngày 20 Tháng Chín, Bộ Y Tế loan báo “Tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của bốn tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm. Các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13.5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.”
Bộ Y Tế khuyến cáo “Không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý.” Nay vẫn không thấy nêu ra kết quả các cuộc tìm kiếm, thử nghiệm mới, nếu có, để cho người dân biết như chế độ Hà Nội từng cam kết “thông báo công khai” từ đầu Tháng Năm năm ngoái, ngoài lời khuyến cáo của ông phó thủ tướng. Bao giờ thì tôm cá ở “tầng đáy” ăn được thì ông Trương Hòa Bình lờ hẳn đi.
Tháng trước, ngày 5 Tháng Tư, Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) cho hay nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, “đủ điều kiện vận hành lò cao số 1” sau một năm xả chất thải độc hại làm chết một vùng biển rộng lớn tại miền Trung Việt Nam.
Lời loan báo đưa ra sau khi có cuộc kiểm tra giám sát kéo dài ba ngày ở nhà máy luyện gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, của một đoàn công tác do Bộ Tài Nguyên-Môi Trường dẫn đầu.
VTV nói, sau ba ngày làm việc từ ngày 3 đến 5 Tháng Tư, “Đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra kết luận liên quan đến công tác khắc phục sự cố môi trường của công ty Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, đến nay Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.”
Cái nghiêm trọng nhất chưa “khắc phục” là lỗi ăn gian “luyện cốc khô” như xin phép lập nhà máy ban đầu thành “luyện cốc ướt” mới dẫn đến thảm họa, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội lại chấp thuận để cho cái kiểu “luyện cốc ướt” tồn tại rồi hai ba năm sau mới thay thế.
Formosa từng gian dối nhiều lần từ không làm đúng cam kết đầu tư, xả chất thải độc hại ra biển, chôn lấp (lậu) chất thải rắn không qua tẩy rửa tại nhiều địa điểm. Họ sẽ đổi từ “luyện cốc ướt” sang “luyện cốc khô” hay không? Họ sẽ tuân theo các đòi hỏi bảo vệ môi trường hay chỉ cần dúi cho quan chức ít tiền là họ lại tiếp tục giết hại môi trường và cơ hội sống của hàng triệu người Việt Nam, vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn. (TN)

No comments:

Post a Comment