HÀ NỘI (NV) – Chính phủ Việt Nam vừa cho biết có thể sẽ không phát hành lượng trái phiếu dài hạn trị giá $3 tỷ trên thị trường chứng khoán quốc tế như đã từng dự trù hồi cuối năm ngoái.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Việt Nam từng trình bày kế hoạch phát hành lượng trái phiếu dài hạn (10 năm) trị giá $3 tỷ trên thị trường quốc tế vào năm 2017 để “tái cơ cấu các khoản nợ” (dùng nợ mới trả nợ cũ nhân đó thay đổi cách thức, thời hạn trả nợ), đồng thời đề nghị Quốc Hội Việt Nam cho phép đa dạng hóa kỳ hạn của trái phiếu phát hành trong nước kèm việc dọa rằng, nếu những đề nghị này không được chấp thuận, có thể chính phủ Việt Nam sẽ không kiếm đủ tiền để bù đắp cho bội chi.
Tuy nhiên trong báo cáo mới nhất về thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2016 gửi Quốc Hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam cho biết có thể họ sẽ không thực hiện kế hoạch phát hành lượng trái phiếu dài hạn trị giá $3 tỷ trên thị trường chứng khoán quốc tế vì “diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ thế giới không thuận lợi.” Nếu thực hiện kế hoạch này, Việt Nam có thể sẽ phải trả mức lãi rất cao cho $3 tỷ dự trù sẽ vay đó.
Chính phủ Việt Nam đang dự trù sẽ giải quyết tình trạng công quỹ thiếu hụt bằng trái phiếu ngắn hạn (ba năm) phát hành trong nước vì có thể trả lãi thấp hơn. Bộ trưởng Tài Chính Việt Nam so sánh, nếu vay tiền bằng trái phiếu dài hạn phát hành trên thị trường chứng khoán quốc tế thì Việt Nam sẽ phải trả lãi khoảng 9%/năm, trong khi phát hành trái phiếu ngắn hạn trên thị trường trong nước thì chỉ phải trả lãi khoảng 6%/năm.
Bộ trưởng Tài Chính Việt Nam trấn an Quốc Hội Việt Nam rằng, từ khi Quốc Hội Việt Nam cho phép tiếp tục vay tiền của dân chúng Việt Nam bằng trái phiếu ngắn hạn, trong sáu tháng vừa qua, chính phủ Việt Nam đã vay được 187,700 tỷ đồng.
Dường như chính phủ Việt Nam lại tiếp tục dẫn dắt Quốc Hội Việt Nam trong chuyện vay mượn dù kế hoạch vay mượn của chính phủ Việt Nam đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Lo ngại trước việc phát hành ồ ạt trái phiếu ngắn hạn tạo ra quá nhiều rủi ro (vừa vay xong đã phải lo trả vì tới hạn khiến áp lực trả nợ càng lúc càng lớn, việc hoạch định ngân sách càng ngày càng bị động), tháng 11 năm 2014, Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết, yêu cầu, từ 2015, chính phủ Việt Nam không được phát hành trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm và phải giảm mức vay đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ).
Tuy nhiên đến tháng 10 năm ngoái, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam loan báo, việc bán trái phiếu kỳ hạn năm năm hết sức khó khăn. Từ đầu năm 2015 đến tháng 10 năm 2015, tổng giá trị trái phiếu đã bán được tại thị trường trong nước chỉ đạt được khoảng 51% kế hoạch của cả năm. Nếu Quốc Hội Việt Nam không cho phép “đa dạng hóa kỳ hạn” (thực chất là cho phép tiếp tục bán trái phiếu ngắn hạn) thì chính phủ Việt Nam sẽ không còn tiền để duy trì hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam lúc đó, thú thật, ủy ban của ông ta đã “suy nghĩ rất nhiều.” Dù mong muốn có thể vay với thời hạn trả nợ dài nhất, lãi vay ở mức thấp nhất, ít rủi ro nhất nhưng thị trường lại muốn được hoàn lại tiền vay trong thời gian ngắn nhất và lãi suất phải cao, thành ra Quốc Hội Việt Nam nên tự hủy bỏ yêu cầu mình.
An ninh tài chính quốc gia là “chuyện nhỏ,” vay được tiền để dùng ngay mới là “chuyện lớn” nên phát hành trái phiếu ngắn hạn tại thị trường trong nước giờ trở thành ưu tiên hàng đầu. (G.Đ)
30-07-2016
No comments:
Post a Comment