Ngay sau khi trở thành chủ tịch quốc hội cùng lời tuyên thệ trước “quốc dân đồng bào” lần thứ hai lên tiếp trong vòng 4 tháng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát ngôn trước báo giới: “Lợi ích phải hài hoà. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn”.
Như một đồng pha, ngay trước khi Quốc hội Việt Nam tổ chức bầu lại các chức danh chủ chốt vào tháng Bảy năm 2016, Ủy ban thường vụ quốc hội lại một lần nữa nại lý do hoãn luật Biểu tình: “do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này”.
Báo nhà nước chỉ có thể mỉa mai trong khuôn khổ một bộ não tự kiểm duyệt: “Lại lùi vô thời hạn... Luật Biểu tình”, và “Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần. Và khi nào Quốc hội mới trả được nhân dân “món nợ” này vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời”.
Quả thế, cứ với cái não trạng điều hành đất nước mang lại khổ đau nhiều hơn hẳn “cơm no áo ấm” như hiện thời, còn lâu mới có chuyện “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” tự nguyện trả nợ cho dân.
Dù cố thanh minh trước dư luận xã hội về việc sẽ không kéo lùi luật Biểu tình vô thời hạn, nhưng bà Ngân cũng chẳng hề hứa hẹn đến thời điểm nào thì dân mới được cấp phép để chính thức xuống đường, và càng không hề đả động đến nguồn cơn chính yếu gây ra hiện tượng chậm lụt luật Biểu tình: Bộ Công an, còn được một số viên chức ngoại giao nước ngoài giễu cợt như “bộ nhân quyền”, là tác nhân khiến cho quyền biểu tình không ngóc đầu lên nổi.
Tình thế hiện thời cho thấy luật Biểu tình có thể bị hoãn vô thời hạn, ít nhất cho đến khi nào chính quyền hết sợ bộ luật quyền dân này. Mà việc chính quyền hết lo sợ lại là một điều vô cùng hi hữu. Có lẽ trong lịch sử hơn bảy chục năm tồn tại của đảng Cộng sản, chưa bao giờ nó lo sợ về đủ thứ nợ cũ, nợ mới như lúc này.
Rốt cuộc, bất chấp bị dư luận và báo chí lên án là “nợ dân quá nhiều”, một con nợ vẫn hoàn toàn có thể ‘”xù” nợ khi đã trở nên quá trơ tráo.
Tương lai của một “nghị gật” rất thường bắt nguồn từ quá khứ “không biết, không nghe, không thấy”. Phát ngôn “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn” của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất có thể phản ánh khá đầy đủ tâm thế của bà, và của cả một chính thể được coi là “chính danh”: không quản được thì siết, không siết được thì cấm. Một phương châm bất di bất dịch của những người chẳng biết làm gì hơn ngoài thái độ trơ lì, hứa và quên.
28-07-2016
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment