Friday, January 13, 2017

Loa phường, tại sao nên bỏ?

 Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2017-01-13 
Hai chiếc loa phường treo trên cột điện ở Hà Nội hôm 19/5/2011.
    Hai chiếc loa phường treo trên cột điện ở Hà Nội hôm 19/5/2011.  AFP photo
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi”. Câu nói dược cho là trái chiều với chủ trương lâu nay của Đảng đang được dư luận tán đồng.
Mục đích là tuyên truyền
Loa phường là sản phẩm độc quyền của các nước Cộng sản với mục đích chung tuyên truyền cổ động các chính sách của nhà nước. Vì là chiếc loa, nó phát thanh mà không nghe phản hồi và do đó việc người dân có thích thú nghe chương trình của nó hay không thì người điều hành nó là nhà nước hoàn toàn không cần biết tới.
Loa phường mang tới từng nhà người dân những thông tin cũ và luôn đề cao vai trò của đảng hay tập thể. Nó đại diện cho chính quyền và hiếm thấy người dân phản ứng với các lập luận một chiều mà loa phường loan tải. Vậy ai là người thật sự yêu thích loa phường? Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ theo kinh nghiệm bản thân ông:
“Số người quan tâm tới loa phường nói không có thì không đúng nhưng mà rất ít. Chỉ là những người không báo chí, sách vở, không có điều kiện thời gian, phần lớn là người già họ muốn nghe mục gì thì đến giờ đó họ nghe, hầu như rất hiếm người như vậy.
Đa số thế hệ trẻ thanh niên, trung niên biết về kỹ thuật Internet thì họ không quan tâm đâu. Đối với họ, với đa số đó thì loa phường nó là sự tra tấn âm thanh rất khốn khổ, nó mở rất to cho cả xóm nghe, những cái loa to tổ chảng bắt ngay đầu đường, đầu xóm từ sáng sớm cho tới đêm khuya cứ ra rả như thế thì rất mệt cho người nghe”.
Một ông Chủ tịch thành phố Hà Nội mà tuyên bố như thế thì tôi thấy hơi lạ, trái ngược với tư duy cũ làm công tác tuyên truyền trong cán bộ và người dân, mọi thứ phải phục vụ cho đường lối của Đảng, nhà nước.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Khi ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu nhìn lại vai trò của loa phường trong bối cảnh hôm nay rất nhiều người đồng tình ngay lập tức. Sự đồng tình ấy phát xuất từ đòi hỏi quyền riêng tư của một cá nhân trong xã hội đã bị nhà nước lấy mất từ khi Đảng xuất hiện. Điều mà ông Chung gọi là “sứ mệnh lịch sử” của chiếc loa phường chỉ đơn giản là ông muốn gắn một chiếc huy chương cho nó trong từng ấy năm tháng đã hết lòng phục vụ cho thể chế.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng tuyên bố của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung có thể xem là trái chiều và gây ngạc nhiên cho nhiểu người, ông nói:
“Về vấn đề loa phường ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố “nếu không hiệu quả thì nên mạnh dạn bỏ đi”, theo tôi đây là tuyên bố gây ngạc nhiên vì trong hoàn cảnh lâu nay nhà nước Việt Nam với hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản luôn luôn dựa vào loa phường là phương tiện khá đắc lực để truyền đạt tuyên truyền mọi thứ theo định hướng họ muốn.
Một ông Chủ tịch thành phố Hà Nội xuất thân là một thiếu tướng công an, lên làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mà tuyên bố như thế thì tôi thấy hơi lạ, trái ngược với tư duy cũ làm công tác tuyên truyền trong cán bộ và người dân, mọi thứ phải phục vụ cho đường lối của Đảng, nhà nước”.
Ai còn tin loa phường?
000_Hkg2125202-400.jpg
Một chiếc loa phường ở Hà Nội chụp ngày 20/12/2009. AFP photo
Loa phường hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân từ thành thị tới thôn quê và lâu dần người ta quên luôn sự có mặt của nó. Mỗi buổi sáng tinh mơ, người dân bị đánh thức bởi những âm thanh chát chúa từ những bản nhạc vài chục năm không thay đổi. Những bản tin địa phương đầy hình ảnh lạc quan mặc dù người dân biết là không chính xác vì đã được tô hồng.
Nhà báo Phạm Thành cho rằng loa phường đã vi phạm quyền riêng tư của người dân khi nó bất chấp sự nghỉ ngơi yên tĩnh của quần chúng, ông nói:
“Cứ đến giờ thì phát lên mà loa thì đặt ngay khu sát nách nhà người dân trong khi có bao nhiêu là người già con nít cứ đến giờ là nó tru tréo lên bất cần biết người dân có những người đang trong tình cảnh bệnh hoạn hay thần kinh, đến giờ đấy thì người ta mới nghỉ ngơi mà loa phường lại tru tréo lên, đấy là mặt hình thức nó không tốt cho sức khỏe của người dân. Thứ hai nữa là nó vẫn những luận điệu cũ tuyên truyền ca ngợi chế độ, tuyên truyền khẳng định cho ông này ông kia là người tài người giỏi hay phải tin tưởng vào Đảng, những luận điệu đã cũ rích rồi”.
Dù là vô hồn nhưng phía sau những chiếc loa sắt ấy là một guồng máy tốn kém và được chỉ đạo từ tuyên giáo. Nhiều người cho rằng đề nghị bỏ loa phường gây chú ý không phải ý dân được lắng nghe mà mục đích đặt ra cho đề xuất này từ thực tiễn thất bại mà vai trò của nó đã mang vác. Tại sao tới thời điểm này loa phường mới bị đề nghị đào thải phải chăng thời kỳ thông tin hóa toàn cầu đã tiếp tay làm cho vị thế của loa phường trở nên mờ nhạt hay còn lý do nào khác?
Nhiều người cho rằng ông Chung đã có tư duy rất mới khi dám nhìn nhận sự thất bại của loa phường, tuy nhiên nhà báo Phạm Thành nhắc lại ông Chung không phải là người đầu tiên đề xuất việc bãi bỏ này:
Ở một thời đại mà con người ta cần phải có tư duy sâu sắc để hiểu thông tin đa chiều nhiều mặt mà để cái loa phường như thế thì quả là nó như một thứ rất chướng tai gai mắt.
- Nhà báo Phạm Thành
“Loa phường thì nó ồn tại từ lâu rồi. Trước đây thời ông Nguyễn Tấn Dũng ổng cũng đã nói hãy bỏ loa phường đi chứ không phải bây giờ ông Nguyễn Đức Chung nói đầu tiên đâu. Vai trò lịch sử của nó đã hết rồi nhưng từ đó đến nay có thay đổi gì đâu nó vẫn tồn tại. Chắc bản chất là do điều kiện ngân sách nó rất khó khăn không thể nuôi được nhiều người cho nên ông Chung tính tới việc dẹp loa phường đi vì vần đề ngân sách, tất nhiên nó cũng có vấn đề nhân sinh nữa. Tôi nghĩ rằng ở một thời đại mà con người ta cần phải có tư duy sâu sắc để hiểu thông tin đa chiều nhiều mặt mà để cái loa phường như thế thì quả là nó như một thứ rất chướng tai gai mắt”.
Loa phường từ sau đề nghị của ông Nguyễn Tấn Dũng tới nay vẫn không nhúc nhích và ông Chung lập lại lần này liệu có được ban tuyên giáo trung ường đồng tình hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nhà nước đã thấy được sự bất lực của loa phường khi phải cạnh tranh với những đối thủ nặng ký từ Internet như các trang Blog, Facebook, Twitter hay YouTube. Khi vai trò của loa phường kết thúc thì tiếp sau nó sẽ là phương tiện nào đại diện tuyên truyền cho chính phủ?
Chưa có phương tiện thay thế nên những người quan sát động thái này của ông Nguyễn Đức Chung vẫn có quyền nghi ngờ sự khả thi từ lời ông nói cho tới khi trở thành hiện thực.

No comments:

Post a Comment