Trần Thành (ghi)-31-07-2016
(VNTB) - Nước mắt và nụ cười buồn vui sau ngày tốt nghiệp đại học rồi cũng sẽ qua đi. Với những ‘tân’ cựu sinh viên trường luật, giờ đây với các vụ ‘đại án’ đang xét xử ở tòa, sẽ thấm thía hơn rằng nghề ‘thầy cãi’ ở xứ mình cần lắm tính độc lập – độc lập thực sự, chứ không phải cam chịu sự lệ thuộc vào các ‘bề trên’ của tổ chức Đảng – Đoàn.
Những hình ảnh về luật sư Trần Thu Nam bị 'côn đồ' đánh được đăng tải trên Facebook
Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng kể lại câu chuyện của những ngày đầu đặt chân vào Luật Khoa Đại học đường Sài Gòn, và đòi hỏi tiên quyết về tính độc lập của nghề thầy cãi ở hôm nay.
Lương tâm và tính độc lập
Trong những ngày đầu tiên đến với trường Luật cũng như các bạn đồng môn, tôi hiểu được sự liên kết và tác dụng hổ tương của các sự kiện xảy ra trong xã hội trong vòng tròn phân tích- tổng hợp- phân tích- tổng hợp và cứ thế tiếp diễn không ngừng. Điều này chúng tôi học được từ bài diễn văn chào mừng các tân sinh viên của vị thầy thay mặt Hội đồng Khoa tại trường Luật Sài Gòn và sau đó được phổ biến rộng rãi đến những ai theo học ngành luật.
Vị thầy ngày xưa đã nói với chúng tôi rằng “mọi sự việc xảy ra trong xã hội đều được cô đọng trong vài điều luật và việc giải quyết những mâu thuẫn các quan hệ trong xã hội cũng được cô đọng trong một số điều luật”.
Nhà làm luật đã phải phân tích các dữ kiện đó để rồi tổng hợp lại trong một vài điều luật, và người thi hành luật cũng như áp dụng luật cũng phải từ những điều khoản đã được cô đọng để phân tích trở lại, nhằm áp dụng cho đúng theo từng trường hợp.
Vì vậy ngay từ những bước chân tập tễnh với ngành Luật cũng như về sau trong giai đoạn tập sự luật sư, các thầy giáo cũng như luật sư hướng dẫn luôn luôn đòi hỏi ở chúng tôi một tư duy, mà tư duy này không chỉ trên những điều luật cố hữu, mà là một tư duy có tính sáng tạo và cần được sáng tạo nhằm phù hợp với sự tiến triển nhiều mặt của xã hội. Các bậc đàn anh cũng nhấn mạnh rằng, sự tư duy nhằm phát sinh và nuôi dưỡng sự sáng tạo đó chỉ có thể nảy sinh, phát triển và được tôn trọng trong một môi trường làm việc độc lập.
Phải hành nghề với trọn vẹn tinh thần độc lập
Khi vào nghề, theo truyền thống vì chịu ảnh hưởng của hệ thống tư pháp và tổ chức luật sư của Pháp; các tân luật sư phải tuyên thệ với lời thề mà tôi không còn nhớ nguyên văn; đại ý là phải hành nghề với đầy đủ lương tâm, trong tinh thần độc lập.
Tinh thần độc lập của luật sư có thể được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là độc lập đối khách hàng, sau nữa là độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng và nhằm bổ sung cho hai độc lập trên là độc lập ngay đối với đồng nghiệp.
Một trong các bài học đầu tiên tôi được học là “Khi anh hành nghề luật sư, anh phải tâm niệm một điều, đó là phải bảo vệ lẽ phải trên cơ sở của những quy định luật pháp - và để đạt được điều này anh phải biết và phải hành nghề với trọn vẹn tinh thần độc lập”. Vị thầy đàn anh của tôi còn nhắc nhở: “Anh phải hiểu nghề nghiệp mà anh chọn và theo đuổi trước hết phải đưa tới danh dự, chứ không phải tới giàu sang phú quí. Vì vậy anh phải dám coi rẻ những hành vi trục lợi không khó nhọc, không công phu, không hao tổn trí tuệ, mà ngược lại anh phải tận hiến hết khả năng cũng như lương tâm của mình cho nghề nghiệp, và mỗi khi thành công sẽ tận hưởng được cái vinh dự mà xã hội dành cho anh”.
Mấy chục năm trôi qua, lời dạy chân thành đó với tôi vẫn là kim chỉ nam mà một số anh em đồng nghiệp thân hữu thường đùa và nhắc nhở với nhau, là “gắng giữ cái trong sáng của nghề và người luật sư cũng như của quảng đời còn lại”.
Tính độc lập đối với cơ quan tiến hành tố tụng
Để có thể đưa ra một bản án công bằng và đúng luật thì tất cả các quan hệ, nhất là quan hệ giữa luật sư với những cơ quan, những người tiến hành tố tụng phải được thiết lập trên mối quan hệ công, chứ không phải là “quan hệ làng xóm”, hay còn gọi là “quan hệ nghĩa tình”, tức là mọi sự việc đều được giải quyết trên cơ sở quy định của luật pháp hơn là được giải quyết trên cơ sở nghĩa tình.
Có thể khẳng định bản chất mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực chất là mối quan hệ có tính phản biện, tác động hổ tương lẫn nhau. Vì nói cho cùng, sự độc lập của luật sư khi hành nghề sẽ góp phần tạo nên nguồn gốc của phép ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa luật sư, khách hàng và các cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Tôi nghĩ con đường mà bất cứ luật sư nào đi cũng là con đường sỏi đá, không bao giờ được trải hoa nếu luật sư đứng và đi bằng đôi chân độc lập. Biết vậy nhưng luật sư vẫn phải đi.
No comments:
Post a Comment