Friday, January 13, 2017

Tết về trên rẻo cao

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-01-13  
Hoa đào nở rực trên vùng cao những ngày gần Tết.
  Hoa đào nở rực trên vùng cao những ngày gần Tết.  RFA photo
Tết, với người đồng bào thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Đông Bắc sang Tây Bắc, từ người H’Mong cho đến Tày, Nùng, Thái Trắng, Thái Đỏ, Dao, Sán Dìu… dường như đây là quãng thời gian đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong năm.
Cái Tết nghèo của người đồng bào thiểu số vùng núi ấm áp và có chút gì đó thê thiết, khó tả. Và năm nào cũng như năm nào, cứ đến Tết thì mọi cố gắng thắt lưng buộc bụng lại được mở ra và kéo dài cho đến hết tháng Giêng, sau đó, cái đói lại quay về và mọi khổ sở vẫn cứ thế tiếp tục, một năm nợ nần lại phủ bóng.
Tết miền núi có gì khác?
Bà Lĩnh, người dân tộc Tày, sống ở bản Nà Chúa, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, chia sẻ: “Tết cũng bình thường thôi, làm gì mà có lớn, năm nay mùa màng thì cũng bình thường, chuẩn bị Tết thì cũng chưa đâu. Tết ở nông thôn thì cũng có để dành con gà, con lợn vậy thôi. Cũng chẳng đi chơi đâu xa đâu, cũng đi thăm họ hàng thôi chứ không xuống thành phố chơi đâu! Nhà nào nghèo quá thì nhà nước cấp cho vài cân gạo để ăn Tết thế thôi. Cũng chưa có chuẩn bị gì đâu, ăn Tết không có lớn đâu! Cũng thế thôi!”.
Bà Lĩnh cho biết thêm, Tết ở miền núi vẫn chưa có gì thay đổi suốt cả trăm năm nay, khể từ thời ông bà đến cha mẹ của bà, đến bà rồi đến các con của bà. Mọi năm đều đón Tết như nhau. Người Tày, người Nùng không có thói quen du canh du cư, không xê dịch từ cánh rừng này sang cánh rừng khác nên có nhiều bản làng đã có tuổi thọ hàng chục năm, thậm chí vài trăm năm, như bản Nà Chúa của bà chẳng hạn, có tuổi đời đã trên trăm năm. Và suốt trăm năm nay chẳng có gì thay đổi.
Cũng chẳng đi chơi đâu xa đâu, cũng đi thăm họ hàng thôi chứ không xuống thành phố chơi đâu! Nhà nào nghèo quá thì nhà nước cấp cho vài cân gạo để ăn Tết thế thôi.
- Bà Lĩnh, Bắc Kạn
Cũng Tết về, việc chuẩn bị Tết đã được thắt lưng buộc bụng trước đây nửa năm. Nghĩa là từ tháng Sáu âm lịch, mọi người trong bản đều bắt đầu chuẩn bị cho Tết, ai có tiền thì mua một con lợn con về nuôi hơi lớn một chút rồi thả rông ngoài rừng. Con lớn từ tháng sáu đến cuối năm sẽ nặng chừng 20 ký đến 30 ký, nhà nào có tiền thì đi xuống chợ mua thêm vài con gà con về nuôi, trong sáu tháng, gà đẻ được vài lứa trứng và đến cuối năm thì thành món thịt gà cho ba ngày Tết.
Bà Lĩnh nhắc lại rằng đó là Tết của những gia đình thuộc diện khá giả, có của ăn của để một chút trong bản. Số gia đình còn lại thì không chuẩn bị được lợn và gà cho ba ngày Tết mà chủ yếu để dành ngô, sắn và gạo nếp để Tết đến thì nấu bánh chưng, đồ xôi mà cúng ông bà.
Tết của người đồng bào miền núi là dịp rộn ràng và vui nhộn nhất trong năm, khi hoa đào, hoa lê nở trắng các triền đồi, sương mù lãng đãng trên những đám ruộng bậc thang, núi rừng, cây cỏ chuyển màu xanh mướt lộc non, những ruộng hoa tam giác mạch hoang dại cũng bắt đầu chớm bông, ngan ngát… Thế là Tết về, những tờ lịch cuối cùng rơi dần theo âm thanh ngày Tết, tiếng nói cười rộn ràng… Bà Lĩnh cho biết thêm là Tết ở quê bà từ xưa đến nay luôn vui, bởi xóm làng chỉ có dịp Tết là giao lưu gần gũi và hưởng lạc hết mình, bỏ mọi nỗi lo toan, nợ nần. Hơn nữa, cái Tết nghèo bao giờ cũng ấm áp và thân tình.
Mặc dù Tết ở miền núi chẳng có gì, chỉ có rượu ngô và rượu sắn để mời nhau ngày đầu năm, chỉ có một ít thịt lợn, măng rừng, bắp chuối rừng, nhà nào sang thì có thêm món thịt gà và xôi để mời khách dùng cơm. Hiếm có gia đình nào có bánh, mứt, hạt dưa, con nít nhà giàu trong bản thì có thêm cái bong bóng cầm chơi. Và vui nhất vẫn là lễ hội bản làng. Nhưng lễ hội phải diễn ra sau mấy ngày Tết một chút.
Nghèo, vui cho đến bao giờ?
400.jpg
Người dân vùng cao những ngày đầu năm mới. RFA photo
Ông Trình A Túy, một người dân sống ở Nhạc Kỳ, Văn Lãng, Lạng Sơn, chia sẻ: “À, chẳng có gì đâu! Tết thì không có cái gì mà, mình chẳng có cái gì đâu, chưa có chuẩn bị Tết gì đâu! Mấy năm trước thì cũng vậy thôi, bà con tự lo mọi thứ và chung tay nhau lo, không có gì đâu! Mình cũng chuẩn bị ít gạo, ít muối, ít thức ăn để Tết vậy thôi, không có gì đâu!”.
Ông Túy cho biết thêm là Tết nào ở bản ông cũng vui và năm nào ở bản ông cũng nghèo, cũng thiếu lương thực, thiếu áo quần để mặc, thiếu điện, thiếu nước, thiếu mọi thứ cần thiết cho con người. Chỉ được mỗi cái nghèo mà vui. Mà có vui thì cũng tự người dân trong bản vui với nhau, nhà nước cũng có hỗ trợ một ít gạo cho gia đình nghèo nhưng để được làm gia đình nghèo thì quá khó, phải đạt nhiều tiêu chuẩn. Trong khi đó, miền núi thì có ai không nghèo, bởi nếu có tiền, người ta đã dời ra thị trấn để ở, chẳng ai dại gì mà ở trong bản làng heo hút, lội bộ cả ngày trời mới ra tới thị trấn và không có đường bêtông, không có gì cả.
Mấy năm trước thì cũng vậy thôi, bà con tự lo mọi thứ và chung tay nhau lo, không có gì đâu!
- Ông Trình A Túy, Lạng Sơn
Ông Túy cũng cho biết thêm là Tết năm nay, bản làng vẫn vui vẻ nhưng cái đói đã hiện hữu khắp nơi. Bởi vụ mùa vừa thu hoạch xong trước đây một tháng không đạt, số lượng thóc thu về chỉ bằng hai phần ba vụ năm trước. Trong khi đó, vụ năm trước, bà con chỉ dành dụm để ăn Tết xong thì ra tháng Giêng, tháng Hai không còn thóc để ăn, phải chạy vay chạy mướn, đi làm thuê tứ xứ để cứu đói. Mọi sự cứ đảo lộn lên. Bởi vì khi các thanh niên trong làng đi làm xa thì làng mất hết người lao động, mất người làm rừng và khi họ đi xa, thường quay về với những thói quen nghe có vẻ hiện đại nhưng thực ra là họ đang phá nát bản làng. Nạn xì ke, ma túy cũng len lõi vào làng bởi các thanh niên đi làm ăn xa mang về.
Ông Túy tỏ ra lo lắng vì không biết bản làng bình yên của ông sẽ còn kéo dài được bao lâu nữa, khi mà các vật dụng trong làng ngày càng bị Trung Quốc hóa, từ đôi dép cho đến chiếc xe đạp, chiếc xe gắn máy hoặc chiếc kẹp tóc của phụ nữ. Và đáng sợ hơn cả là hạt giống ngô, hạt giống đậu từ Trung Quốc đã tràn vào bản làng của ông quá nhiều. Mọi sự nghe có vẻ ngày càng thêm bất an.
Một cái Tết nữa đang về trên các rẻo cao Tây Bắc, nhưng cũng một cái Tết nữa, tiếng khèn, tiếng sáo Mèo, tiếng tù và đang ngày càng vắng thưa, hoa đào, hoa mơ trên núi cao cũng trơ gốc. Những bản làng đôi khi nằm lặng lẽ, trơ trọi như một giọt cô đơn của trời cao thả xuống núi rừng!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment